Hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giám đốc nữ - Các yếu tố tác động

|

Hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giám đốc nữ - Các yếu tố tác động

Phụ nữ ngày càng được đánh giá cao trong nhiều lĩnh vực, chiếm giữ nhiều vị trí quan trọng và được xã hội ghi nhận, doanh nghiệp (DN) có giám đốc là nữ có những đóng góp đáng kể trong cộng đồng doanh nghiệp những năm qua. Năm 2020, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, sau đó lan rộng và diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và DN có giám đốc là nữ nói riêng. Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và thách thức, việc nâng cao hiệu quả kinh doanh là một áp lực không nhỏ, dựa vào kết quả của Tổng điều tra kinh tế năm 2021 xem xét các yếu tố tác động đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN có giám đốc là nữ. Qua đó có những chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện cho DN có giám đốc là nữ ngày càng tự tin và phát triển.

Thực trạng Doanh nghiệp có giám đốc là nữ theo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021

Năm 2020, với tổng số 188.080 Doanh nghiệp có giám đốc là nữ đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (DN giám đốc nữ), thu hút 2,5 triệu lao động, đầu tư 6,9 triệu tỷ vốn cho sản xuất kinh doanh, tạo ra 4,7 triệu tỷ đồng doanh thu và 45,5 nghìn tỷ đồng lợi nhuận.

Theo khu vực kinh tế: DN giám đốc nữ tập trung chính ở khu vực dịch vụ (chiếm 76,9% số lượng DN), có nguồn vốn cao nhất (chiếm 74,9%) và tạo ra nhiều doanh thu nhất (chiếm 69,9%) nhưng thu hút lao động chỉ cao hơn khu vực công nghiệp và xây dựng 1,9 điểm % (số DN chỉ chiếm 22,4% nhưng thu hút 48,7% lao động trong toàn bộ DN giám đốc nữ).

Theo loại hình doanh nghiệp: Cùng xu hướng chung của toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam, DN giám đốc nữ chủ yếu thuộc loại hình ngoài nhà nước (chiếm 98,7% trong tổng số DN giám đốc nữ), thu hút lực lượng lao động nhiều nhất với 80,7%, tổng nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh chiếm 89,3%, tạo ra 86,7% doanh thu.

Theo quy mô doanh nghiệp: DN giám đốc nữ chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ cao nhất với 95,3% tổng số DN giám đốc nữ. Nhưng thu hút nhiều lao động nhất (chiếm 49,2%), nguồn vốn chiếm 47,8% và tạo ra doanh thu nhiều nhất thuộc nhóm doanh nghiệp lớn (số lượng doanh nghiệp chỉ chiếm 2,8%).

Theo vùng kinh tế: Số lượng DN giám đốc là nữ tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội với tỷ lệ lần lượt là 33,8% và 21,6%, cũng thu hút nhiều lao động nhất với 23,9% và 18%, nguồn vốn lần lượt 31,4% và 26,1%, doanh thu tạo ra cũng nhiều nhất với 29,3% và 22,4%.

 

Phụ nữ ngày càng được đánh giá cao trong nhiều lĩnh vực, chiếm giữ nhiều vị trí quan trọng

Nhóm chỉ tiêu sinh lợi ở DN giám đốc nữ

Theo khu vực kinh tế: DN công nghiệp và xây dựng có tỷ suất sinh lợi trên doanh thu (ROA) cao nhất với 2,5%; tỷ suất sinh lợi trên tài sản (ROA) đạt 2,2%; tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 5,2%.

Theo loại hình doanh nghiệp: DN có vốn đầu tư nước ngoài có tỷ suất sinh lợi cao nhất với ROS đạt 7,2%, ROA đạt 5,3% và ROE đạt 13,8%.

Theo quy mô doanh nghiệp: DN thuộc nhóm quy mô lớn có tỷ suất sinh lợi cao nhất với ROS đạt 1,9%, ROA đạt 1,6% và ROE đạt 6,2%.

Theo vùng kinh tế, tỷ suất sinh lợi đạt cao nhất ở vùng Đông Nam bộ với ROS đạt 3,1%, ROA đạt 3,6% và ROE với 9%.

Nhóm chỉ tiêu hiệu quả sử dụng lao động

Hiệu suất sử dụng lao động bình quân của DN giám đốc nữ đạt 18,1% (trong khi hiệu suất sử dụng lao động bình quân toàn bộ doanh nghiệp năm 2020 đạt 16,5 lần).

Theo khu vực kinh tế: DN giám đốc nữ khu vực dịch vụ có hiệu suất sử dụng lao động cao nhất đạt 24,2 lần, doanh thu bình quân 1 lao động đạt 2,6 tỷ đồng và thu nhập bình quân 1 tháng của người lao động là 8,9 triệu đồng.

Theo loại hình doanh nghiệp: DN nhà nước có hiệu suất sử dụng lao động cao nhất là 24,1 lần, doanh thu bình quân một lao động 4,4 tỷ đồng và thu nhập bình quân tháng của người lao động 15 triệu đồng.

Theo quy mô doanh nghiệp: DN có quy mô vừa có hiệu suất sử dụng đạt cao nhất với 24,1 lần, doanh thu bình quân một lao động 2,5 tỷ đồng và thu nhập bình quân tháng của một lao động đạt thứ hai với 8,7 triệu đồng, thu nhập bình quân cao nhất thuộc về doanh nghiệp có quy mô lớn với 10,6 triệu đồng.

