Trong 2 năm vừa qua, cơn bão dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân trong toàn xã hội. Trong đó người cao tuổi, đặc biệt là những người có bệnh nền như hen, đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp... dễ bị tổn thương nhất, có nguy cơ lây nhiễm và tử vong cao hơn so với các lứa tuổi khác. Bởi vậy đây là đối tượng đã và đang nhận được sự ưu tiên chăm sóc của Chính phủ trong ứng phó với dịch bệnh.
Theo kết quả điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình của Tổng cục Thống kê, tổng dân số của Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2020 là 97,2 triệu người. Trong đó, người cao tuổi (trên 65 tuổi) là gần 7,8 triệu người, chiếm tỷ lệ 8% trong tổng dân số cả nước. Qua kết quả phân tích, tháng 4/2020 Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y) tế cho biết, phần lớn ngưởi cao tuổi (NCT) mắc nhiều bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành… Trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh, trên 80 tuổi 6,8 bệnh.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, Chính phủ và ngành Y tế Việt Nam luôn coi NCT là đối tượng ưu tiên trong công tác phòng, chống cũng như điều trị dịch bệnh Covid-19. Để công tác chăm sóc NCT được thực hiện tốt ở các cơ sở y tế các cấp cũng như trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho NCT, ngay từ tháng 4/2020, thời điểm dịch bệnh mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu bùng phát ở nước ta, Bộ Y tế đã kịp thời ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn tạm thời quản lý sức khỏe người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tại tuyến y tế cơ sở trong bối cảnh dịch Covid-19” và “Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe phòng chống dịch Covid-19 cho người cao tuổi tại cộng đồng”, với các hướng dẫn cụ thể về tuyên truyền phòng bệnh, nâng cao sức khoẻ cho NCT, người mắc bệnh mạn tính. Các tài liệu này nhằm hướng dẫn cán bộ y tế cơ sở phối hợp với cơ sở y tế tuyến trên cùng với chính quyền, các ban ngành đoàn thể địa phương vừa thực hiện nhiệm vụ dự phòng lây nhiễm Covid-19 cho NCT vừa bảo đảm điều trị có hiệu quả cho bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính tại cộng đồng trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh. Với mong muốn NCT cũng như mọi người thân, người chăm sóc NCT được tiếp cận đầy đủ những thông tin chăm sóc NCT mắc bệnh Covid-19, Bộ Y tế còn truyền tải các hướng dẫn đến cộng đồng với nhiều kênh khác nhau như: Các bài viết trên website của Bộ Y tế, các sở y tế địa phương và các cơ sở y tế điều trị; Video hướng dẫn trên Youtube…
Bên cạnh đó, để chủ động phòng bệnh Covid-19 cho NCT, trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống Covid-19 trên cả nước, NCT cũng là nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin trong danh sách 11 nhóm đối tượng được sắp xếp tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam, chỉ sau các lực lượng tham gia phòng chống dịch và giáo viên.
Trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực đến đời sống của nhiều người dân trong xã hội, NCT còn là một trong những đối tượng trọng tâm trong hàng loạt các Nghị định của Chính phủ quy định việc thực hiện một số chính sách trợ giúp xã hội. Điển hình là Nghị định 20/2021/NĐ-CP về việc quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội được ban hành ngày 15/3/2021, trong đó nêu rõ những đối tượng NCT được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và mức hỗ trợ mai táng phí đối với NCT từ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất bảo hiểm xã hội hàng tháng…
Đặc biệt, trước tình hình ca nhiễm mới liên tục cao mỗi ngày cùng sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, cuối tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 1815/CĐ-TTg, yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và tổ chức thực hiện quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn, tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ cao, tình trạng bệnh nền đang được điều trị, tình trạng sức khỏe, nhu cầu hỗ trợ nhằm giảm số bệnh nhân nặng và tử vong do Covid-19.
Tại các cơ sở y tế, mặc dù việc điều trị với người già thực sự khó khăn, song đội ngũ các y bác sĩ trong các cơ sở y tế đã không ngừng nỗ lực chăm sóc, điều trị, cứu chữa nhiều bệnh nhân là NCT chiến thắng với Covid-19. Thấu hiểu nỗi cô đơn, khó khăn của NCT khi không có người thân bên cạnh, các y bác sĩ còn trở thành những “người bạn”, kết nối các bệnh nhân cao tuổi với người thân và dành thời gian trò chuyện, động viên tinh thần để người bệnh sớm hồi phục sức khoẻ trở về bên gia đình.
Trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều hoạt động quan tâm, chăm sóc người cao tuổi cũng đã được đẩy mạnh góp phần hỗ trợ, động viên, giúp họ vượt qua khó khăn. Ví dụ như Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam đã thăm hỏi và trao tặng hàng trăm suất quà hỗ trợ cho NCT gặp khó khăn ở các điểm nóng dịch như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh phía Nam…
Trong tinh thần thực hiện các chủ trương chung theo chỉ đạo của Chính phủ, các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là các điểm nóng dịch bệnh cũng đã xây dựng kế hoạch phân bổ vắc xin, ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 cho người từ 65 tuổi trở lên với tiêu chí an toàn đặt lên hàng đầu và có những giải pháp cụ thể bảo vệ sức khỏe NCT phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương trong từng giai đoạn.
