Làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát vào những ngày cuối tháng 4/2021 đang rất nguy hiểm đối với Việt Nam, có sức tấn công vô cùng mạnh mẽ với hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, tác động lớn thị trường lao động việc làm nước ta. Trong khó khăn đó, Chính phủ luôn chia sẻ, đồng hành, sát cánh cùng người dân.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến 19h ngày 28/7, cả nước ghi nhận 120.800 ca nhiễm virus. Tính riêng từ ngày 27/4/2021 đến nay, làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 đã xuất hiện tại 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và có gần 118.000 ca nhiễm gồm 117.000 ca trong nước và gần 1.000 ca nhập cảnh.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến 19h ngày 28/7, cả nước ghi nhận 120.800 ca nhiễm virus. Tính riêng từ ngày 27/4/2021 đến nay, làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 đã xuất hiện tại 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và có gần 118.000 ca nhiễm gồm 117.000 ca trong nước và gần 1.000 ca nhập cảnh.
Nguồn: Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế
Sự bùng phát mạnh mẽ của đợt dịch lần thứ 4 và đang tiếp tục có diễn biến phức tạp đã khiến cho hoạt động sản xuất nhiều địa phương tê liệt, sức chống chịu của các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn và có thương hiệu trên thị trường bị giảm sút do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài. Trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%. Trung bình mỗi tháng có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng dưới tác động tiêu cực trên của đại dịch Covid-19 lần thứ 4 và ngay cả những những khó khăn của các doanh nghiệp dù vẫn đang duy trì hoạt động sản xuất đã kéo theo sự ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động, việc làm nước ta.
Kết quả điều tra lao động việc làm quý II/2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ riêng trong quý II năm nay, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…; tăng thêm 3,7 triệu lao động so với quý I/2021. Nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm lao động ở độ tuổi từ 25-54 với 75% lao động bị ảnh hưởng.
Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 557 nghìn người bị mất việc, chiếm 4,4%; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%.
Hình 1: Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực chia theo tình trạng tham gia thị trường lao động, Quý I và Quý II năm 2021
Đơn vị tính: %
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Trong cơn bão đại dịch lần thứ 4, lao động có việc làm trong quý II năm 2021 giảm so với quý trước; số người có việc làm phi chính thức là 20,9 triệu người, tăng 251,4 nghìn người so với quý trước và tăng 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước, đưa quý II năm 2021 trở thành quý có tỷ lệ lao động phi chính thức ở mức cao nhất so với các quý khác trong vòng 3 năm trở lại đây. Điều này chứng tỏ những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đã không chỉ tước đi cơ hội có việc làm của 1,8 triệu lao động mà còn đẩy 1,4 triệu lao động khác rơi vào trạng thái dễ bị tổn thương do không có việc làm chính thức.
Sự tác động của đại dịch đến thị trường việc làm Việt Nam đã khiến thu nhập bình quân tháng của người lao động quý II/2021 chỉ đạt 6,1 triệu đồng, giảm 226 nghìn đồng so với quý trước. Đà phục hồi và tăng trưởng thu nhập bình quân từ công việc chính của người lao động bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, sự lan rộng của dịch bệch Covid-19 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động quý II/2021 là gần 1,2 triệu người, tăng 87,1 nghìn người so với quý trước, tương ứng với tỷ lệ tăng là 0,2 điểm phần trăm. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 đến 24 tuổi) duy trì ở mức cao là 7,47%, cao hơn thời điểm cùng kỳ khi chưa có dịch (năm 2019) là 0,97 điểm phần trăm và cao gấp gần 3 lần tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi.. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo tiếp tục tăng.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, ngày 01/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với khoản trợ cấp 26.000 tỷ nhằm hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.
Về nội dung hỗ trợ, Chính phủ quyết nghị thực hiện 12 chính sách: (1) Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; (2) Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; (3) Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; (4) Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; (6) Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; (7) Hỗ trợ bổ sung và trẻ em; (8) Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0); (9) Hỗ trợ một lần đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV; (10) Hỗ trợ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; (11) Cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; (12) Chính sách hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.
Chỉ sau chưa đầy 1 tuần sau công bố, Thủ tướng Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg hướng dẫn hồ sơ, thủ tục nhận hỗ trợ gói an sinh 26.000 tỷ đồng Nghị quyết 68. Đến ngày 15/7, những khoản tiền hỗ trợ đầu tiên đã đến tay người lao động thuộc diện được hỗ trợ và chính quyền các địa phương đang tiếp tục rà soát, bổ sung danh sách hỗ trợ. Điều này khẳng định, Chính phủ và các bộ, ngành đã cố gắng cao nhất để đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Có thể nói Nghị quyết 68 là “cuộc cách mạng táo bạo”, một quyết sách kịp thời, đúng lúc, không chỉ bám sát thực tiễn để đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ của Chính phủ mà còn thể hiện tính nhân văn của chính sách khi mở rộng cả phạm vi, hình thức và đối tượng hỗ trợ, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch. Không chỉ là giải pháp hỗ trợ rất thiết thực và phù hợp, các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 còn giúp người lao động và doanh nghiệp có thêm nguồn lực, đủ sức tự đứng vững vượt qua tác động tiêu cực của dịch bệnh. Ví dụ như chính sách cho vay trả lương ngừng việc và cho vay trả lương phục hồi sản xuất hay chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động với mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/ người lao động/ tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.
Có thể nói Nghị quyết 68 là “cuộc cách mạng táo bạo”, một quyết sách kịp thời, đúng lúc, không chỉ bám sát thực tiễn để đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ của Chính phủ mà còn thể hiện tính nhân văn của chính sách khi mở rộng cả phạm vi, hình thức và đối tượng hỗ trợ, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch. Không chỉ là giải pháp hỗ trợ rất thiết thực và phù hợp, các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 còn giúp người lao động và doanh nghiệp có thêm nguồn lực, đủ sức tự đứng vững vượt qua tác động tiêu cực của dịch bệnh. Ví dụ như chính sách cho vay trả lương ngừng việc và cho vay trả lương phục hồi sản xuất hay chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động với mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/ người lao động/ tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.
Bên cạnh gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68, Chính phủ và chính quyền các địa phương còn chia sẻ, đồng hành với người dân qua những điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho người dân trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội; lập các trung tâm cứu trợ, đường dây nóng, tổ tình nguyện để hỗ trợ người dân mọi lúc, mọi nơi, mọi vấn đề.
Thực hiện công điện khẩn của Thủ tướng về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, từ 0h ngày 19/7/2021, 19 tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Tại nhiều địa phương khác cũng siết chặt các biện pháp phòng chồng dịch. Chắc chắn rằng với điều này, người lao động sẽ còn gặp khó khăn hơn, song sự đồng hành của Chính phủ sẽ giúp người lao động có thêm niềm tin, động lực và khả năng chống chịu, vượt qua sóng lớn lần này./.
Ngọc Linh