Hòa Bình: Hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng thực hiện thành công thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024

|

Hòa Bình: Hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng thực hiện thành công thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024

Công tác chuẩn bị cho Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến nay đã hoàn tất các khâu, cả tỉnh sẵn sàng thu thập thông tin bắt đầu từ ngày 01/7/2024.

Hòa Bình là tỉnh miền núi vùng Tây Bắc, tiếp giáp đồng bằng sông Hồng, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 73 km, là cửa ngõ của các tỉnh vùng Tây Bắc vào Thủ đô Hà Nội. Hòa Bình có d
ân số trung bình năm 2023 là 880,47 nghìn người , với 10 đơn vị hành chính, gồm 01 thành phố trực thuộc tỉnh và 9 huyện, trong đó có 02 huyện vùng núi cao Đà Bắc và Mai Châu, với tổng số 151 đơn vị hành chính cấp xã (bao gồm 12 phường, 10 thị trấn và 129 xã); đặc biệt, Hòa Bình có tới 145 đơn vị cấp xã thuộc diện xã thuộc vùng dân tộc thiểu số theo Quyết định số  861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Là tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm cao, trên 73% dân số của tỉnh, trong đó có 06 dân tộc chính có số cư dân lớn nhất, bao gồm: Dân tộc Mường chiếm 64,28%; dân tộc Kinh chiếm 25,69%; dân tộc Thái 4,03%; dân tộc Dao 2,02%; dân tộc Tày 3,01%; dân tộc Mông 0,83%. Hạ tầng kinh tế-xã hội, thu nhập và đời sống của số đông đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, cùng với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ các nguồn lực từ chương trình mục tiêu Trung ương, Tỉnh và các địa phương đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên, bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ du lịch giải quyết tăng việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc.

Cụ thể, triển khai, chỉ đạo thực hiện kịp thời, đầy đủ các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc; phối hợp, lồng ghép việc thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh với việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả; Cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn Chương trình đã được giao, thực hiện phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện, bố trí vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tập trung nguồn lực cho địa bàn các xã, thôn, xóm đặc biệt khó khăn, các xã có khả năng thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.... nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao. Mặc dù còn không ít khó khăn, song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay đã có 80/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chiếm 62,0% đơn vị cấp xã; 02 huyện/10 huyện, TP đạt chuẩn nông thôn mới; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống đồng bào được cải thiện rõ nét.

Với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội của địa phương như trên, số liệu thống kê về thực trạng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội về điện-đường-trường-trạm, điều kiện sống, việc làm, thu nhập, đời sống cư dân… vùng dân tộc thiểu số và đồng bào dân tộc thiểu số là hết sức cần thiết, góp phần phục vụ đắc lực cho đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025, cũng như xây dựng, hoạch định chính sách phát triển giai đoạn 2026-2030 và các giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, việc tổ chức, triển khai thực hiện cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế -xã hội của Tỉnh trong thời gian tới. Trong đó, thực hiện tốt các khâu cho giai đoạn thu thập thông tin có vai trò quyết định đảm bảo tiến độ, chất lượng cuộc điều tra. Đến nay, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, cả Tỉnh đã sẵn sàng thực hiện thu thập thông tin.

Kết quả triển khai thực hiện công tác chuẩn bị như sau:

Ban hành các văn bản thực hiện điều tra trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện cuộc điều tra trên địa bàn tỉnh, giao nhiêm vụ Ban Dân tộc tỉnh và các Sở, ngành liên quan và các địa phương phối hợp chặt chẽ với Cục Thống kê trong chỉ đạo thực hiện cuộc điều tra.

Cục Thống kê ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện cuộc điều tra, gồm: Kế hoạch số 299/KH-CTK về việc tổ chức, thực hiện phương án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 tỉnh Hòa Bình; Công văn số 311/CTK-TTTT về việc rà soát danh sách xã và danh sách địa bàn được chọn mẫu Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024; Kế hoạch số 325/KH-CTK ngày 17/5/2024 về kế hoạch kiểm tra, giám sát cuộc Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 tỉnh Hòa Bình; Kế hoạch số 434-KH-CTK ngày 12/6/2024 của Cục Thống kê Hòa Bình về tuyên truyền Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 tỉnh Hòa Bình...

Cập nhật địa bàn, xã/phường; điều tra lập bảng kê hộ điều tra

Thực hiện Công văn số 93/TTDL-TTQL, ngày 13/5/2024 của Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thống kê về việc thực hiện rà soát, cập nhật địa bàn điều tra, cập nhật danh sách xã điều tra cụ thể như sau: Trên cơ sở danh sách địa bàn trên trang điều hành tác nghiệp, Cục Thống kê chỉ đạo các Chi cục Thống kê trên cơ sở danh sách nền mà Cục TTDL gửi, phối hợp chặt chẽ với các địa phương rà soát, cập nhật địa bàn điều tra và các xã/phường điều tra. Kết quả rà soát, toàn Tỉnh có 603 địa bàn điều tra và 150 xã/phường điều tra. Việc cập nhật danh sách các đơn vị điều tra trên trang điều hành của Tổng cục Thống kê đảm bảo đúng thời gian quy định.

