Tuổi thọ trung bình của Việt Nam qua kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 - Những vấn đề đặt ra

|

Tuổi thọ trung bình của Việt Nam qua kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 - Những vấn đề đặt ra

Kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, cho biết, những năm qua cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội, bức tranh chung về dân số Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Với trên 96,2 triệu người là nhân khẩu thực tế thường trú tại gần 26,9 triệu hộ dân cư sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam tại thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019, Việt Nam đã trở thành quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Trong đó, tuổi thọ bình quân từ lúc sinh tại Việt Nam đã liên tục tăng trong những năm gần đây và năm 2019 đạt 73,6 tuổi. Đây là một kết quả tích cực, thể hiện những thành tựu trong việc nâng cao chất lượng dân số của Việt Nam, tuy nhiên bên cạnh đó Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức trước thực trạng tuổi thọ trung bình được nâng lên và xu hướng già hóa dân số ngày càng gia tăng. Do đó, bên cạnh những chính sách về nâng cao chất lượng dân số, Việt Nam cần có những chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi trong tương lai.
 
Theo định nghĩa của thống kê, tuổi thọ trung bình là chỉ tiêu thống kê được tính từ lúc sinh biểu thị triển vọng một người mới sinh có thể sống được bao nhiêu năm nếu như mô hình chết hiện tại được tiếp tục duy trì. Tuổi thọ trung bình (còn gọi là triển vọng sống trung bình khi sinh hay tuổi thọ trung bình) phản ánh mức độ chết của dân số không bị tác động bởi cơ cấu dân số theo độ tuổi nhưng lại chịu ảnh hưởng bởi mức độ chết ở tất cả các độ tuổi, đặc biệt là tuổi sơ sinh và trẻ em. Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh được sử dụng để so sánh mức độ chết giữa các thời kỳ, các vùng và các nước; dùng để phân tích và dự báo dân số dài hạn. Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh còn là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá mức độ phát triển của một quốc gia, một vùng hay một địa phương; là một thành tố để tính chỉ số phát triển con người (HDI).

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2019 là 73,6 tuổi; trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71,0 tuổi, của nữ giới là 76,3 tuổi.

 
Hình 1: Tuổi thọ trung bình theo giới tính, 1989 - 2019 - đơn vị: Năm
 

Kết quả các cuộc Tổng điều tra từ năm 1989 đến nay cho thấy tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi năm 1989 lên 73,6 tuổi năm 2019 (Hình 1). Tương tự như các cuộc Tổng điều tra trước đây và các quốc gia trên thế giới, tuổi thọ trung bình của nam luôn thấp hơn của nữ.

Theo kết quả thống kê, chênh lệch về tuổi thọ trung bình giữa nam và nữ qua hai cuộc Tổng điều tra gần nhất hầu như không thay đổi nhiều, duy trì ở mức khoảng 5,4 năm. Kết quả này phần nào cho thấy thành tựu trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần làm tăng tuổi thọ trung bình của người dân. Nếu duy trì mức tăng như trong giai đoạn 2009 - 2019 thì đến năm 2030, tuổi thọ trung bình cả nước sẽ khó đạt 75 năm như trong Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra.

Các kết quả tính toán, phân tích về tuổi thọ trung bình của Việt Nam từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cũng cho thấy, có sự khác biệt về mức độ tử vong của nam và nữ theo từng độ tuổi. Các đường nét đứt trong hình 2 thể hiện mức chết của nam và nữ qua các độ tuổi. Mức độ tử vong ở cả nam và nữ là cao ở lứa tuổi 0 đến 4, giảm dần đến nhóm 5-9 tuổi và duy trì ở mức thấp khá ổn định giữa các nhóm tuổi cho đến 40-44 tuổi. Bắt đầu từ nhóm 45-49 tuổi mức độ tử vong tăng nhanh dần cho đến những nhóm tuổi già nhất trong dân số.

 
Hình 2: Mức độ tử vong theo giới tính, độ tuổi và tỷ số tử vong của nam so với nữ
 
 
 

Đường nét liền trong hình 2 cho thấy, mức độ tử vong của nam cao hơn so với của nữ ở tất cả các nhóm tuổi trong dân số. Đặc biệt là ở nhóm 1-4 tuổi, mức độ tử vong ở nam cao hơn khoảng năm lần so với nữ. Càng về những nhóm tuổi cao hơn thì mức độ khác biệt giữa nam và nữ giảm dần và đến những nhóm tuổi cao nhất thì mức độ này giảm dần và chênh lệch không đáng kể (tỷ số tử vong nam/nữ xấp xỉ bằng 1).

