Phụ nữ Việt Nam: Dấu ấn nổi bật giai đoạn 2017-2022 và những quyết tâm trong phong trào thi đua giai đoạn tiếp theo

|

Phụ nữ Việt Nam: Dấu ấn nổi bật giai đoạn 2017-2022 và những quyết tâm trong phong trào thi đua giai đoạn tiếp theo

Với nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển của đất nước, vị trí và vai trò của phụ nư Việt Nam đang ngày càng được khẳng định. Theo đó, không chỉ làm tròn bổn phận của người phụ nữ trong thời kỳ trước “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, mà ngày nay, dù ở bất kỳ hoàn cảnh và vị trí lao động, công tác nào, phụ nữ Việt Nam cũng luôn phát huy giá trị truyền thống và phẩm chất tốt đẹp, đoàn kết, thông minh, năng động, sáng tạo, nhân ái... đóng góp to lớn vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
 
Những dấu ấn nổi bật của phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2017-2022

Báo cáo tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (tháng 3/2022) của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho thấy, 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp phụ nữ trong cả nước đã đoàn kết, kiên cường, nỗ lực góp phần tạo nên những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới có những tiến bộ rõ nét, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ khẳng định phẩm chất tốt đẹp, tiềm năng to lớn và vai trò quan trọng trong gia đình, xã hội.

Chiếm khoảng hơn 50% dân số và 46,5% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ Việt Nam có mặt và chủ động tham gia trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, ở mọi vùng miền của Tổ quốc. Các tầng lớp phụ nữ đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo trong học tập, lao động và công tác; đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…; đồng thời, là nhân tố đặc biệt quan trọng, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Một số dấu ấn nổi bật của phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2017-2022 được kể tới như: Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ ngày càng ý thức được quyền và trách nhiệm công dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Hàng triệu phụ nữ đã đóng góp những ý kiến tâm huyết vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tham gia các cuộc tham vấn chính sách, đối thoại với người đứng đầu; hăng hái tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp tăng so với nhiệm kỳ trước. Năm 2021, lần đầu tiên nước ta đã đạt tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội trên 30%, cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực, đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 50%. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam đã có bước tiến về tăng tỷ lệ phụ nữ tham chính; đứng thứ ba trong khu vực ASEAN và thứ 47 trong 187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính.

 


Ảnh minh họa: Nguồn internet

 
Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, phụ nữ cũng đã thể hiện vai trò chủ lực trong phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học tăng lên đáng kể. Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, xếp thứ 9/58 quốc gia, nền kinh tế được nghiên cứu; nhiều doanh nhân nữ có uy tín và xếp hạng cao trong khu vực và thế giới. Thông qua các chương trình, đề án của các cấp, các ngành, các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp… phụ nữ đã được cung cấp kiến thức, thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo, phát huy khả năng và năng lực của mình trong khởi sự kinh doanh.

Với đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, gần 73 nghìn phụ nữ đã khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thành công với gần 164 nghìn tỉ đồng được các cấp Hội hỗ trợ; 87 nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh do nữ làm chủ được nâng cao năng lực về thương mại điện tử. Cùng với đó, các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ ngày càng có tiềm năng, phù hợp với nhu cầu của cộng đồng và bắt kịp với sự chuyển động của kinh tế quốc gia lẫn khu vực. Nhiều chị em đã tiếp cận và làm chủ quy trình sản xuất, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm chủ lực, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu và đưa nông nghiệp thành “bệ đỡ” của nền kinh tế trong những năm gần đây.

Không chỉ tích cực đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội từ các hoạt động khởi nghiệp, các cấp Hội, đơn vị, tổ chức còn thông qua việc đổi mới công tác tuyên tuyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc, tính tự chủ của phụ nữ trong gia đình và xã hội cũng tiếp tục được nâng cao. Hội viên, phụ nữ chính là những thành phần tích cực và quan trọng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, trọng tâm là cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (5 không gồm: Không đói nghèo, không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học. 3 sạch gồm: Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) với gần 13 triệu hộ gia đình đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch”. Ngoài ra, các hoạt động của hội viên, phụ nữ tham gia vào công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được thực hiện đa dạng, sáng tạo, tạo ra sự thay đổi trong ý thức, trách nhiệm đối với môi trường. Gần 17 nghìn công trình, phần việc giữ gìn, bảo vệ môi trường do các chi Hội/tổ phụ nữ đảm nhiệm đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, khẳng định vai trò của tổ chức Hội ở cơ sở.

