Việt Nam là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

|

Việt Nam là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

Ngày 26/11/2024, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên hợp quốc và Tổ chức Hợp tác Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo tham vấn báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia 2030 vì sự phát triển bền vững nhằm nhìn lại việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Theo báo cáo, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững khi thứ hạng về kết quả thực hiện SDGs liên tục tăng trong giai đoạn 2016-2024.
 
Theo báo cáo, trên phương diện so sánh quốc tế, Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Trên phạm vi toàn cầu, thứ hạng của Việt Nam về kết quả thực hiện SDGs liên tục tăng lên trong giai đoạn 2016-2024.

 
 
Năm 2024, Việt Nam xếp thứ 54/166 quốc gia về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững
 
Theo đó, Việt Nam từ xếp hạng 88/149 nước năm 2016 đã tăng lên 54/166 quốc gia được xếp hạng năm 2024. Về điểm số, năm 2024, chỉ số phát triển bền vững (SDI) của Việt Nam đạt 73,32 điểm, cao hơn mức trung bình toàn cầu. Điểm số và vị trí của Việt Nam có sự cải thiện so với xếp hạng được công bố năm 2023. Trong khu vực Đông và Nam Á, Việt Nam chỉ xếp sau Thái Lan.
 
Báo cáo tại hội thảo cũng cho biết, Việt Nam đạt được điểm số tốt nhất ở SDG1 (chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi), SDG4 (đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện), SDG11 (phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu), SDG12 (đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững) và SDG13 (ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai).
 
Ba mục tiêu có điểm số thấp nhất là SDG15 (bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học), SDG14 (bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển) và SDG9 (xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững).
 
Xét trong nhóm các quốc gia có mức thu nhập tương đương, Việt Nam có sự thể hiện tương đối ấn tượng. So sánh với các quốc gia trong cùng phân khúc, Việt Nam đứng thứ 3/88 quốc gia được xếp hạng trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp (sau Ukraina và Kyrgyzstan) và đứng thứ 12/88 quốc gia có thu nhập trung bình (cả thấp và cao)
 
Có thể thấy, bối cảnh thế giới sau đại dịch Covid-19 có rất nhiều khó khăn ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các SDGs trên phạm vi toàn cầu, khu vực và ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, tiến độ thực hiện các SDGs đều có xu hướng chậm lại đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn nữa của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam cần nỗ lực để duy trì đà tăng trưởng, thúc đẩy bình đẳng và đảm bảo tính bao trùm trong tiến trình thực hiện SDGs, trong bối cảnh hậu đại dịch và các thách thức từ biến đổi khí hậu, già hóa dân số, suy thoái môi trường. Cần thúc đẩy hợp tác đa phương để ứng phó với các thách thức toàn cầu, tăng cường cam kết và huy động nguồn lực từ các bên liên quan để hiện thực hóa tầm nhìn về sự phát triển bền vững đến năm 2030.

 
 
Báo cáo đã chỉ ra những thành tựu đạt được về tình hình tổ chức thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu SDG. Theo đó, các chính sách/hướng dẫn chung để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện SDGs đã được ban hành tương đối đồng bộ, đầy đủ. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ được giao tại KHHĐ quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Chiến lược, KHPT KTXH; các chiến lược, chính sách ngành/lĩnh vực đã tích hợp toàn diện SDGs và đã chú ý và lồng ghép tốt hơn các nhóm yếu thế như người nghèo, người DTTS, trẻ em, phụ nữ để bảo đảm tinh thần “Không ai bị bỏ lại phía sau” của Chương trình nghị sự 2030 và đồng thời hướng tới các mục tiêu/cam kết toàn cầu về BVMT, tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH và ứng phó với BĐKH.
 
Việc thực hiện SDGs đã huy động sự tham gia và đóng góp tích cực và trở thành công việc chung của tất cả các bên liên quan. SDGs đã trở thành đề tài, chủ điểm thảo luận của các diễn đàn, hội nghị trong nước, quốc tế; định hướng phương thức hợp tác, phối hợp giữa Việt Nam và các đối tác phát triển; là căn cứ để huy động nguồn lực cho PTBV trong giai đoạn vừa qua. “Không ai bị bỏ lại phía sau” đã trở thành một cụm từ được sử dụng phổ biến trên các báo, đài, chương trình truyền thông, các hội nghị, hội thảo, sự kiện và trở nên quen thuộc với cộng đồng người dân.
 
Vấn đề truyền thông, giáo dục về PTBV cũng đã từng bước được đẩy mạnh với nhiều hình thức truyền thông đa dạng, phong phú, và gắn giữa truyền thông, giáo dục với việc xây dựng và phổ biến các mô hình thực tiễn tốt để thúc đẩy việc nâng cao nhận thức và hành động của cả cộng đồng về PTBV.
 
Chính phủ và các địa phương đã tích cực ban hành nhiều chính sách để thu hút các nguồn lực và sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội, đối tác phát triển, khối doanh nghiệp để phối hợp với nguồn lực NSNN để thực hiện SDGs. Các Bộ, ngành và địa phương đã chủ động lồng ghép việc thực hiện SDGs vào các chương trình, dự án hiện có.
 
Hợp tác quốc tế trong thực hiện SDGs là điểm sáng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Việt Nam đã tích cực mở rộng quan hệ quốc tế, thể hiện là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc. Hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, các thỏa thuận nâng cấp quan hệ ngoại giao với các đối tác chiến lược đã được ký kết.
 
Giám sát và đánh giá thực hiện các mục tiêu SDG đã trở thành một công việc thường xuyên, liên tục, giúp chia sẻ thành tựu, kết quả đạt được và những khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện SDGs với cộng đồng quốc tế thông qua VNR được trình bày tại LHQ vào năm 2018 và 2023.
 
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng nêu lên một số thách thức với Việt Nam trong việc thực hiện các SDG đến năm 2030.
 
Thứ nhất, thiếu hụt nguồn lực tài chính. Nguồn ODA giảm rõ rệt, đặc biệt là sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010, nguồn FDI vẫn tiếp tục tăng song chất lượng cũng như mức độ lan tỏa của khu vực FDI tới phát triển bền vững đất nước chưa thực sự rõ rệt, nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước chưa thể hiện được vai trò là động lực của tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đất nước như kỳ vọng.
 
Bên cạnh đó, phân bổ ngân sách chưa hợp lý và thiếu các chính sách hỗ trợ đặc thù cho các vùng khó khăn là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ tụt hậu của các địa bàn này trong quá trình thực hiện chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững (SDG NAP).
 
Thứ hai, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong khu vực công còn yếu, chưa thu hút được sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cộng đồng người dân trong việc huy động nguồn lực và trực tiếp thực hiện các SDGs. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các cơ quan, đơn vị là một hạn chế thấy rõ. Nhiều sáng kiến trong thực hiện chương trình đã được triển khai, nhưng vẫn còn mang tính đơn lẻ ở một số bộ, ngành và tỉnh, thành phố.
 
Cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu dùng xanh hơn, sạch hơn, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát thải thấp, mô hình kinh doanh bao trùm, tạo tác động... chưa đủ mạnh để biến những nguồn lực trong khu vực tư nhân trở thành một nguồn tài chính cơ bản để thực hiện SDG NAP.
 
Thứ ba, hệ thống báo cáo, giám sát và đánh giá thực hiện SDG chưa hoàn thiện và đồng bộ. Việc thu thập và xử lý dữ liệu về các SDGs còn chưa đồng bộ và toàn diện. Bên cạnh đó, công tác số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập thông tin, tổng hợp số liệu các chỉ tiêu SDG còn chậm./.

 
Thu Hường