Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045

|

Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Ngày 30/12/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1657/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Chương trình hành động). Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm cụ thể hóa những quan điểm, nội dung và nhiệm vụ chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ thông qua việc xây dựng, tổ chức thực hiện các đề án, chính sách, dự án cụ thể để đạt được các mục tiêu của Chiến lược công tác dân tộc. Đây cũng là căn cứ để các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn xây dựng kế hoạch và đề ra giải pháp, tiến độ tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao tại Quyết định này.

Trong quá trình triển khai, Chương trình hành động đặt ra một số yêu cầu sau:

Thứ nhất, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng tinh thần, nội dung của Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn xã hội đối với quan điểm, chủ trương của Đảng về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong tình hình mới.

Thứ hai, nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương và chính quyền các cấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chiến lược công tác dân tộc và Chương trình hành động.

Thứ ba, quá trình tổ chức thực hiện Chương trình hành động phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, thường xuyên giữa cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp từ Trung ương tới địa phương, bảo đảm tính thống nhất trong công tác hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình hành động đề ra.

 

Công tác dân tộc được đẩy mạnh thực hiện trên cả nước

Đi kèm với Chương trình hành động là phụ lục gồm 10 nhiệm vụ, đề án nhằm hiện thực hóa các nội dung của Chương trình hành động gồm: (1) Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc; (2) Giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực; (3) Phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; (4) Đối ngoại, thu hút đầu tư; (5) Tuyên truyền, thông tin truyền thông; (6) Y tế, chăm sóc sức khỏe; (7) Văn hóa; (8) Thương mại, du lịch; (9) Khoa học và công nghệ, chuyển đổi số; (10) Đề án, chính sách đặc thù.

Các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất, xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ, đề án cụ thể được phân công tại Phụ lục ban hành kèm theo Chương trình hành động này.

Ủy ban Dân tộc có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, địa phương liên quan tổ chức sơ kết trong năm 2025 và tổng kết trong năm 2030 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ và Chương trình hành động này. Đồng thời, Ủy ban Dân tộc là đầu mối thống nhất theo dõi, tổng hợp, đôn đốc, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ giao tại Chương trình hành động này, định kỳ hàng năm (bắt đầu từ năm 2023) tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Theo đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan được phân công chủ trì xây dựng, thực hiện các nhiệm vụ, đề án. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương trong việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các đề án, chính sách dân tộc có liên quan trên địa bàn, bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ được nêu trong Chương trình hành động.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương có trách nhiệm tổ chức đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc và Chương trình hành động, gửi báo cáo về Ủy ban Dân tộc trước ngày 20 tháng 11 hàng năm (bắt đầu từ năm 2023), để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Chiến lược công tác dân tộc; xây dựng, gửi Ủy ban Dân tộc báo cáo sơ kết trước ngày 30 tháng 9 năm 2025 và báo cáo tổng kết trước ngày 30 tháng 6 năm 2030, để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về kinh phí thực hiện, Chương trình hành động này được bố trí kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Đối với các nhiệm vụ, đề án tại Chương trình hành động có chung mục tiêu, đối tượng, nội dung với các Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện lồng ghép nguồn vốn theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ. Đối với các nhiệm vụ, đề án khác được bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước theo quy định. Hằng năm, căn cứ nhiệm vụ, đề án tại Chương trình hành động, các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách hằng năm của các Chương trình mục tiêu quốc gia hoặc dự toán ngân sách hằng năm của bộ, ngành, cơ quan trình cấp có thẩm quyền phê duyệt./.

 
Thu Hiền