Để giữ chân các “đại bàng” FDI trước chính sách áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

|

Để giữ chân các “đại bàng” FDI trước chính sách áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Từ ngày 01/01/2024, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng sẽ có hiệu lực. Theo quy tắc, các tập đoàn, công ty đa quốc gia trên thế giới có doanh thu từ 750 triệu Euro (hay 800 triệu USD) trở lên đều phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào.

Điều này có nghĩa, nếu như doanh nghiệp đầu tư ở quốc gia có thuế thu nhập nộp thấp hơn 15% thì phải nộp phần thiếu hụt cho đủ tại quốc gia nơi đặt trụ sở chính. Quy định này nhằm ngăn chặn cuộc đua giảm thuế suất ưu đãi giữa các quốc gia trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời xóa bỏ các kẽ hở trong quản lý, không để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trốn thuế, chuyển giá. Cuộc chơi của OECD không bắt buộc các quốc gia thành viên phải áp dụng, nhưng nếu nước nào nhập cuộc sẽ phải thực hiện nhất quán theo hướng dẫn.


Đến nay, nhiều quốc gia đã xác nhận sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% bắt đầu từ năm 2024, trong đó có những nước có dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn đổ vào Việt Nam như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản…

Trong những năm qua, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Lũy kế trong giai đoạn 2017-2022, Việt Nam thu hút được gần 200 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt khoảng 119 tỷ USD. Năm 2022, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD, mức vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm (2017-2022). Tính từ đầu năm đến ngày 20/8/2023 tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022, có 18/21 ngành kinh tế quốc dân được nhận vốn đầu tư. Trong 8 tháng năm 2023, đã có 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3,83 tỷ USD, chiếm hơn 21,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đứng thứ 2 với gần 2,69 tỷ USD, chiếm 14,8%. Đứng vị trí thứ 3 là Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,58 tỷ USD, chiếm hơn 14,2%. Tiếp theo là Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan...

Theo rà soát của Tổng cục Thuế, hiện cả nước có khoảng 120 tập đoàn với khoảng trên 1.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu ngay từ năm 2024.
 

Ở góc nhìn lạc quan, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giúp Việt Nam tăng nguồn thu ngân sách nhà nước

Ở góc nhìn lạc quan, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giúp Việt Nam tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần chênh lệch giữa mức thuế thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%). Mỗi năm phần chênh lệch ước tính 150 tỉ USD, một số tiền không nhỏ. Các thủ tục hành chính đang là một trong những yếu tố gây trở ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài khi rót vốn vào Việt Nam. Tham gia cuộc chơi thuế tối thiểu toàn cầu sẽ thúc đẩy Việt Nam cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, thông qua việc sửa đổi chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

Ở góc nhìn ngược lại, các chuyên gia cho rằng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu của OECD đang tạo một cuộc chơi mới mà đối tượng hưởng lợi là các nước phát triển và đối tượng chịu ảnh hưởng là các nước đang phát triển, nhận nguồn vốn FDI nhiều như Việt Nam.

Thời gian qua, ưu đãi thuế, phí vẫn luôn là một trong những công cụ quan trọng để thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam. Hiện mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ biến tại Việt Nam là 20%, tuy nhiên, thông qua các chính sách ưu đãi, doanh nghiệp FDI được hưởng mức thuế thực tế trung bình vào khoảng 12,3%, chênh lệch 2,7% so với thuế tối thiểu toàn cầu. Có những doanh nghiệp FDI còn được miễn thuế lợi tức tối đa 4 năm kể từ khi bắt đầu kinh doanh, giảm 50% số thuế lợi tức phải nộp tối đa trong 4 năm tiếp theo, tùy theo ngành nghề đầu tư hoặc địa bàn hoạt động.

Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ khiến phần ưu đãi thuế của doanh nghiệp FDI được hưởng sẽ không còn hoặc giảm đáng kể, dẫn tới các chính sách ưu đãi thuế hiện tại của Việt Nam mất đi hiệu quả thực tế. Điều này làm giảm sức hút của Việt Nam đối với các “ông lớn” là các tập đoàn công ty đa quốc gia (MNE) vốn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế nước ta. Nguy cơ các MNE tìm đến các quốc gia khác mà họ kỳ vọng có chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn có thể xảy ra. Không chỉ vậy, tình huống xấu này còn có thể sẽ kéo theo sự dịch chuyển của các doanh nghiệp vệ tinh của các tập đoàn MNE. Từ đó sẽ ảnh hưởng lớn tới môi trường đầu tư và vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Những năm qua, ngoài sự đóng góp về vốn đầu tư, các doanh nghiệp FDI đã góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ, từng bước nâng cao trình độ công nghệ sản xuất và đào tạo nhân lực trong nước; xây dựng các hệ sinh thái ngành, đặc biệt trong lĩnh vực quan trọng là công nghiệp hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để góp phần phát triển công nghiệp trong nước. Như vậy, việc chuyển dịch đầu tư từ các doanh nghiệp FDI lớn khi diễn ra sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu phát triển của ngành công nghiệp quốc gia.

