Trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai, thời tiết bất thường, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, không để đầu cơ, nâng giá, thiếu thốn lương thực, đồng thời tiếp tục thực hiện xuất khẩu gạo để bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người trồng lúa.
Thực trạng sản xuất, xuất khẩu lúa, gạo của Việt Nam
Năm 2019, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy cả diện tích gieo trồng và sản lượng lúa nước ta đều giảm. Theo đó, diện tích gieo trồng lúa cả nước đạt 7,5 triệu ha, giảm 1,3% và sản lượng đạt 43,5 triệu tấn, giảm 1,2% so với năm 2018. Có điều đáng chú ý là, tuy sản lượng gạo xuất khẩu cả năm 2019 đạt 6,37 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2018, song kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 2,8 triệu USD, lại giảm 8,3% do giá xuất khẩu bình quân giảm so với năm 2018.
Đầu năm 2020, tính đến trung tuần tháng 4 năm 2020, cả nước đã gieo cấy được 3.021,3 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 96,8% cùng kỳ năm trước; thu hoạch được xấp xỉ 1,68 triệu ha, sản lượng ước đạt 11,3 triệu tấn. Sản lượng gạo xuất khẩu đạt 1,68 triệu tấn, kim ngạch đạt 774,6 triệu USD.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều quốc gia tích trữ lương thực, đẩy giá gạo trên thị trường thế giới từ tháng 2/2020 bắt đầu nhích lên, trong đó giá của gạo Việt Nam loại 5% tấm trong quý 1/2020 tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2019. Do vậy, riêng trong Quý I năm 2020, Việt Nam xuất khẩu được 1,52 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 700,81 triệu USD tăng 8% về sản lượng và tăng 14,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2018 (năm giá gạo Việt Nam đạt đỉnh cao), sản lượng chỉ tăng 2,1% và kim ngạch chỉ bằng 94,1%.
Lúa là cây lương thực quan trọng hàng đầu nuôi sống khoảng 1/2 dân số và khoảng 3/4 người nghèo của thế giới***. Riêng đối Việt Nam, lúa là cây lương thực quan trọng nhất cho sinh kế của phần lớn người dân và an ninh lương thực quốc gia. |
Xu hướng cung, cầu lúa, gạo thế giới năm 2020
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cập nhật đến ngày 02/04/2020, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2018/2019 đạt 514,6 triệu tấn và dự báo niên vụ 2019/2020 đạt 512,0 triệu tấn, giảm 0,5% so với niên vụ 2018/2019. Trong khi đó nhu cầu tiêu dùng gạo niên vụ 2018/2019 đạt 509,1 triệu tấn, dự báo niên vụ 2019/2020 đạt 513,4 triệu tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.6
Báo cáo công bố tháng 4 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo trong năm 2020, sản lượng gạo toàn cầu giảm trong khi tiêu thụ tiếp tục tăng. Theo USDA, trong niên vụ 2019/2020, sản lượng gạo toàn cầu dự báo sẽ giảm nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu ở Trung Quốc, Đông Nam Á, Châu Mỹ và Caribê. Trong đó, sản lượng gạo Thái Lan và Việt Nam, hai quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba toàn cầu, giảm do tác động của hạn hán. Khối lượng gạo xuất khẩu toàn cầu năm 2020 dự báo giảm gần 2%, xuống 42,8 triệu tấn, mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Dù người dân nhiều nước có xu hướng giảm sử dụng gạo trong các bữa ăn hàng ngày, nhưng tiêu thụ gạo thế giới dự báo sẽ tăng 1% vào năm 2020 do dân số tăng.7
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến nhiều quốc gia phụ thuộc vào gạo nhập khẩu bắt đầu tích trữ lương thực, đồng thời một số quốc gia ra lệnh kiềm chế xuất khẩu khiến nhu cầu cũng như giá gạo thế giới càng tăng cao.
Dự báo sản xuất lúa Việt Nam năm 2020
Mùa khô năm 2019/2020 ít nước, lưu lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm, thậm chí thấp hơn cả mùa khô năm 2015-2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục) là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài.
Ước tính diện tích gieo trồng lúa đông xuân Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1,55 triệu ha, giảm 57,9 nghìn ha so với vụ trước; năng suất ước đạt 68,3 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha; sản lượng ước đạt 10,6 triệu tấn, giảm 310 nghìn tấn. Nếu tình trạng thiếu nước vẫn tiếp tục xảy ra có thể ảnh hưởng tiếp đến vụ Hè Thu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi đó, sản lượng lúa vụ Hè Thu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm đến khoảng 79% sản lượng cả nước.
Do vậy, tính chung, ước sản lượng lúa cả năm 2020 đạt 42,9-43,1 triệu tấn, giảm khoảng 400-600 nghìn tấn (giảm từ 1,0-1,5%) so với cùng kỳ năm 2019.
