Công tác cải cách hành chính tiếp tục đổi mới và đột phá

|

Công tác cải cách hành chính tiếp tục đổi mới và đột phá

Thời gian qua, công tác cải cách hành chính không ngừng được đẩy mạnh nhằm tăng cường hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu, quyền lợi của người dân, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia. Với những nỗ lực không ngừng, cải cách hành chính đã đạt được kết quả tích cực, tạo đột phá mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
 
Những kết quả tích cực trong công tác cải cách hành chính nửa đầu năm 2024
 
Theo Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2024, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp, việc rà soát, xử lý vướng mắc, bất cập về cải cách hành chính (CCHC) đã được tích cực triển khai thực hiện, công tác cải cách hành chính tiếp tục có những đổi mới, nỗ lực tạo đột phá, đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là một số lĩnh vực như:
 
Về công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện CCHC, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện đôn đốc cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tăng cường kỷ luật, kỷ cương. CCHC được tổ chức thực hiện từ Trung ương đến địa phương. Trong 6 tháng đầu năm, đã hoàn thành 10/12 nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo; các bộ, ngành đã hoàn thành 400/991 nhiệm vụ; các địa phương đã hoàn thành 1.327/3.009 nhiệm vụ.
 
Cũng trong thời gian này, đã có 2.870 văn bản (trong đó, có 305 văn bản của các bộ và 2.565 văn bản của địa phương) được ban hành để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện nhiệm vụ CCHC. Lãnh đạo Chính phủ và Bộ, ngành, địa phương đã tích cực tham gia nhiều diễn đàn đối thoại và trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ của công chức được tăng cường.
 
Về công tác cải cách thể chế, xây dựng pháp luật, trong 6 tháng đầu năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 5 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; ban hành 83 Nghị định, 8 Nghị quyết (thông qua 11 đề nghị xây dựng luật, 17 dự án luật). Đã trình Quốc hội cho phép áp dụng các Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn từ 1/8/2024. Thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban.
 
Về cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã cắt giảm, đơn giản hóa 168 quy định kinh doanh, 247 TTHC, giấy tờ công dân, thực thi phương án phân cấp đối với 108 TTHC. Có 40 TTHC nội bộ được Thủ tướng phê duyệt phương án đơn giản hóa. Giao thực hiện thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh tại Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Bình Dương.
 

Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã có những sáng kiến, thành tích nổi bật trong CCHC

 
Về cải cách tổ chức bộ máy, đã giảm được 33 đơn vị sự nghiệp công lập cấp Bộ, dự kiến trong năm 2024 giảm 72 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Các địa phương đã giảm 10 tổ chức cấp phòng thuộc UBND tỉnh và 8 tổ chức cấp phòng thuộc UBND cấp huyện. 53 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp 49 đơn vị cấp huyện, 1.247 đơn vị cấp xã.
 
6 tháng đầu năm 2024, các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện tinh giản biên chế; kết quả, đã giảm 3.853 người; trong đó, địa phương là 3.746 người. Đồng thời tuyển dụng 30 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Ngoài ra còn thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ; thành lập Tổ công tác tổng kết thi hành Luật Tổ chức Chính phủ; lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
 
Về cải cách chế độ công vụ, cải cách chính sách tiền lương có kết quả khả quan, chính thức tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng thực hiện từ ngày 1/7/2024, bảo đảm công bằng, bình đẳng, hài hòa, ổn định. Kỷ cương, kỷ luật công vụ được siết chặt; xử lý nghiêm các sai phạm; 6 tháng đầu năm có 139 cán bộ, 432 công chức và 767 viên chức bị kỷ luật.
 
Về cải cách tài chính công, thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đạt 60% dự toán, tăng 15,7%; đã tích lũy khoảng 700 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước để sử dụng cho tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp từ ngày 1/7/2024; các giải pháp chính sách tài khóa, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp với quy mô dự kiến cả năm khoảng 200 nghìn tỷ đồng.
 
Về chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số: Khung pháp lý phát triển Chính phủ số được tích cực hoàn thiện (đã ban hành 10 Nghị định, 6 Quyết định và 5 Thông tư); cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu có bước phát triển; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh; triển khai Đề án 06 có kết quả tích cực.
 
Bên cạnh đó, một số Bộ, ngành và địa phương nỗ lực và đạt kết quả cao về CCHC, điển hình như: Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Trị, Hậu Giang, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, NHNN, Bộ GTVT, Bộ Tài chính… Ngoài ra, nhiều sáng kiến mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến và những nỗ lực tạo đột phá trong cải cách hành chính được thực hiện trong thời gian qua.
 