Là tâm dịch trong làn sóng dịch bệnh lần thứ 3, các nhân viên y tế TP Hồ Chí Minh đã“đi từng ngõ, gõ từng nhà” để thông báo, động viên NCT đi tiêm chủng phòng Covid-19. Với đặc thù của NCT, công tác tiêm chủng cho nhóm đối tượng này được bố trí tại các điểm tiêm phù hợp, thậm chí là tiêm tại nhà. Bên cạnh đó, công tác khám trước tiêm và theo dõi sau tiêm đối với NCT được thực hiện rất kỹ lưỡng tại các điểm tiêm.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Do tình hình thực tế số ca tử vong do Covid-19 trên cả nước hầu hết là NCT, người có bệnh nền và số ca mắc mới vẫn có xu hướng tăng nhanh do biến chủng mới Omicron, giữa tháng 2 mới đây, TP. Hồ Chí Minh đã phát động triển khai đợt cao điểm thực hiện chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trên 65 tuổi, bao gồm xét nghiệm, điều trị và tiêm vắc xin Covid-19 cho người chưa tiêm, nhằm giảm số trường hợp mắc Covid-19 nặng và góp phần giảm tử vong.
Để đảm bảo thực hiện thành công chiến dịch trên, UBND TP chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường, xã, thị trấn rà soát kỹ từng đối tượng để cập nhật danh sách những người thuộc nhóm nguy cơ cao (trong đó có đối tượng NCT trên 65 tuổi có kèm bệnh nền) trước ngày 15/3; đồng thời hoàn thành triển khai thực hiện xét nghiệm test nhanh Covid-19 đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao theo danh sách trước ngày 20/3. Trên cơ sở đó, NCT sẽ được theo dõi sức khỏe tại nhà và được tư vấn từ xa qua mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” với kết quả xét nghiệm âm tính hoặc được cấp uống thuốc kháng vi rút, chăm sóc, theo dõi theo hướng dẫn của Sở Y tế về “Hướng dẫn gói thuốc chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0” với kết quả xét nghiệm dương tính. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường, xã, thị trấn đồng thời phải tuyên truyền, thuyết phục và triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho tất cả người thuộc nhóm nguy cơ cao nhưng chưa được tiêm trước ngày 29/3. Bên cạnh đó, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh còn chỉ đạo cách ly người nhiễm Covid-19 (F0) xa người nhóm nguy cơ cao để đảm bảo giảm thiểu thấp nhất nguy cơ mắc Covid-19.
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2021 đã khiến gần 400 NCT rơi vào cảnh sống neo đơn. Với mong muốn san sẻ những khó khăn mà NCT đã phải đối mặt trong làn sóng dịch bệnh, ngoài việc hưởng của chính sách trợ cấp xã hội theo quy định của Chính phủ, Sở đã đề xuất chính sách đặc thù của TP để chăm lo, hỗ trợ cho nhóm đối tượng này như: Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được hưởng chính sách 100%, không đóng thêm bất kỳ khoản phí nào khi đi khám chữa bệnh nội, ngoại trú, viện phí; cấp thẻ miễn phí khi đi lại bằng phương tiện công cộng, vé vào cửa các khu vui chơi giải trí, văn hóa, văn nghệ; tham gia các câu lạc bộ, thể dục thể thao; các dịch vụ tốn phí khác; cấp số tài khoản ngân hàng/thẻ ATM. Cùng với đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh còn đề xuất các mức hỗ trợ với từng đối tượng NCT cụ thể.
Cũng giống như TP. Hồ Chí Minh, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, từ đầu tháng 9/2021, Hà Nội đã ưu tiên tiêm vắc xin Pfizer phòng Covid-19 cho người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính. Tại các điểm tiêm, người cao tuổi được khám sàng lọc, đo huyết áp và tiêm chủng đúng quy trình đảm bảo an toàn theo chỉ đạo của Thành phố.
Để bảo vệ nhóm đối tượng NCT trước tình hình số ca mắc mới mỗi ngày luôn dẫn đầu cả nước kể từ đầu năm đến nay, ngày 17/2 vừa qua, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 trên địa bàn, nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong… Kế hoạch yêu cầu huy động sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành tham gia triển khai thực hiện kế hoạch một cách đồng bộ và sử dụng mọi nguồn lực để quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19. Bên cạnh đó, hàng loạt các công tác được chỉ đạo thực hiện như: Lập danh sách; tổ chức quản lý và theo dõi sức khỏe; xét nghiệm tầm soát phát hiện F0 đối với nhóm nguy cơ; rà soát, tổ chức tiêm vắc-xin người thuộc nhóm nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế; hỗ trợ tối đa người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ trong việc theo dõi, chăm sóc và xử trí các tác dụng phụ nhẹ của các thuốc điều trị. Kế hoạch cũng đồng thời đặt ra giải pháp chăm sóc và theo dõi sức khỏe cho người thuộc nhóm nguy cơ.
Cùng với TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhiều địa phương khác trong cả nước đều có những biện pháp phòng, tránh, chăm sóc và điều trị đặc thù riêng để đảm bảo sức khỏe cho NCT trên địa bàn.
Có thể nói dịch Covid-19 tạo ra cú sốc tâm lý rất lớn đối với những NCT. Sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua đã là động lực để NCT vượt qua những khó khăn trong dịch bệnh và thích nghi với cuộc sống bình thường mới./.
ThS. Lê Thị Thu Trang - ThS. Đỗ Thu Hương
Đại học Lao động Xã hội
Đại học Lao động Xã hội