Hội thảo hệ thống ngành kinh tế Việt Nam sửa đổi và tích hợp ngành kinh tế xanh

|

Hội thảo hệ thống ngành kinh tế Việt Nam sửa đổi và tích hợp ngành kinh tế xanh

Chiều ngày 23/9/2024, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức Hội thảo hệ thống ngành kinh tế Việt Nam sửa đổi và tích hợp ngành kinh tế xanh. Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các Phó Tổng cục trưởng: Nguyễn Thanh Dương, Nguyễn Trung Tiến, Lê Trung Hiếu, Đỗ Thị Ngọc; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc TCTK; đại diện các bộ, ngành có liên quan.

Tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, ngày 22/6/2024, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 266/TB-VPCP Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc ban hành phân loại xanh quốc gia, trong đó giao: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan dựa trên Bộ Tiêu chí xanh quốc gia để tổng hợp xây dựng danh mục ngành kinh tế xanh tích hợp vào Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sửa đổi Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 trong quý IV/2024. Tháng 8/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao cho TCTK chủ trì nghiên cứu để ban hành hệ thống ngành kinh tế xanh.

 
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương chủ trì Hội thảo

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, hệ thống ngành kinh tế xanh không thể tách rời hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam và hệ thống ngành kinh tế Việt Nam cũng không thể tách rời hệ thống ngành kinh tế của thế giới. Trên cơ sở hệ thống ngành kinh tế của thế giới sửa đổi thì hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam cũng phải sửa đổi. Vì vậy, TCTK đề xuất cần sửa đổi hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam trên nền của thế giới; và trên nền tảng đó tiếp tục đề xuất hệ thống ngành kinh tế xanh…

Đại diện TCTK, ông Nguyễn Đình Khuyến, Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ và quản lý chất lượng thống kê (Vụ PPCĐ) trình bày báo cáo hệ thống ngành kinh tế Việt Nam sửa đổi và tích hợp ngành kinh tế xanh. Theo đó, hệ thống ngành kinh tế Việt Nam sửa đổi (VSIC) được sửa đổi và ban hành nhằm áp dụng trong các lĩnh vực liên quan đến ngành kinh tế như: Công tác thống kê, bao gồm thu thập, xử lý, tổng hợp, biên soạn, công bố và lưu giữ số liệu thống kê; Lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội; Nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội theo thời gian và những mục đích nghiên cứu khác; So sánh quốc tế.

 
Ông Nguyễn Đình Khuyến, Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ và quản lý chất lượng thống kê
trình bày báo cáo tại Hội thảo

Nguyên tắc VSIC sửa đổi là bảo đảm phản ánh đầy đủ các hoạt động kinh tế Việt Nam; bảo đảm sự liên tục và tính so sánh của hệ thống ngành kinh tế từ phiên bản cũ (VSIC 2018) sang phiên bản mới (VSIC sửa đổi) bảo đảm thích hợp với điều kiện cụ thể của nền kinh tế Việt Nam trong việc thu thập số liệu theo từng ngành trong Hệ thống ngành kinh tế.

Cũng theo báo cáo, việc tích hợp hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia góp phần giúp các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan xây dựng chính sách và các bên liên quan xác định khoản đầu tư nào có thể được gắn nhãn “xanh”, từ đó giúp đưa ra các quyết định về các khoản đầu tư thân thiện với môi trường, khuyến khích và mở rộng việc thực hiện các dự án và hoạt động kinh tế bền vững với môi trường và đóng góp vào các mục tiêu bảo vệ môi trường cụ thể.

Tại Việt Nam, ngành kinh tế xanh dựa trên bốn mục tiêu về môi trường (Phù hợp với nguyên tắc, mục tiêu của phân loại xanh ASEAN), gồm: (1) Giảm thiểu biến đổi khí hậu, (2) Thích ứng với biến đổi khí hậu, (3) Bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học, (4) Khả năng phục hồi tài nguyên và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Để được phân loại là ngành kinh tế xanh, bất kỳ hoạt động nào cũng phải chứng minh rằng hoạt động đó đóng góp vào ít nhất một trong các mục tiêu môi trường này và không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nào đến các mục tiêu môi trường khác. Việc lựa chọn ngành kinh tế xanh dựa trên Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC) và dựa vào các mục tiêu ưu tiên về bảo vệ môi trường của Việt Nam…

 
Toàn cảnh Hội thảo

Đây là Hội thảo sơ khởi xin ý kiến các đại biểu xây dựng dự thảo khung hệ thống ngành kinh tế Việt Nam sửa đổi và tích hợp ngành kinh tế xanh. Do thời gian xây dựng dự thảo rất ngắn nên các Bộ, ngành có liên quan như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính... cần có sự phối hợp chặt chẽ, góp ý hiệu quả nhằm xây dựng Khung hệ thống phân ngành kinh tế tích hợp ngành kinh tế xanh, từ đó làm căn cứ để các Bộ, ngành sẽ xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể từng lĩnh vực theo chức năng quản lý.

Kết luận Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động thực hiện của đơn vị chủ quản, đã đưa ra các nghiên cứu về phân ngành xanh của các quốc gia và đề xuất cho Việt Nam. Trên cơ sở báo cáo, Tổng cục trưởng đề nghị, Vụ PPCĐ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyên ngành, các đơn vị thuộc các Bộ, ngành liên quan rà soát lại báo cáo; liên hệ họp tổ công tác, tổ biên soạn xây dựng trương trình kế hoạch làm việc cụ thể, thảo luận về các nội dung sửa đổi VSIC; đưa ra chương trình, kế hoạch làm việc cụ thể với các đơn vị liên quan, các Vụ chuyên ngành về hai nội dung VSIC và hệ thống ngành kinh tế xanh, phân công gắn trách nhiệm cụ thể của các đơn vị theo lộ trình, nhằm tạo thuận lợi để các đơn vị cùng phối hợp thực hiện./.
 
Thu Hường