Các chuyên gia còn lo ngại rằng, dòng dịch chuyển vốn của các tập đoàn MNE cũng sẽ tác động đến tăng trưởng xuất khẩu, dự trữ ngoại hối, giải quyết việc làm và ảnh hưởng nhất định đến các chỉ số xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Rõ ràng thuế tối thiểu toàn cầu đang đặt ra một bài toán khó mà Việt Nam cần sớm giải quyết, tìm các giải pháp ứng phó kịp thời, nhất là trong bối cảnh cuộc đua thu hút vốn FDI đang diễn ra rất khốc liệt. Nếu không, Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài và việc mở rộng đầu tư của các dự án.

Để chuẩn bị sẵn sàng gia nhập sân chơi mới này, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu triển khai hàng loạt giải pháp về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, như ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và chuẩn bị bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới nhằm tăng tính cạnh tranh, hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn tới… Chính phủ cũng sẽ đề xuất Quốc hội thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư các công trình giao thông đường bộ.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã và đang có những nỗ lực xây dựng các chính sách thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) và quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) để giữ chân các “đại bàng” FDI đang hoạt động tại Việt Nam như Samsung, Intel, Foxconn, LG, Bosch, Sharp, Panasonic..., đồng thời mở rộng đầu tư trong tương lai trên cơ sở cân nhắc thận trọng nhiều yếu tố.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đề xuất các biện pháp thu hút đầu tư FDI, nhưng không trái với quy định và cam kết quốc tế trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa các bên, bằng những chính sách hỗ trợ khác ngoài thuế như tiếp cận vốn, đất đai, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông...

Các chuyên gia cho biết, Việt Nam cũng tính đến phương án đàm phán song phương với các quốc gia có nhiều đầu tư nước ngoài tại nước ta, không chỉ để giữ chân những "đại bàng", mà trong trường hợp cần thiết, sẽ có những thương lượng đàm phán để kéo dài lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu nhằm giúp Chính phủ và các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. Trong dài hạn, dự kiến Việt Nam cũng sẽ sửa hàng loạt luật như Luật Đầu tư, Luật Thuế, kèm theo đó là hàng loạt văn bản hướng dẫn về việc điều chỉnh những chính sách ưu đãi cho phù hợp/.

Một số nước nhận vốn đầu tư nước ngoài đang nghiên cứu một số giải pháp hỗ trợ về tài chính, trong đó có việc áp dụng thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn, để giữ chân doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu và thu hút các nhà đầu tư mới.

Trong khối ASEAN, Indonesia sẽ áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu IIR (Income Inclusion Rule) bắt đầu từ năm 2024. Quy định này cho phép quốc gia có công ty mẹ tối cao đặt trụ sở chính được đánh thuế công ty mẹ tối cao đối với thu nhập của công ty con ở các quốc gia khác đang chịu thuế thực tế ở dưới mức thuế tối thiểu 15%. Từ năm 2025, Indonesia sẽ đồng thời áp dụng quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu (Undertaxed Payment Rule - UTPR). Quy định UTPR bổ trợ cho quy định IIR nêu trên, áp dụng trong trường hợp công ty thành viên đang chịu thuế thực tế thấp hơn mức tối thiểu, nhưng chưa bị đánh thuế bổ sung theo quy định IIR tại một nước nào khác thì các quốc gia có công ty thành viên thuộc tập đoàn sẽ có quyền thu thuế bổ sung đối với công ty thành viên ở quốc gia đó.

Đến năm 2025, Thái Lan mới áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng nước này cũng đã phê duyệt đề xuất thu thuế bổ sung tối tiểu nội địa đạt chuẩn và sẽ thực hiện phân bổ 50 - 70% nguồn thu thuế bổ sung vào Quỹ Hỗ trợ công nghiệp trọng điểm thuộc Đạo luật tăng cường cạnh tranh để hỗ trợ doanh nghiệp FDI bị tác động do thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu.

Tại Diễn đàn quản lý thuế Châu Phi, các nước Châu Phi cũng đang đề xuất ban hành quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn, theo đó, phát triển phương pháp tiếp cận đề xuất để soạn thảo luật thuế bổ sung tối thiểu trong nước.

TS. Hoàng Thị Thu Thủy - ThS. Nguyễn Giang Lam
Học viện Chính trị khu vực III