Mức độ tử vong ở trẻ em nam cao hơn nhiều so với trẻ em nữ cũng chính là nguyên nhân quan trọng nhất khiến tuổi thọ trung bình tính từ khi sinh của nam thấp hơn của nữ khá nhiều (5,3 năm - kết quả Tổng điều tra năm 2019).

Có thể thấy, tuổi thọ trung bình tại Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể, ngày càng tăng. Đây là một điểm tích cực trong việc nâng cao chất lượng dân số, song cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc hoạch định chính sách dân số thích ứng với già hóa dân số và vấn đề đảm bảo an sinh xã hội đối với người cao tuổi tại Việt Nam. Theo đó, so với thế giới, năm 1960, tuổi thọ bình quân của thế giới là 48,0 tuổi, của dân số Việt Nam là 40,0 tuổi, thấp hơn tuổi thọ bình quân của thế giới 8 tuổi, nếu tính theo mức tăng tuổi thọ bình quân cao nhất là 0,1 tuổi/năm thì cần khoảng 80 năm để tuổi thọ bình quân của Việt Nam tăng lên bằng mức tăng chung của thế giới.

Tuy nhiên, đến năm 2019, tuổi thọ bình quân của thế giới là 72,0 tuổi, của dân số Việt Nam đã là 73,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ bình quân của thế giới 1,6 tuổi, nếu tính theo mức tăng tuổi thọ bình quân cao nhất là 0,1 tuổi/năm thì dân số Việt Nam đã già hóa hơn dân số thế giới khoảng 16 năm. Như vậy tổng thời gian dân số Việt Nam già hóa nhanh so với mức chung của thế giới là khoảng 96 năm. Điều này cho thấy, mặc dù tuổi thọ trung bình của Việt Nam tăng phản ánh mức tăng trong điều kiện sống, song cũng thể hiện rõ xu thế dân số già hóa nhanh ở Việt Nam.

Cùng với đó, Bộ Y tế cho biết, tuy tuổi thọ bình quân của người Việt Nam ngày càng tăng nhưng gánh nặng bệnh tật của người cao tuổi nước ta là rất lớn. Trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh với khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính.

Ngoài ra, đời sống vật chất của người cao tuổi Việt Nam còn thấp. Có tới 68% người cao tuổi nước ta sống ở nông thôn, làm nông nghiệp; 72,3% số người cao tuổi sống cùng con cháu. Tình trạng người cao tuổi sống không có vợ/chồng chiếm tỷ lệ cao, trong đó số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông.

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng tại Việt Nam, đi đôi với tuổi thọ trung bình được nâng lên thì vấn đề già hóa với tốc độ nhanh trong bối cảnh nước ta vẫn là một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp là một thách thức không hề nhỏ. Do đó, thời gian tới bên cạnh các chính sách nhằm nâng cao chất lượng dân số, Việt Nam cần xây dựng đồng bộ các Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi như đã nêu trong mục tiêu của Nghị quyết số 21- NQ/TW ngày 25/10/2017 tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới, đặc biệt là định hướng chuyển đổi từ DS/ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. Trong đó, cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và hệ thống an sinh xã hội, chính sách lao động cho người cao tuổi. Tạo điều kiện cho người cao tuổi tiếp tục tham gia hoạt động kinh tế giúp giải quyết các vấn đề về xã hội, nâng cao mức sống, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ, tăng quy mô sản xuất.

Ngoài ra, với tốc độ già hóa dân số gia tăng nhanh như hiện nay, Việt Nam cần nâng cao nhận thức của xã hội, người dân cần chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già. Trong quá trình hoạch định chính sách dân số ở Việt Nam thời gian tới cần tập trung vào một số nội dung như: Bảo đảm tài chính cho người cao tuổi; giải quyết tốt vấn đề khám, chữa bệnh cho người cao tuổi; đáp ứng nhu cầu chăm sóc xã hội cho người cao tuổi; bố trí cuộc sống phù hợp; khắc phục tình trạng bạo lực và thực hiện đồng bộ các chính sách chăm sóc, bảo vệ đối với người cao tuổi./.
Thu Hòa