Nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi

|

Nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục
 
Vùng DTTS và miền núi nước ta thuộc địa bàn 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, chủ yếu vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung. Đồng bào DTTS sinh sống thành cộng đồng chủ yếu ở khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn với địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn. Trong đó, khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có số người DTTS cao nhất, khoảng 6,7 triệu người; khu vực Tây Nguyên khoảng 2 triệu người; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 1,9 triệu người; Tây Nam Bộ 1,4 triệu người; còn lại sống rải rác tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hầu hết các DTTS sinh sống miền núi, chỉ có dân tộc Khmer, dân tộc Chăm, dân tộc Hoa sinh sống đồng bằng thành thị.

 

Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách ưu tiên đối với con em đồng bào các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp giáo dục. Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, dự bị đại học dân tộc dần được nâng lên qua các năm học. Các trường thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nhân lực có chất lượng cho các địa phương. Trên 50% học sinh của các trường này thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng; 5% học cử tuyển; 13% vào dự bị đại học; 20% học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề; số ít còn lại tham gia công tác và lao động sản xuất ở địa phương.
 
Hệ thống các trường dự bị đại học và các khoa dự bị đại học dân tộc phát triển cả về quy mô đào tạo và cơ sở vật chất. Các chương trình dạy tiếng dân tộc cho học sinh DTTS bước đầu được quan tâm. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn một số sách giáo khoa dạy chữ viết dân tộc như: Dân tộc Khmer, Mông, Mnông, Bana, Êđê, Chăm, Hoa... Tại 23 tỉnh, thành phố có đông đồng bào DTTS đang triển khai dạy và học 8 thứ tiếng DTTS, gồm: Tiếng Mông, Chăm, Khmer, Gia Rai, Bana, Êđê, Mnông, Thái. Nhiều DTTS lần đầu tiên có học sinh được cử tuyển đi học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp.
 
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Đảng và Nhà nước được ban hành ngày càng đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy giáo dục vùng DTTS và miền núi phát triển. Cụ thể, Điều 61 của Hiến pháp năm 2013 quy định “Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào DTTS và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009 có một số điều khoản quy định chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tính chung, trong giai đoạn từ năm 2010-2017, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã ban hành 42 văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục DTTS và miền núi hoặc có liên quan đến giáo dục DTTS và miền núi.
 
Ngoài ra, các chính sách cho học sinh, sinh viên vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm chính sách học bổng; miễn giảm học phí; trợ cấp xã hội, hỗ trợ học tập; chính sách ưu tiên tuyển sinh vào đại học, cao đẳng; chính sách phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người...  đang được thực hiện; đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được hưởng các chính sách ưu đãi gồm: Phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút, phụ cấp thâm niên vượt khung, trợ cấp chuyển vùng, trợ cấp học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Có thể thấy, chính sách giáo dục cho con em đồng bào DTTS đã và đang phát huy tác dụng, huy động hầu hết trẻ em trong độ tuổi đến trường, học sinh DTTS được học tiếng phổ thông, học văn hóa, được giao lưu và tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật.

Đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng DTTS và miền núi được Đảng, Nhà nước và các địa phương xác định là một trong những ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước đã huy động nhiều nguồn vốn khác nhau, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giáo dục. Đến nay, mạng lưới, quy trường lớp từ mầm non đến trung học phổ thôngvùng DTTS và miền núi được củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em đồng bào các dân tộc trong độ tuổi đến trường; Các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới đã có lớp mầm non; Hầu hết các xã có trường tiểu học ở khu vực trung tâm và trường trung học cơ sở; Các huyện đều có trường trung học phổ thông. Đặc biệt, hình trường phổ thông dân tộc nội trú đã đóng góp lớn trong tạo nguồn đào tạo cán bộ, bồi dưỡngphát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng DTTS và miền núi, vùngđiều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
 
Từ các chương trình, dự án của Nhà nước kết hợp với nguồn vốn đầu tư của các địa phương, khu vực DTTS và miền núi đã xóa bỏ được phần lớn phòng học 3 ca, phòng học tạm; tạo điều kiện cho hàng triệu học sinh được học trong các phòng học kiên cố và giải quyết điều kiện chỗ ở cho hàng vạn giáo viên. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư, hoàn thiện dần mạng lưới cơ sở giáo dục ở các địa phương phấn đấu đạt chuẩn quốc gia.
 
Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, hiện cả nước có 5 trường đào tạo dự bị đại học, 314 trường phổ thông dân tộc nội trú, 1.097 trường phổ thông dân tộc bán trú. Hầu hết các xã có trường mầm non, 100% xã trường tiểu học, trung học cơ sở, trung tâm cụm xã có trường trung học phổ thông. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ngày càng cao, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS ngày càng tăng, đáp ứng tốt hơn nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Đã có 51/53 DTTS có học sinh cử tuyển đi học đại học; học sinh là người DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ phí ăn, ở, học tập. Giai đoạn 2016-2018, Chính phủ đã kịp thời tuyên dương trên 400 học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu trong học tập, 23 gương thanh niên DTTS khởi nghiệp thành công tạo sức lan tỏa, động viên học sinh, sinh viên nỗ lực phấn đấu vươn lên.

Vẫn còn khoảng cách về  chất lượng giáo dục
 
Tuy chất lượng giáo dục ở vùng DTTS và miền núi đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung của cả nước vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ người DTTS đi học đúng độ tuổi còn thấp, hiện còn khoảng 30% học sinh DTTS chưa được đi học đúng độ tuổi; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở cấp trung học phổ thông của các nhóm DTTS đạt trung bình là 32,3%. Ở một số nhóm dân tộc như: Brâu, Xtiêng, Gia Rai, Mạ, Mnông, Lô Lô có tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi bình quân ở mức dưới 60%, trong đó chỉ  có chưa đến 10% học sinh của các nhóm DTTS trên đi học đúng độ tuổi ở cấp trung học phổ thông.
 