Công tác điều tra phiếu bảng kê hộ được tiến hành theo kế hoạch của Cục TTDL từ 01/6/2024 đến ngày 24/6/2024 với 603 địa bàn mẫu được chọn điều tra. Đến ngày 20/6/2024, tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành công tác điều tra phiếu bảng kê hộ, tổng số 603 địa bàn mẫu với 79.985 hộ, trong đó có 72.869 hộ dân tộc (theo tiêu chí xác định hộ dân tộc thiểu số trong Phương án điều tra, chiếm 91,1% số hộ bảng kê), tổng số khẩu dân tộc thiểu số là 284.160 khẩu. Thực hiện cập nhật 150/151 xã/phường/thị trấn điều tra.

Tuyển chọn Tổ trưởng, điều tra viên điều tra

Toàn tỉnh tuyển chọn 254 điều tra viên (ĐTV) điều tra phiếu bảng kê hộ; 554 ĐTV Tổ trưởng, điều tra viên phiếu xã và điều tra viên phiếu hộ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu qui định của Phương án điều tra. Đã chỉ đạo các địa phương ưu tiên tuyển chọn những người đã từng tham gia ĐTV cuộc điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024 và các cuộc điều tra dân số, lao động việc làm.

Tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng tham gia điều tra

Tổ chức các lớp tập huấn đảm bảo đúng qui định về số lượng học viên, thời gian, nội dung tập huấn. Cụ thể:

Cấp tỉnh tổ chức 01 lớp tập huấn cho GSV cấp tỉnh, giảng viên và lãnh đạo các Chi cục, giám sát viên Ban Dân tộc tỉnh và các huyện về nghiệp vụ điều tra phiếu bảng kê hộ và tập huấn nghiệp vụ về điều tra phiếu hộ, phiếu xã/phường, hướng dẫn cài đặt sử dụng thiết bị và các loại phần mềm, tổng số lượng người tham dự là 58 người.

Cấp huyện tổ chức 24 lớp, trong đó 8 lớp tập huấn cho ĐTV phiếu hộ; 8 lớp cho ĐTV phiếu xã; 8 lớp cho ĐTV điều tra lập bảng kê; tổng số người tham dự là 924 người. Đến ngày 28/6/2024 đã hoàn thành công tác tập huấn.

Công tác tuyên truyền

Cục Thống kê đã ban hành Kế hoạch công tác tuyên truyền và triển khai đầy đủ các nội dung tuyên truyền theo hướng dẫn của Tổng cục: Gửi tập tin về hỏi đáp cuộc điều tra (file mp3) và tài liệu tuyên truyền cho Chi cục Thống kê các huyện, khu vực; in, treo băng rôn, khẩu hiệu tại các trung tâm, trục giao thông chính… Các hoạt động tuyên truyền tập trung làm rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung, kế hoạch, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong quá trình thực hiện cuộc điều tra.

Nhìn chung, công tác chuẩn bị cho thực hiện khâu thu thập thông tin tại tỉnh Hòa Bình là kịp thời, toàn diện, đúng qui định của Phương án điều tra. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Thời gian thực hiện điều tra lập bảng kê hộ điều tra gấp, trong khi phương pháp lập bảng kê hộ thay đổi, từ phương thức rà soát, cập nhật bảng kê nay chuyển sang phương thức điều tra phiếu bảng kê hộ CAPI, do đó, điều tra viên phải cố gắng, nỗ lực hoàn thành khâu điều tra phiếu bảng kê hộ. Phiều điều tra hộ khá dài, lồng ghép nhiều nội dung, có nội dung khó nên việc tuyển chọn ĐTV đáp ứng được yêu cầu cũng gặp không ít khó khăn. Hòa Bình là tỉnh miền núi, phân bố dân cư không đồng đều, nhiều địa bàn ở cách xa trung tâm xã trên 60 km nên việc đi lại của điều tra viên khá vất vả và khó khăn, đặc biệt là đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng cao. Ở địa bàn vùng cao, vào thời điểm điều tra bảng kê, người dân đang trong mùa vụ, các hộ đi nương, rẫy chiều tối mới về nên việc tiếp cận, phỏng vấn ghi phiếu mất nhiều thời gian mới hoàn thành. Trình độ dân trí ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn thấp. Địa hình đồi núi cao dẫn đến sóng wifi, 3G, 4G yếu, có nơi không có sóng, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện điều tra CAPI.

Nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của UBDT tỉnh và Sở, ngành hữu quan với Cục Thống kê và sự chuẩn bị chu đáo các khâu thu thập thông tin, tỉnh Hòa Bình quyết tâm hoàn thành tốt cuộc điều tra trên địa bàn tỉnh./.

 
Trần Văn Thạch
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hòa Bình