Phát huy kết quả đạt được, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính
 
Để phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh CCHC trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh quan điểm, tinh thần “5 đẩy mạnh”, gồm: (1) Đẩy mạnh rà soát các quy định, tháo gỡ khó khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho sự phát triển; (2) Đẩy mạnh đối thoại, chia sẻ, xử lý vướng mắc, bất cập cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là về TTHC để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, doanh nghiệp; (3) Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; (4) Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, số hóa dữ liệu, hồ sơ; (5) Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên tất cả các lĩnh vực, tất cả các giao dịch.
 
Theo đó, một số nhiệm chung đặt ra đối với các Bộ, ngành, địa phương và các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ cần tập trung thực hiện đó là:
 
Thứ nhất, khẩn trương rà soát, xác định rõ những điểm nghẽn đang cản trở hoạt động CCHC, đề xuất các giải pháp cụ thể để tháo gỡ; ưu tiên giải quyết ngay những vấn đề nóng, cấp bách, bức xúc trong nhân dân.
 
Thứ hai, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo và các nhiệm vụ CCHC đề ra theo kế hoạch của từng cơ quan, đơn vị. Đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết, nhất là đối với các luật đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
 
Thứ ba, đẩy mạnh rà soát, đề xuất phương án xử lý đối với các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn; rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh; tăng cường phân cấp, phân quyền.
 
Thứ tư, tập trung thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong tháng 9/2024, bảo đảm ổn định tổ chức để các địa phương tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp năm 2025. Tăng cường thanh tra, kiểm tra để nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ.
 
Thứ năm, tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải tiến quy trình, thủ tục để giải quyết những "nút thắt" về pháp lý và nguồn lực tạo điều kiện thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Tập trung phân bổ xong vốn đầu tư công năm 2024 trong tháng 7 và phấn đấu giải ngân cả năm đạt trên 95%; thực hiện điều chuyển vốn cho những nơi làm tốt, giải ngân hiệu quả.
 
Thứ sáu, đề xuất khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong CCHC 6 tháng, phê bình, rút kinh nghiệm kịp thời.
 
Thứ bảy, tổ chức triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thí điểm đối với một số tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh từ tháng 9/2024 đến cuối năm 2025.
 
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ cụ thể đối với các Bộ, ngành liên quan. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy khí thế đang có, tiếp tục "giữ lửa", triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh CCHC thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực, rõ ràng, cân đong đo đếm được, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và nền kinh tế, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các năm tiếp theo./.

Một số sáng kiến và nỗ lực bứt phá của các Bộ, ngành, địa phương trong CCHC đáng ghi nhận trong thời gian qua
 
Về phía Bộ, ngành, trong số các cơ quan Trung ương, Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là một trong 2 Bộ xếp hạng A về cung cấp Cổng Dịch vụ công trực tuyến trong khối các bộ, ngành. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước là một điển hình với việc triển khai xây dựng khối lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật với mục tiêu bảo đảm khung pháp lý đồng bộ, thống nhất khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2024; đồng thời xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản trị, điều hành, cơ cấu lại tổ chức tín dụng.
 
Về phía địa phương, Hậu Giang là một điển hình đáng chú ý với nhiều sáng kiến mới. Tỉnh đã triển khai giải pháp "Đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ". Để "tinh giản biên chế, tinh đổi cán bộ", tỉnh đặt mục tiêu tinh giản 5% công chức, 10% viên chức theo lộ trình 2020-2026 mà Trung ương giao; đồng thời tinh đổi 5% công chức, 5% viên chức để tuyển dụng cán bộ trẻ có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
 
Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai mô hình "Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói" tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng thí điểm tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả không phụ thuộc địa giới hành chính lĩnh vực giao thông vận tải và lĩnh vực y tế; đưa vào vận hành Mini app Zalo "App BRVT Smart" để thúc đẩy chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính.
 
Bình Phước triển khai "90 ngày, đêm" triển khai mục tiêu "4 phủ" cấp căn cước công dân, kích hoạt định danh điện tử, sử dụng sim chính chủ kèm chữ ký số, người dân sử dụng điện thoại thông minh 4G thay thế các điện thoại 2G. Kết quả, từ ngày 4/4/2024 đến ngày 14/6/2024, đã cấp căn cước công dân cho hơn 8.578/17.464 người cần cấp, đạt hơn 49%; đã kích hoạt định danh điện tử cho 85.486/334.507 cần kích hoạt, đạt hơn 25%; người dân sử dụng điện thoại thông minh 13.946/22.095 cần cấp, đạt hơn 63%; hỗ trợ công dân đăng ký sim chính chủ tích hợp chữ ký số được trên 200 nghìn trường hợp, 23,45% công dân trưởng thành của tỉnh đã có chữ ký số.
 
Đà Nẵng là địa phương duy nhất toàn quốc đến nay triển khai cấp kết quả thủ tục hành chính số gắn với mã QR, cho phép cung cấp "dịch vụ công trực tuyến nâng cao".

Thu Hiền