Chuyển đổi số (Digital Transformation) là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội. Trên quy mô quốc gia, chuyển đổi có tác động lớn tới tăng trưởng GDP, năng suất lao động và cơ cấu việc làm của mỗi nước. Theo nghiên cứu năm 2017 của hai tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực truyền thông và công nghệ thông tin là Microsoft và IDG, các sản phẩm và dịch vụ số đã đóng góp 6% GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dự đoán tỷ lệ này sẽ tăng lên 25% vào năm 2019 và 60% vào năm 2021. Trong khi đó, một công ty tư vấn quản lý quốc tế hàng đầu thế giới là McKinsey&Company dự báo, đến năm 2025 tỷ lệ đóng góp của chuyển đổi số trong GDP tại Mỹ là 25,3%; Brazil là 35%; EU là 36,2% và Úc là 44,1%.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Kết quả nghiên cứu năm 2017 của Microsoft và IDG cũng cho thấy, chuyển đổi số đã giúp năng suất lao động của khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng lên 15% và dự kiến năm 2020 là 21%. Trong vòng 3 năm tới, chuyển đổi số còn khiến cho 85% công việc tại khu vực này thay đổi, chuyển hóa. Trong đó, có 32% công việc đòi hỏi người lao động phải được đào tạo nâng cao kỹ năng; 26% công việc mới được tạo ra và có tới 27% công việc sẽ biến mất.
Nhận thấy rõ sức ảnh hưởng đó, nhiều nước trên thế giới đã xây dựng và triển khai chiến lược/chương trình quốc gia về chuyển đổi số, như: Anh, Úc, Đan Mạch, Estonia, Israel, Mexico, Singapore, Thái Lan, Uruguay… Nội dung chuyển đổi số của mỗi nước có sự khác nhau, phụ thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia, song đều hướng tới bốn nội dung chính:
(1) Chuyển đổi số nền kinh tế (kinh tế số), bao gồm: Phát triển các doanh nghiệp số, tài chính số, thương mại điện tử; Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp truyền thống (hướng tới sản phẩm tích hợp số, chuyển đổi mô hình kinh doanh trên nền tảng số, thay đổi quy trình sản xuất dựa trên dữ liệu số, tự động hóa, ảo hóa…).
(2) Chuyển đổi số xã hội (xã hội số): Ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng dịch vụ, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như giáo dục, y tế, văn hóa, an toàn an ninh xã hội… nhằm làm giảm các khoảng cách trong các vấn đề xã hội.
(3) Chuyển đổi số trong một số ngành trọng điểm để phát triển kinh tế - xã hội, như: Nông nghiệp, du lịch, giao thông…
(4) Chuyển đổi số trong cơ quan Chính phủ (Chính phủ số), hướng tới cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho người dân, tăng cường sự tham gia người dân trong các hoạt động cơ quan nhà nước; tăng cường hiệu quả hoạt động và đổi mới trong các cơ quan nhà nước và phát triển dữ liệu mở của cơ quan nhà nước để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Việt Nam, hành trình chuyển đổi số quốc gia được khởi động đầu tiên vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước với sự xuất hiện nền kinh tế số. Song phải đến cuối những năm 90 thế kỷ này (khoảng thời gian Internet bắt đầu có mặt tại Việt Nam), nền kinh tế số mới thực sự định hình rõ nét. Ngày nay, nhờ sự lan tỏa của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn cầu, nền kinh tế số nước ta có bước phát triển mạnh mẽ hơn, cả về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh; và được xác định là một trong những trụ cột quan trọng, có vai trò tất yếu đối với tăng trưởng kinh tế, tạo ra bước đột phá cho Việt Nam.
Một trong những cấu phần trọng yếu nhất của nền kinh tế số là thương mại điện tử đã có sự tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và quy mô thị trường trong những năm gần đây. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), năm 2018, hoạt động thương mại điện tử của nước ta có mức tăng trưởng lên tới 30%, với tổng doanh thu bán lẻ đạt 8 tỷ USD. Các chuyên gia kinh tế nhận định, lĩnh vực này sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới và đạt doanh thu từ 13-15 tỷ USD vào năm 2020.
