Nghệ thuật Tuồng cổ - Hồn phách dân tộc

|

Nghệ thuật Tuồng cổ - Hồn phách dân tộc

Tuồng (còn gọi là hát bộ, hát bội) là một loại hình nghệ thuật sân khấu cân đối có tính cổ điển, bác học bậc nhất của Việt Nam. Trải qua những biến động lịch sử của đất nước, nghệ thuật tuồng cổ đang dần bị mai một, chính vì vậy, khôi phục và bảo tồn Tuồng cổ là nhiệm vụ đầy thách thức, nhất là trong bối cảnh văn hóa hội nhập ngày nay.

Nghệ thuật Tuồng cổ - Hồn phách dân tộc

Nghệ thuật Tuồng cổ được hình thành trên cơ sở ca, vũ, nhạc và các trò diễn xướng dân gian với ngôn ngữ văn chương bác học kết hợp nhuần nhuyễn văn chữ Hán với văn Nôm đã có thời kỳ phát triển cực thịnh vào thế kỷ 17-18. Cuối thế kỷ 18, Tuồng cổ đã phát triển một cách hoàn chỉnh mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn. Đến nửa sau thế kỷ 19, nghệ thuật Tuồng có những biến đổi quan trọng, 3 dòng Tuồng (cung đình, sĩ phu yêu nước, dân gian) đã cùng song song phát triển và tồn tại, đây là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử.

 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Có giai đoạn Tuồng được phân loại thành: Tuồng thầy (mẫu mực), tuồng ngự (cho vua xem), tuồng cung đình (diễn trong hoàng cung), tuồng pho (nhiều hồi diễn nhiều đêm), tuồng đồ (phóng tác, không có trong sử sách), tuồng tân thời (chuyển thể từ các tiểu thuyết); nhưng tựu chung có thể chia làm hai loại tuồng kinh điển và tuồng dân gian. Khác với các loại hình sân khấu khác như chèo, cải lương... Tuồng cổ mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc, trong đó, chất bi hùng được coi là một đặc trưng thẩm mỹ của loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Dàn nhạc Tuồng chủ yếu làm nhiệm vụ hỗ trợ trong biểu diễn của diễn viên, nhưng lại có vai trò quan trọng thổi hồn cho nhân vật và bối cảnh. Nhạc cụ Tuồng gồm có: Bộ gõ (trống, thanh la, mõ..), bộ hơi (kèn, sáo, chủ yếu là kèn), bộ dây (nhị, cò, hồ, đại, tiểu...), bộ gảy (tam, tứ, nguyệt...). Bên cạnh đó, Tuồng cổ còn mang đậm yếu tố hội họa được thể hiện rõ nét qua cách vẽ mặt thể hiện được tính cách, bản chất của nhân vật đó và qua trang phục của nhân vật. Sự kết hợp đa dạng của các yếu tố trên đã tạo ra các tuyến nhân vật khác nhau, mang tính cách, tâm trạng và hoàn cảnh khác nhau.

Kể từ khi chấm dứt chế độ phong kiến, Việt Nam trải qua nhiều biến động lịch sử, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước trên mọi phương diện, các môn nghệ thuật truyền thống trong đó có nghệ thuật Tuồng cổ đã mất dần chỗ đứng của mình, nhất là sau khi các phương tiện truyền thông phát triển, nhiều loại hình văn hóa, giải trí mới ra đời và các loại hình nghệ thuật ngoại quốc du nhập vào Việt Nam ngày càng đa dạng. Các khán giả trẻ gần như đã quay lưng dần với môn nghệ thuật cổ truyền này, chỉ còn lớp người lớn tuổi với những hồi ức về những đêm thâu đi xem hát tuồng (hát bội). Họ dường như vẫn háo hức với các vở Tuồng, với những cái tên nghệ sỹ gạo cội như: Quang Tốn, Bạch Trà (miền Bắc), Lê Bá Tùng, Nguyễn Hoàng Tốn (miền Trung)… với các tác giả: Tống Phước Phổ, Hoàng Châu Kỳ, Mịch Quang… và các vở Tuồng cổ: Sơn Hậu, Nữ tướng Đào Tam Xuân, Đinh Lưu diễn ca, Lãm Túy Hiên truyện, Kim Thạch kỳ duyên…

Đưa nghệ thuật tuồng cổ đến gần hơn với công chúng

Với tinh thần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, giữ gìn tinh hóa vốn cổ của ông cha, đặc biệt là với môn nghệ thuật truyền thống Tuồng cổ, Nhà nước đã tập hợp các văn nghệ sĩ, diễn viên hai miền Nam - Bắc thành lập đoàn tuồng, tổ chức Ban Nghiên cứu sân khấu với mục đích sưu tầm, nghiên cứu nhằm bảo tồn, khai thác vốn cổ. Nhờ đó, nghệ thuật Tuồng truyền thống ở các địa phương đang dần được khôi phục, đặc biệt là tuồng cung đình Huế. Các ban ngành đã phối hợp với các địa phương, các đoàn nghệ thuật đưa sân khấu Tuồng 
đến gần với công chúng, du khách nước ngoài, đặc biệt là đến với thế hệ trẻ nhằm quảng bá, góp phần xây dựng lực lượng khán giả trẻ, giúp các em có cơ hội tiếp xúc và khơi gợi tình cảm yêu mến với loại hình nghệ thuật này. Các loại hình Tuồng truyền thống, Tuồng lịch sử, Tuồng dã sử, Tuồng dân gian được tái hiện lại với lối diễn xuất cuốn hút, hấp dẫn, được đưa vào các cơ sở đào tạo phổ thông, trong trường học. Từ đó, thế hệ trẻ sẽ có ý thức hơn trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, quảng bá và kế thừa giá trị đặc sắc của nghệ thuật Tuồng cổ. Đây được coi là hướng đi mới tích cực, giúp nghệ thuật tuồng đến gần với công chúng hơn nữa.
 
Bên cạnh đó, để cho sức sống của nghệ thuật Tuồng cổ được phục hồi trọn vẹn, cũng cần liên kết các nhà khoa học, các nghệ nhân, nghệ sĩ tâm huyết cùng quần chúng nhân dân chung sức bảo tồn và tái phát triển nghệ thuật Tuồng cổ. Cụ thể là xây dựng chính sách đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên tuồng; đưa nghệ thuật Tuồng cùng các nghệ thuật sân khấu truyền thống khác thành sản phẩm du lịch để Tuồng lan tỏa trong đời sống văn hóa của người dân và bạn bè quốc tế.

Tuồng cổ đã trở thành tài sản văn hóa quý báu của sân khấu truyền thống và là viên ngọc trong kho tàng văn hóa của dân tộc. Những tác phẩm Tuồng cổ, những trích đoạn mẫu mực giống như những cây đại thụ lưu giữ và truyền tải nguồn nhựa sống dồi dào của nghệ thuật Tuồng đến muôn triệu tâm hồn người Việt Nam cũng như bạn bè thế giới. Trong không khí náo nức chào đón một mùa xuân mới với những nỗ lực tìm hướng đi mới, hy vọng rằng nghệ thuật Tuồng cổ sẽ khẳng định lại được vị trí, tìm lại được chỗ đứng trong lòng người yêu sân khấu./.

 
Thu Hiền