Đặc biệt, 2 năm gần đây, trong cuộc chiến chống Covid - 19, phụ nữ Việt Nam đã góp mặt trên hầu hết các đội hình ở tuyến đầu: Bác sĩ, nhân viên y tế; các nhà khoa học nữ tham gia vào công trình nghiên cứu vắc xin; nữ cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang tại các điểm kiểm soát, khu cách ly đến những hội viên, phụ nữ, cán bộ Hội phụ nữ cấp cơ sở tham gia các tổ y tế; tổ phòng, chống Covid tại cộng đồng… Nhiều chương trình thiết thực, ý nghĩa, mang đậm dấu ấn của tổ chức Hội và phụ nữ đã được triển khai thực hiện, góp phần nhân thêm niềm tin, lan tỏa hành động đẹp trong cộng đồng. Tiêu biểu là các chương trình“Mẹ đỡ đầu”, “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, “Đi chợ giúp dân”; Gian hàng 0 đồng”;“Bếp cơm mùa dịch”... Phụ nữ cả nước với tấm lòng yêu thương, nhân ái đã phát huy cao độ tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, trách nhiệm, tích cực tham gia thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế.

Cùng với đó, trong tiến trình hội nhập toàn diện của đất nước, phụ nữ trong lực lượng vũ trang và lĩnh vực đối ngoại tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh đất nước, khẳng định cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của Việt Nam như một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Các nữ đại sứ, nữ cán bộ ngoại giao, nữ công an, nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã trở thành các “sứ giả” của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của nước ta trong hoạt động đối ngoại…

Cũng trong giai đoạn 2017-2022, nhiều phụ nữ Việt Nam được giao đảm nhiệm các vị trí chủ chốt trong các cơ quan Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của công tác hội, góp phần tham mưu đề xuất thành công một số Đề án của Chính phủ, cụ thể như: Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” (Đề án 938); Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”(Đề án 939) và Đề án “Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019 - 2025” (Đề án 1893); 03 chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan đến Phụ nữ là: Cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không 3 sạch” vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Dự án 8 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây đều là những Đề án, chương trình quan trọng, có ý nghĩa tới sự phát triển, nâng cao năng lực cho phụ nữ và tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy được tiềm lực, khả năng của mình trong tương lai…

Có thể thấy, phụ nữ Việt Nam các thế hệ nối tiếp ngày nay đã có sự đóng góp bền bỉ, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, thực hiện tốt thiên chức người mẹ, người thầy đầu tiên của con người; là điểm tựa tinh thần, gắn kết yêu thương và chia sẻ trách nhiệm chăm lo xây dựng gia đình; trao truyền các giá trị văn hóa trong gia đình và cộng đồng, đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

 

Tiếp tục khơi dậy tiềm năng sức sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết của phụ nữ trong giai đoạn tiếp theo

Để tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết của phụ nữ, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022- 2027 đã phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước thực hiện Phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”… đây cũng chính là sự cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tại Đại hội, một số giải pháp chủ yếu nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh trong thời gian tới được xác định:

Xây dựng người phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế. Vận động phụ nữ phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, kết hợp giữa giá trị truyền thống với giá trị thời đại; rèn luyện phẩm chất đạo đức “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; khuyến khích phụ nữ chủ động học tập, nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt.

Phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, nhất là phụ nữ lãnh đạo, quản lý, trí thức, doanh nhân, phụ nữ tài năng trên các lĩnh vực… Kết nối, tư vấn, hỗ trợ giải quyết khó khăn và phát huy vai trò của một số nhóm phụ nữ đặc thù.

Đặc biệt, các đơn vị, tổ chức Hội về phụ nữ cần tích cực triển khai thực hiện tốt chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2021-2025; dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình mục tiêu quốc gia“Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030”. Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế theo hướng phát huy thế mạnh của các nhóm phụ nữ và tổ chức Hội.

Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Triển khai cuộc vận động“Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với các tiêu chí cụ thể, phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.

Thực hiện tốt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình, tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ; vận động xã hội xây dựng cộng đồng an toàn cho phụ nữ, trẻ em.
Thí điểm và nhân rộng các mô hình bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành trong phát hiện, lên tiếng, bảo vệ, kiến nghị, giải quyết các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em.

Tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho phụ nữ phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Vận động, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận kinh tế số, sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, góp phần thực hiện chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”; Hỗ trợ thành lập, nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ quản lý; Phát huy vai trò, thế mạnh của Hiệp hội, Hội, Câu lạc bộ nữ doanh nhân. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Đề án, chương trình Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; tập trung hỗ trợ phụ nữ phát huy nội lực, giúp nhau giảm nghèo bền vững; Nâng cao chất lượng các hoạt động tín dụng, tiết kiệm, tài chính vi mô. Mở rộng liên kết đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm theo nhu cầu của thị trường lao động…

Với sự nỗ lực, quyết tâm và thống nhất đồng lòng của các cấp ủy, chính quyền, địa phương, các ngành, các đơn vị, tổ chức chính trị-xã hội, hiệp hội… tin tưởng rằng phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục được khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết để đóng góp công sức vào sự nghiệp đổi mới hội nhập và phát triển của đất nước trong giai đoạn tiếp theo./.
Thu Hòa