Lĩnh vực hoạt động sôi nổi trong nền kinh tế số nước ta phải kể đến là ngành công nghiệp nội dung số, với sự góp mặt của gần 4.000 doanh nghiệp (tính đến cuối năm 2018). Sản phẩm nội dung số khá đa dạng, gồm: Các dịch vụ đào tạo trực tuyến, giáo trình điện tử, các sản phẩm giải trí trên mạng viễn thông di động và cố định… Với sự năng động và nhạy bén, không ít doanh nghiệp nội dung số trong nước không chỉ chiếm lĩnh thị phần lớn trên thị trường nội địa mà còn đầu tư, cung cấp dịch vụ ra thị trường nước ngoài.
Sự phát triển của nền kinh tế số đã giúp cho làn sóng khởi nghiệp lan tỏa trong cả nước. Trong 2 năm 2017-2018, Việt Nam có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp và 40 quỹ tổ chức đầu tư mạo hiểm, mạng lưới đầu tư thiên thần được hình thành ở nhiều lĩnh vực. Điển hình là lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), hiện có khoảng gần 100 công ty hoạt động, nổi lên trong đó là ví điện tử Momo, hệ thống F88… Cùng với đó là sự góp mặt của các hãng FastGo, Be, VATO, Go-Viet trong lĩnh vực vận tải. Trong khi đó, lĩnh vực du lịch lại chứng kiện sự tham gia của một loạt các start-up Việt như Mytour, Luxstay… cạnh tranh cùng với các “ông lớn” của thế giới là Booking, Agoda hay AirB&B...
Một trong những chìa khóa giúp nền kinh tế số nước ta phát triển trong thời gian qua là hành lang pháp lý cho lĩnh vực này từng bước được xây dựng và hoàn thiện với nhiều chính sách quan trọng. Nhờ đó, sự hỗ trợ về pháp lý trong phát triển kinh tế số của Việt Nam nằm trong số 78% các quốc gia trên thế giới có giao dịch điện tử. Đồng thời, Việt Nam nằm trong số 38% quốc gia có chính sách bảo vệ người tiêu dùng; 45% quốc gia có chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân và trong số 75% quốc gia có Luật An ninh mạng.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế số, từ năm 2015, Việt Nam đã và đang tích cực xây dựng Chính phủ điện tử, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, cũng như hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Thực hiện chủ trương đó, hành lang pháp lý trong ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử đã dần được thiết lập. Các cơ quan Nhà nước đã cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp và người dân như: Đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội… Trong đó, nhiều dịch vụ công đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3,4. Tại một số địa phương, hệ thống thông tin một cửa điện tử được đưa vào vận hành, dần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ công chức.
Cùng với sự phát triển của kinh tế số và những nỗ lực trong thực hiện Chính phủ điện tử, Việt Nam cũng tăng cường ứng dụng công nghệ số trong xã hội để nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục, y tế… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm khoảng cách xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục và y tế. Trong lĩnh vực giáo dục, nhiều ứng dụng ICT được triển khai trong công tác đào tạo (các bài giảng điện tử, học trực tuyến…) và trong công tác quản lý (hệ thống thông tin quản lý tuyển sinh, quản lý kết quả học tập học sinh…). Trong lĩnh vực y tế, hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng, hệ thống quản lý thông tin bệnh truyền nhiễm đã được triển khai trên toàn quốc. Đa số các bệnh viện trong cả nước triển khai ứng dụng phần mềm quản lý xét nghiệm, lưu trữ và truyền tải ảnh số y tế… Đáng chú ý, một số bệnh viện đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo, robot trong chẩn đoán, điều trị, phẫu thuật.