Cân đối lúa, gạo Việt Nam năm 2020
Dựa trên một số giả định về các tỷ lệ tiêu dùng lúa, gạo cho các nhu cầu tiêu dùng khác nhau8, đồng thời dự ước sẽ xuất khẩu 6 triệu tấn gạo, chúng tôi ước tính cân đối lúa năm 2020 (Bảng 1) cụ thể như sau:
- Nguồn cung lúa năm 2020 là 44,8 triệu tấn, giảm 2,4% so với nguồn cung năm 2019, trong đó: Sản lượng sản xuất ra là 43,0 triệu tấn, giảm 1,0%;
- Sử dụng lúa năm 2020 là 44,19 triệu tấn, trong đó làm thức ăn chăn nuôi 3,44 triệu tấn; làm giống 1,29 triệu tấn; dự trữ quốc gia 1,09 triệu tấn (tương đương 700 nghìn tấn gạo); để ăn 15,25 triệu tấn (tương đương 9,84 triệu tấn gạo); chế biến 7,95 triệu tấn; hao hụt 3,7 triệu tấn (khoảng 8,5%); xuất khẩu 9,3 triệu tấn (tương đương 6 triệu tấn gạo);
- Cân đối lúa năm 2020: Tồn cuối năm 610 ngàn tấn lúa (tương đương 390 ngàn tấn gạo).
Bảng 1. Cân đối lúa Việt Nam năm 2018-2020
Đề xuất, kiến nghị
Qua phân tích thị trường lúa, gạo và ước tính cân đối cung cầu lúa, gạo năm 2020, chúng tôi nhận thấy Việt Nam có thể xuất khẩu 6 triệu tấn gạo. Đây là mức an toàn để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng nặng nề, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người sản xuất và doanh nghiệp. Duy trì khối lượng gạo xuất khẩu trong thời gian này cũng là nâng cao vị thế quốc gia của Việt Nam trong việc góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới, chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong các nỗ lực giảm nguy cơ gián đoạn hệ thống cung cấp lương thực và khủng hoảng lương thực toàn cầu gây ra bởi đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, để hài hòa giữa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và lợi ích của người trồng lúa, chúng tôi có một số đề xuất đối với việc sản xuất, dự trữ và xuất khẩu lúa, gạo năm 2020 như sau: Trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc dự trữ lúa gạo đảm bảo an ninh lương thực quốc gia là cần thiết, tránh biến động lớn về giá lúa thị trường trong nước, ảnh hưởng lớn đến việc kiểm soát lạm phát;
- Cần có kế hoạch xuất khẩu hợp lý theo sản lượng lúa thu hoạch, tránh xuất khẩu gạo ồ ạt, gây hụt cung trong ngắn hạn (do chưa kịp thu hoạch) làm cho giá gạo trong nước tăng cao, mất an ninh lương thực.9
- Áp dụng chính sách bảo hộ đối với người trồng lúa trên những diện tích đất lúa đã được quy hoạch, đảm bảo mang lại cho họ mức lãi hợp lý và ổn định.
- Hiện nay, giá gạo xuất khẩu thị trường thế giới đang tăng cao và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do nguồn cung thế giới giảm, nhu cầu tăng. Thủ tướng Chính phủ có thể giao cho Bộ Công Thương nghiên cứu phương án tối ưu về thời gian và khối lượng gạo để xuất khẩu gạo được giá, có lợi cho người nông dân, doanh nghiệp;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu các loại cây hoặc giống thủy sản phù hợp để khuyến khích người nông dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa bị hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ thị trường trong nước và quốc tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có thể kéo dài;
- Tiếp tục đầu tư phát triển, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng chất lượng gạo, giảm hao hụt lúa sau thu hoạch;
- Trong bối cảnh một số nước tạm dừng xuất khẩu gạo do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Việt Nam cần tăng cường mở rộng thị trường xuất khẩu gạo chất lượng cao, sản phẩm chế biến từ gạo, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc; xây dựng thương hiệu đối với gạo đặc sản và các loại gạo chất lượng cao, thực hiện truy xuất nguồn gốc, tạo dựng uy tín gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế./.
ThS. Lê Trung Hiếu*, Đoàn Thị Hồng Hạnh**
1. FAO, http://www.fao.org/worldfoodsituation/csdb/en/
2. USDA, https://apps.fas.usda.gov/psdonline/circulars/grain-rice.pdf
3. Tỷ lệ làm thức ăn chăn nuôi, làm giống, tỷ lệ hao hụt, tỷ lệ xay xát từ thóc sang gạo là tỷ lệ được sử dụng trong quá trình tính toán Bảng cân đối lương thực cho Việt Nam năm 2013 của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO); định mức tiêu dùng gạo bình quân đầu người/tháng sử dụng Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2018.