Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động Việt Nam nhìn từ kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở 2019

|

Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động Việt Nam nhìn từ kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở 2019

Cùng với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại và sự phát triển của tri thức, người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đang ngày chiếm vai trò quan trọng trong sự nghiệp đổi mới của đất nước. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 đã phản ánh một bức tranh rõ nét về trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động Việt Nam.
 
Trình độ học vấn của lực lượng lao động (LLLĐ)

Sau 10 năm, trình độ học vấn của LLLĐ đã được nâng cao; phân bố LLLĐ theo trình độ học vấn cao nhất đạt được tăng mạnh ở các nhóm trình độ cao và giảm mạnh ở các nhóm trình độ thấp: LLLĐ đã tốt nghiệp THPT trở lên tăng 13,5 điểm phần trăm so với năm 2009 (năm 2019 là 39,1%; năm 2009 là 25,6%); không thay đổi đối với nhóm THCS và giảm mạnh ở 3 nhóm trình độ thấp hơn (chưa bao giờ đi học giảm 1,7 điểm phần trăm; chưa tốt nghiệp tiểu học giảm 5,7 điểm phần trăm; tốt nghiệp tiểu học giảm 6,1 điểm phần trăm).
 
Tỷ lệ lực lượng lao động theo trình độ học vấn, 2009 - 2019
 
                                                                                                                     Đơn vị: %
 
 
Trình độ học vấn của người lao động đã được nâng cao, tuy nhiên, khoảng cách khác biệt giữa các vùng còn khá lớn. Trình độ học vấn của LLLĐ giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn, giữa các vùng kinh tế - 
xã hội có sự chênh lệch đáng kể: Tỷ trọng người tham gia LLLĐ đã tốt nghiệp THPT trở lên ở khu vực thành thị cao gấp hai lần khu vực nông thôn (tương ứng là 58,8% và 29,9%); khoảng cách khác biệt về tỷ trọng dân số tham gia LLLĐ có trình độ THPT trở lên giữa các vùng kinh tế - xã hội cao nhất là gần 30 điểm phần trăm. Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng đạt được thành tựu tốt nhất về nâng cao trình độ học vấn của LLLĐ (tỷ lệ dân số tham gia LLLĐ đạt trình độ THPT trở lên tương ứng là 52,5% và 46,4%), trong khi đó Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ thấp nhất (tương ứng là 28,1% và 22,6%).
 
Trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT)

Toàn quốc có 80,8% dân số từ 15 tuổi trở lên không có trình độ CMKT. Một nửa trong số 19,2% người có
trình độ CMKT là người có trình độ từ đại học trở lên (chiếm 9,3%). Tỷ lệ dân số có CMKT đã tăng lên đáng kể so với năm 2009, tăng 5,9 điểm phần trăm (năm 2009: 13,3%). Tỷ lệ dân số có trình độ đại học trở lên tăng mạnh nhất, gấp hơn hai lần so với năm 2009 (năm 2009: 4,4%). Điều này cho thấy 10 năm qua, giáo dục đại học và trên đại học của Việt Nam đã có những bước chuyển mình, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước. Tuy nhiên, Việt Nam cần chú trọng và nỗ lực hơn nữa trong giáo dục, đào tạo nghề để có được nguồn nhân lực có kỹ năng tốt phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
 
Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên theo trình độ chuyên môn kỹ thuật,
giới tính, thành thị, nông thôn và vùng kinh tế - xã hội
                                                                                                                Đơn vị: %
  
Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo CMKT ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn: Đào tạo trình độ cao đẳng và dưới cao đẳng ở khu vực thành thị cao hơn gần hai lần khu vực nông thôn; đào tạo trình độ đại học và trên đại học ở thành thị cao hơn gần bốn lần so với khu vực nông thôn. Tuy nhiên, không có sự khác biệt đáng kể khi xét theo giới tính, tỷ trọng nam có trình độ từ sơ cấp trở lên cao hơn nữ 2,2 điểm phần trăm, lần lượt là 20,3% và 18,1%.

Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo từ đại học trở lên cao nhất, tương ứng là 13,5% và 11,6%. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có tỷ lệ dân số được đào tạo từ đại học trở lên thấp nhất, chiếm 5,2%.

Dân số từ 15 tuổi trở lên thuộc nhóm “Giàu nhất” có tỷ lệ qua đào tạo cao nhất so với các nhóm mức sống ngũ phân vị, chiếm tới 47,0%, cao hơn 27,8 điểm phần trăm so với tỷ lệ đào tạo CMKT chung của cả nước và cao hơn 41,7 điểm phần trăm so tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo CMKT của nhóm “Nghèo nhất” (5,3%). Tỷ lệ dân số được đào tạo từ đại học trở lên thấp nhất ở nhóm “Nghèo nhất” và tăng dần ở các nhóm mức sống cao hơn và cao nhất ở nhóm “Giàu nhất”.

Có thể nói, sau 10 năm, tỷ lệ dân số có trình độ đại học trở lên đã tăng hơn hai lần. Mức sống càng cao, tỷ lệ dân số có trình độ chuyên môn kỹ thuật càng cao. Đồng bằng sông Hồng là vùng có tỷ lệ dân số đã qua đào tạo cao nhất cả nước, cứ 100 người từ 15 tuổi trở lên thì gần 28 người có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Lao động có việc làm theo trình độ chuyên môn kỹ thuật

Tỷ trọng lao động có việc làm được đào tạo CMKT chiếm 23,1% (hơn ba phần tư lao động có việc làm chưa được đào tạo, chiếm 76,9%). Đa số lao động có việc làm chưa qua đào tạo đang cư trú ở khu vực nông thôn. Tỷ trọng lao động có việc làm và không có CMKT ở khu vực nông thôn cao gấp 1,3 lần ở khu vực thành thị (84,4% so với 60,7%).

Trong số lao động có việc làm có trình độ CMKT, 45,9% lao động được đào tạo CMKT trình độ từ đại học trở lên. Con số này ở khu vực thành thị cao gấp 1,6 lần ở khu vực nông thôn (56,6% so với 33,6%). Nghĩa là ở khu vực thành thị, cứ trong 10 người đã được đào tạo chuyên môn kỹ thuật thì có khoảng 6 người được đào tạo đại học trở lên; trong khi đó, ở khu vực nông thôn, con số này tương đương với khoảng 3 người.

Có thể nói, kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 cho thấy, trong 10 năm qua, mặc dù LLLĐ đã có nhiều cải thiện nâng cao trình độ CMKT, tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Đặc biệt là yêu cầu nhân lực thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tận dụng có hiệu quả thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”./.

 
Thu Hường