Theo đánh giá về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2018, Việt Nam đã có cải thiện về thứ hạng trong Bảng xếp hạng, đứng thứ 88/193 quốc gia (với số điểm trung bình đạt 0,59), tăng 01 bậc so với năm 2016, và đứng thứ 06/11 quốc gia trong khu vực ASEAN. Trong đó, chỉ số Dịch vụ công trực tuyến (OSI) tăng đáng kể so với năm 2016 (đứng thứ 59/193 quốc gia); chỉ số Hạ tầng viễn thông (TII) liên tục giảm trong 4 kỳ báo cáo gần nhất (2012 - 2018), xếp hạng 100/193 quốc gia.
Đặc biệt, trong tháng 3/2019, Việt Nam đã khai trương trục liên thông văn bản quốc gia, tạo tiền đề cho nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử. Cả nước có 95/95 (100%) cơ quan trung ương và địa phương, 31 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên trục liên thông văn bản quốc gia. Các phần mềm quản lý văn bản của bộ, ngành, địa phương đã được kết nối, liên thông cả theo chiều dọc và chiều ngang một cách thông suốt và có tính hệ thống; văn bản điện tử được gửi, nhận nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan nhà nước. Việc khai trương trục liên thông văn bản quốc gia là minh chứng thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Nhân tố quan trọng thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số nước ta trong những năm qua, chính là sự lớn mạnh không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin, truyền thông (ICT) Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của toàn ngành là khoảng 20 - 30%. Tính riêng năm 2018, tổng doanh thu ngành công nghiệp ICT ước đạt 98,9 tỉ USD, xuất khẩu ước đạt 94 tỷ USD. Những doanh nghiệp ICT lớn được kể tên là Tập đoàn Viettel, VNPT, FPT, CMC… Năm 2019, các tập đoàn này đang trong tâm thế sẵn sang cho cuộc chuyển đổi số quốc gia mạnh mẽ trong từng lĩnh vực của nền kinh tế.
Cũng như nhiều nước trên thế giới, chuyển đổi số được nhận định tác động đáng kể đến GDP, năng suất lao động và cơ cấu việc làm nước ta. Theo Tổ chức Data 61 (Australia), nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công, GDP có thể tăng thêm khoảng 162 tỉ USD trong 20 năm.
Kết quả nghiên cứu chuyển đổi số đã tác động làm tăng năng suất lao động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cũng là cơ sở để kỳ vọng Việt Nam giải quyết vấn đề đang được quan tâm là tăng năng suất lao động, thoát bẫy thu nhập trung bình. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD/lao động), tăng 5,93% so với năm 2017, cao hơn nhiều mức tăng 5,29% của năm 2016. Tuy được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN, song mức năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với các nước. Đáng chú ý là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước đang có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Chuyển đổi số đồng thời được cho là sẽ tác động đến cơ cấu việc làm nước ta. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, khoảng 70% việc làm ở Việt Nam có nguy cơ cao bị thay thế bởi tự động hóa trong hai thập kỷ tới, đặc biệt là trong các lĩnh vực may mặc, nông nghiệp và bán lẻ…
Dù Việt Nam đã có những bước khởi đầu thuận lợi trong hành trình chuyển đổi số quốc gia, song theo đánh giá của các chuyên gia, công cuộc này mới chỉ diễn ra ở từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp, mà chưa diễn ra ở góc nhìn tổng thể của một quốc gia. Để chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, có sự phối hợp, kết nối, chia sẻ rộng khắp và hiệu quả, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang trong quá trình hoàn thiện Đề án Chuyển đổi số quốc gia, với mục tiêu chung là đến năm 2025, Việt Nam thuộc Top 4 ASEAN về xếp hạng số hóa quốc gia và hướng tới xây dựng một Việt Nam số (Digital Vietnam) vào năm 2030.
