Theo Bộ Công Thương, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019 - 2023.
Đối với thị trường, doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam, giai đoạn từ năm 2000 trở về trước, thương hiệu gần như chỉ được coi là một khái niệm, chưa có nhiều sự ảnh hưởng đến các đối tượng, cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Hiểu được tầm ảnh hưởng quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu đối với doanh nghiệp, cũng như quốc gia Việt Nam, Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện.
Đối với thị trường, doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam, giai đoạn từ năm 2000 trở về trước, thương hiệu gần như chỉ được coi là một khái niệm, chưa có nhiều sự ảnh hưởng đến các đối tượng, cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Hiểu được tầm ảnh hưởng quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu đối với doanh nghiệp, cũng như quốc gia Việt Nam, Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện.
Sau 20 năm thực hiện, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có được những kết quả đáng khích lệ, nâng số doanh nghiệp đạt, được công nhận Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ 30 doanh nghiệp vào năm 2008 lên 172 doanh nghiệp vào năm 2022.
Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển các thương hiệu mạnh trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Riêng trong năm 2023, Báo cáo về việc thực hiện Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2023 của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2019 giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được định giá là 247 tỷ USD, nhưng đến năm 2023 đã đạt 498,13 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng liên tục về giá trị thương hiệu.
Bên cạnh sự phát triển của thương hiệu quốc gia Việt Nam, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng gia tăng mạnh mẽ. Theo báo cáo của Brand Finance năm 2023, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các ngành viễn thông, ngân hàng, thực phẩm.
Cụ thể, các thương hiệu viễn thông đóng góp nhiều nhất vào bảng xếp hạng Top 100 thương hiệu mạnh và giá trị nhất Việt Nam, chiếm khoảng 31% tổng giá trị của tất cả các thương hiệu trong bảng xếp hạng. Tổng giá trị thương hiệu của lĩnh vực này là 13,2 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2022. Trong số 5 thương hiệu viễn thông giá trị nhất Việt Nam, có 3 thương hiệu quốc gia là Viettel với 8,9 tỷ USD, VinaPhone là 800 triệu USD, MobiFone là 800 triệu USD, chiếm 79% tổng giá trị trong Top 5 thương hiệu viễn thông.
Thương hiệu ngân hàng chiếm 30% tổng giá trị tất cả các thương hiệu trong bảng xếp hạng Top 100, với tổng giá trị thương hiệu là 12,5 tỷ USD. So với năm 2022, giá trị thương hiệu ngành ngân hàng tăng 47%. Trong số 5 thương hiệu ngân hàng có giá trị nhất Việt Nam (đạt 7,4 tỷ USD), có 4 thương hiệu quốc gia là Vietcombank với 1,9 tỷ USD; Agribank là 1,4 tỷ USD; BIDV là 1,4 tỷ USD; Vietinbank là 1,3 tỷ USD, chiếm 81% tổng giá trị của Top 5 thương hiệu ngân hàng.
Xếp vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng Top 100 là các thương hiệu ngành thực phẩm và đồ uống, chiếm khoảng 14% tổng giá trị của tất cả các thương hiệu trong bảng xếp hạng. Theo đó, tổng giá trị thương hiệu của ngành này là 6 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2022. Trong số 5 thương hiệu thực phẩm và đồ uống có giá trị nhất Việt Nam đạt 4,9 tỷ USD, có 2 thương hiệu quốc gia là Vinamilk với 3 tỷ USD và Habeco là 200 triệu USD, chiếm 65% tổng giá trị của Top 5 thương hiệu thực phẩm và đồ uống./.
PV