Tỷ lệ người DTTS chưa biết đọc, biết viết tiếng Việt còn khá cao. Hiện còn 20,8% người DTTS (tương đương với 2,79 triệu người) chưa đọc thông viết thạo tiếng Việt. Các nhóm DTTS gồm: Hà Nhĩ, Cơ Lao, Brâu, Mông, Máng, Lự, La Hủ có trên 50% dân số không biết chữ.
 
Tỷ lệ lao động người DTTS đã qua đào tạo thấp, trung bình đạt 6,2%, mới bằng gần 1/3 so với tỷ lệ trung bình của lực lượng lao động cả nước. Một số nhóm DTTS có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở mức dưới 2%, thậm chí có những nhóm DTTS gần 100% lao động chưa qua đào tạo như: Xtiêng, Brâu, Máng, Rơ măm, Bana, Phù Lá, Raglay, La Hủ và Khơ Mú. Tình trạng học sinh DTTS bỏ học vẫn đang là bài toán nan giải ở nhiều địa phương.
 
Đội ngũ giáo viên các tỉnh vùng DTTS và miền núi còn thiếu, đặc biệt là giáo viên mầm non. Năng lực và chuẩn đào tạo, kỹ năng sư phạm của một bộ phận nhà giáo vùng cao còn yếu, chưa có nhiều điều kiện để tiếp cận phương pháp giảng dạy mới... Chính sách sử dụng, đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên ở các vùng DTTS và miền núi còn bất cập, chưa tạo động lực về vật chất và tinh thần để khuyến khích, thu hút giáo viên có tâm huyết với nghề và phát triển sự nghiệp giáo dục.
 
Bên cạnh đó, chính sách dạy và học tiếng nói, chữ viết DTTS còn hạn chế. Một số ngôn ngữ của đồng bào  DTTS đứng trước nguy cơ mai một, trong đó, có những ngôn ngữ gần như mất hoàn toàn như: Tiếng Cơ Lao Đỏ ở Trùng Sán, Hoàng Su Phì; tiếng Ơ Đu ở Con Cuông, tỉnh Nghệ An; tiếng Tu Dí (Bố Y) ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai... Một số ngôn ngữ hiện chỉ còn rất ít người sử dụng, đó là tiếng Pu Péo, Cơ Lao Trắng, La Chí ở Hà Giang; tiếng Rục, Mày, Sách, Arem ở Quảng Bình.
 
Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục vùng DTTS và miền núi, nhất là các văn bản hướng dẫn còn chậm so với quy định và yêu cầu thực tiễn. Một số chính sách ban hành có hiệu lực trong thời gian ngắn, chưa có tính dự báo dài hạn và liên tục. Có chính sách ban hành chậm, thiếu đồng bộ; một số nội dung chính sách còn bất cập; không thống nhất giữa quy định của Luật Giáo dục với Nghị định, Thông tư hướng dẫn tổ chức thực hiện.
 
Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi
 
Để đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở vùng DTTS và miền núi hiện nay, các cấp, các ngành cần tập trung vào các giải pháp như:
 
Một là, tăng nguồn đầu tư cho công tác phát triển giáo dục; phối hợp đồng bộ giữa chính sách của Đảng Nhà nước với hoạt động của ngành giáo dục và sự đóng góp của toàn dân cho sự nghiệp giáo dục vùng đồng bào DTTSmiền núi. Xã hội hóa giáo dục để toàn dân cùng tham gia đóng góp.
 
Hai là, đào tạo đội ngũ giáo viên là người DTTS có trình độ cả về sư phạm và kiến thức cho từng vùng, từng dân tộc. Xây dựng chế độ đãi ngộ và sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với yêu cầu thực tiễn để họ yên tâm với nghề nghiệp, gắn bó với địa phương. Đồng thời, tăng cường việc bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng DTTS; đổi mới sinh hoạt chuyên môn, chú trọng hình thức sinh hoạt chuyên môn theo cụm, khối, tổ, nhóm, tập trung và qua mạng.
 
Ba là, đổi mới các chính sách giáo dục ở các cấp, mở rộng việc dạy và học ngôn ngữ DTTS trong các trường phổ thông; đổi mới, nâng cao hiệu quả các chính sách cử tuyển dành cho con em các DTTS vào học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; mở rộng các khoa dự bị đại học trong các trường đại học cho người DTTS; xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp cho học sinh, sinh viên là người DTTS theo từng cấp học, ưu tiên cho vùng đặc biệt khó khăn.
 
Bốn là, đa dạng hóa, phát triển nhanh các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề ở vùng dân tộc thiểu số; ưu tiên đào tạo vừa học vừa làm; đưa chương trình dạy nghề vào các trường dân tộc nội trú; phát triển các loại mô hình trường dạy nghề gắn với các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong đó ưu tiên đào tạo con em đồng bào vùng DTTS và miền núi. Tăng quy mô huy động trẻ ra lớp ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, cũng như nghiên cứu phát triển mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh vùng DTTS và miền núi.
 
Năm là, cần tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo, thực hiện kiên cố hóa, chuẩn hóa cơ sở vật chất trường, lớp học ở tất cả các cấp học, đặc biệt ưu tiên đầu tư xây dựng trường học mới cho các xã chưa có trường mầm non; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất các điểm trường lẻ; ưu tiên phân bổ tài chính chi thường xuyên, kinh phí đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ cho các tỉnh thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra./.
 
 
TS. Phạm Ngọc Yến
Trường Đại học Lao động Xã hội