Theo dự thảo Đề án, công cuộc chuyển đổi số quốc gia gồm ba giai đoạn:
Giai đoạn 1 (2019-2020): Số hóa các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm tăng hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, tạo ra các nguồn tăng trưởng mới, trong đó tập trung xây dựng hạ tầng nền tảng; tạo điều kiện môi trường pháp lý; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đặc biệt là SMEs; phát triển start-up số; phát triển nguồn nhân lực số.
Giai đoạn 2 (2021-2025), số hóa thành lợi thế cạnh tranh trong nước và toàn cầu, bằng cách triển khai các hệ sinh thái số tích hợp mới, hội tụ quanh các nhu cầu khách hàng, trong đó tập trung thúc đẩy chuyển đổi mô hình doanh nghiệp, dịch chuyển các doanh nghiệp lên các nền tảng số/các hệ sinh thái, hình thành các chuỗi giá trị hội tụ…; chuyển đối số rộng rãi trong các ngành/lĩnh vực kinh tế - xã hội).
Giai đoạn 3 (2026-2030), kinh tế - xã hội số toàn diện. Mọi lĩnh vực được số hóa, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế (Tập trung hỗ trợ phát triển các ngành công nghệ số mới như AI, Immersive Media, IoT, Cybersecurity; chuyển đổi số toàn diện, sâu sắc trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội).
Nội dung chuyển đổi số của Việt Nam dự kiến tập trung vào các nội dung chính là: Chuyển đổi số nền kinh tế; Chuyển đổi số xã hội; Chuyển đổi số cơ quan nhà nước để hướng tới phát triển Chính phủ số; Chuyển đổi số một số ngành trọng điểm như: Tài chính, nông nghiệp, văn hóa, thể thao và du lịch, phát triển đô thị thông minh.
Để công cuộc chuyển đổi số thành công, Đề án tập trung phát triển lực lượng lao động số bằng việc cập nhật các chương trình giảng dạy, hướng tới phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, tập trung nâng cao các kỹ năng như lập trình, khởi nghiệp và triển khai các phát kiến, quản lý và chiến lược, các kỹ năng giao tiếp. Đưa nội dung phổ cập số là nội dung quan trọng trong chương trình giáo dục đào tạo các cấp. Bên cạnh đào tạo chuyên môn sâu, các cơ sở đào tạo sẽ phối hợp với khu vực doanh nghiệp để xây dựng các chương trình giáo dục phù hợp nhu cầu thực tiễn.
Cùng với đó, hạ tầng số cũng được chú trọng phát triển với các giải pháp: Phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn quốc song song với nâng cấp băng thông quốc tế. Phát triển tài nguyên dữ liệu quốc gia thông qua việc tập trung phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng Chính phủ điện tử; hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định. Triển khai các công nghệ số mới để khai thác hiệu quả dữ liệu; cũng như xây dựng khung pháp lý, chính sách, quy định về quản trị dữ liệu quốc gia.
Ngoài ra, diễn dàn về chuyển đổi số quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức hàng năm để tạo cơ hội đối thoại giữa Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia với các chuyên gia, các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp nhằm chia sẻ tầm nhìn chiến lược, xu hướng, kinh nghiệm thực tế, các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong tình hình mới, từ đó xem xét điều chỉnh và thực hiện các quyết định chiến lược cho chuyển đổi số quốc gia. Mặt khác, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng dành sự quan tâm cho phát triển Trung tâm quốc gia về nghiên cứu công nghệ số (trí tuệ nhân tạo) nhằm nghiên cứu và đề xuất các cơ chế, chính sách để phát triển trí tuệ nhân tạo cho Việt Nam.
Có thể nói, chuyển đổi số là cuộc cách mạng lớn, đòi hỏi Việt Nam phải tận dụng tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế xã hội và tăng hợp tác quốc tế. Thành công trong chuyển đổi số sẽ là động lực quan trọng giúp Việt Nam vững vàng tiến bước cùng sứ mệnh xây dựng một quốc gia hùng cường, thịnh vượng./.
Bích Ngọc