“Bức tranh lớn” phác họa viễn cảnh u tối cho bóng đá Anh

|

NDO - Dự án “Bức tranh lớn” được đưa ra bởi những ông lớn ở Premier League đang khiến nước Anh chao đảo. Thoạt nhìn nó có vẻ hấp dẫn. Nhưng nếu xem xét một cách thấu đáo, tương lai của giải đấu hàng đầu xứ sương mù rất đáng lo ngại.

Premier League đang đứng trước đổi thay lớn chưa từng có trong lịch sử 28 năm tồn tại. Từ ý tưởng của Liverpool, được sự ủng hộ của M.U, sau đó là các đội khác thuộc nhóm Big Six là Man City, Arsenal, Chelsea và Tottenham, “Bức tranh lớn” ra đời. 

Đó là kế hoạch thay đổi toàn diện giải đấu hàng đầu nước Anh. Các điểm chính của dự án gồm việc Premier League rút xuống còn 18 đội, Cúp Liên đoàn và Siêu Cúp Anh bị loại bỏ, quyền phán quyết thuộc về chín đội, hay nhóm Big Six mở rộng khi kết nạp thêm Everton, Southampton và West Ham, ngoài ra sẽ có hai suất xuống hạng và suất còn lại được quyết định bởi trận play-off.

Thoạt nhìn, “Bức tranh lớn” có vẻ hấp dẫn. Khi chỉ còn 18 đội, dĩ nhiên sức cạnh tranh sẽ cao hơn bởi đó sẽ là tập hợp những đội ưu tú nhất xứ sở sương mù và có tiềm lực mạnh về tài chính.

Trên khía cạnh nào đó, nó cũng giống như cách đây 30 năm, M.U, Liverpool, Tottenham, Everton và Arsenal cùng tham dự “bữa tối định mệnh”, mở đường cho sự li khai khỏi Liên đoàn bóng đá rồi lập ra Premier League mà chúng ta thấy hiện nay. Đây là cuộc cách mạng thực sự của bóng đá Anh, tạo nên giải đấu hấp dẫn và giàu có nhất hành tinh. 

Tuy nhiên, đặt vào bối cảnh cụ thể, dự án “Bức tranh lớn” rất khác so với “bữa tối định mệnh” năm 1990. Ba thập kỷ trước, bóng đá Anh cần thiết phải có sự cải tổ bởi tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất, bóng đá bị hủy hoại bởi bạo lực và mô hình hoạt động của các CLB không còn phù hợp với sự phát triển của thế giới. Họ bị tụt lại quá xa so với Bundesliga, La Liga và nhất là Serie A, giải đấu thiên đường. 

Còn thời điểm này, không có sự cấp bách nào để phải cải tổ. Như đã thấy ở mùa hè vừa qua, bất chấp cuộc khủng hoảng tồi tệ vì Covid-19, Premier League vẫn chi ra 1,2 tỷ bảng để thu gom những cầu thủ giỏi nhất toàn cầu. Các giải đấu khác chỉ có thể nhìn họ và mơ ước.

Vậy “Bức tranh lớn” ra đời với mục đích gì? Khi đứng đằng sau là Liverpool và MU, hai đội thuộc quyền quản lý của các ông chủ Mỹ, dĩ nhiên nó không xuất phát từ lợi ích bóng đá. Thực chất, đây là cuộc thâu tóm quyền lực.

Theo quy tắc cũ được đưa ra vào năm 1992, mỗi CLB sở hữu 1 phiếu bầu và một chính sách lớn phải được thông qua bởi 14/20 CLB. Bây giờ, MU, Liverpool và 4 đội khác gồm Man City, Arsenal, Chelsea, Tottenham trong nhóm Big Six nghĩ rằng họ cần có quyền lực hơn bởi họ đang tạo ra phần lớn doanh thu cũng như sự hấp dẫn cho giải đấu. 

Đó là lý do xuất hiện đề xuất về quyền quyết định sẽ nằm trong tay nhóm chín CLB có thâm niên nhất là Arsenal, Chelsea, Everton, Liverpool, Man Utd, Man City, Southampton, Tottenham, West Ham. Nhưng Southampton, Everton và West Ham chỉ góp mặt như bức bình phong, bởi chỉ cần 6 trong số 9 đội bỏ phiếu thuận, một chính sách sẽ được thông qua.

Nhiều năm qua, các tỷ phú giàu có từ khắp nơi trên thế giới đã đổ bộ xuống Premier League, nhưng các giá trị truyền thống vẫn được bảo tồn để ít nhất người Anh có thể tự hào. Điều gì sẽ xảy ra khi quyền quyết định nằm hoàn toàn trong tay những ông chủ nước ngoài? Nên nhớ chỉ có 2 trong số 9 đội thâm niên là được quản lý bởi ông chủ Anh. Việc bỏ Cúp Liên đoàn, giải đấu có 60 năm lịch sử, và Siêu Cúp Anh đã tồn tại 112 năm, là những cú sốc đầu tiên. Ai biết họ còn đưa ra những phán quyết tai hại nào tiếp theo?

Ngoài ra, việc cắt giảm từ 20 xuống còn 18 đội không phải là ý tưởng tốt. Premier League hấp dẫn bởi sự khó lường. Thực chất khoảng cách giữa các đội không quá lớn để bất cứ đội nào cũng có thể thắng và bất cứ đội nào cũng có thể thua. Thế nên mới có chuyện Aston Villa quật ngã nhà đương kim vô địch Liverpool 7-2, Leicester đánh bại Man City 5-2 mới đây. Hoặc xa hơn, Leicester từng viết nên câu chuyện cổ tích khi đăng quang năm 2015 và Blackburn Rovers lên ngôi năm 1995. 

Như Martin Samuel bình luận trên Daily Mail, “Bức tranh lớn” giết chết sự thú vị, giảm thiểu sự bất ngờ và phấn khích của Premier League, đồng thời chấm dứt cơ hội cũng như hy vọng của các đội bóng nhỏ. 

Gói cứu trợ ngay lập tức trị giá 350 triệu cùng 25% doanh thu được hứa hẹn chia sẻ cho các giải đấu cấp thấp nhằm tranh thủ sự ủng hộ giống như viên thuốc độc tẩm đường. Và “Bức tranh lớn” nếu thành hiện thực, có thể biến bức tranh Premier League ngả sang màu u tối. Đó là viễn cảnh rất đáng lo ngại cho bóng đá Anh.