Có rất nhiều chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này chỉ tập trung vào phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hai chỉ tiêu phản ánh hiệu quả của doanh nghiệp, đó là chỉ tiêu tỷ suất sinh lợi trên doanh thu (ROS) và chỉ tiêu hiệu suất sử dụng lao động qua kết quả Tổng điều tra Kinh tế năm 2021.

Yếu tố tác động đến ROS của DN giám đốc nữ

Phân tích dựa trên mô hình với biến phụ thuộc là tỷ suất sinh lợi trên doanh thu (ROS) và các biến độc lập hay còn gọi là các biến giải thích gồm đặc điểm của giám đốc DN (giới tính, dân tộc, trình độ chuyên môn), đặc điểm của doanh nghiệp: Quy mô doanh nghiệp, loại hình doanh nghiệp, ngành kinh tế (ngành cấp 1), vùng kinh tế, doanh nghiệp có sử dụng internet, có website, có sử dụng phần mềm, doanh nghiệp có xuất nhập khẩu.

Trình độ chuyên môn của giám đốc, DN giám đốc nam hay nữ thì ROS đều tăng lên theo trình độ của giám đốc và đạt cao nhất ở trình độ tiến sỹ, ở các trình độ thì mức tăng ROS của doanh nghiệp có giám đốc nam luôn cao hơn ở DN giám đốc nữ, tuy nhiên với trình độ là thạc sỹ ở giám đốc là nữ, có mức tăng ROS cao nhất khoảng 51% (cao hơn mức tăng của giám đốc nam 41,9%) so với giám đốc chưa qua đào tạo hoặc được đào tạo dưới 3 tháng.

Về đặc điểm khác như có ứng dụng công nghệ, có xuất nhập khẩu, có thể thấy DN giám đốc nữ có xuất nhập khẩu thì ROS có cơ hội tăng cao hơn khoảng 41% so với doanh nghiệp không có hoạt động xuất nhập khẩu (trong khi đó ở DN giám đốc nam thấp hơn với mức khoảng 30%). Nếu doanh nghiệp có website thì ROS đều có khả năng tăng hơn ở cả DN giám đốc nữ và nam.

Theo loại hình doanh nghiệp, với biến đối chứng là doanh nghiệp nhà nước và các đặc điểm khác của doanh nghiệp là giống nhau, nếu doanh nghiệp ngoài nhà nước thì nguy cơ ROS của DN giám đốc nữ sẽ bị giảm khoảng 1,18 lần so với doanh nghiệp nhà nước (tương ứng ở DN giám đốc nam giảm khoảng 78,6%). Trong khi đó, DN giám đốc nữ có vốn đầu tư nước ngoài thì không có ý nghĩa thống kê đối với ROS (giám đốc nam tăng khoảng 67,15%).

Theo ngành kinh tế, DN giám đốc nữ thuộc 4 nhóm ngành cấp 1 có khả năng ảnh hưởng ROS thấp hơn ngành đối chứng (Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản), trong khi đó DN giám đốc nam hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc 9 ngành cấp 1 thấp hơn ngành đối chứng và mức thấp lại nhiều hơn so với ngành tương ứng ở DN giám đốc nữ. DN giám đốc nữ ở nhóm ngành dịch vụ như kinh doanh bất động sản, tài chính, giáo dục đào tạo, vui chơi giải trí, các dịch vụ khác đều có cơ hội tăng ROS khá cao so với ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Theo quy mô doanh nghiệp, ở DN giám đốc nam và DN giám đốc nữ thì ROS có nguy cơ giảm nhiều hơn khi mà quy mô doanh nghiệp càng lớn và giảm cao nhất ở doanh nghiệp có quy mô vừa, DN giám đốc nữ có ROS có nguy cơ giảm khoảng 1,45 lần so với doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ.

Theo vùng kinh tế, ROS ở hầu hết các vùng của cả doanh nghiệp giám đốc nam và DN giám đốc nữ đều có cơ hội tăng cao hơn so với vùng đối chứng (vùng Đồng bằng sông Hồng). DN giám đốc nữ, ROS có khả năng tăng cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 86,7%, tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh với 55,7%, thấp nhất vùng Trung du và miền núi phía Bắc chỉ với khoảng 15,6%.

Tóm lại, các yếu tố ảnh hưởng tăng cao nhất đến ROS ở DN giám đốc nữ phải kể đến: Giám đốc có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ (nhóm đối chứng đào tạo dưới 3 tháng), doanh nghiệp có xuất nhập khẩu, có website, doanh nghiệp ở nhóm ngành dịch vụ (nhóm đối chứng nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản); doanh nghiệp có quy mô nhỏ và doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ (vùng đối chứng là Đồng bằng sông Hồng). Ở chiều ngược lại, các yếu tố có nguy cơ ảnh hưởng tăng thấp hoặc giảm ROS của DN giám đốc nữ: Trình độ đại học có mức tăng thấp nhất; ngành có nguy cơ giảm nhiều nhất là ngành Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; doanh nghiệp có quy mô vừa có nguy cơ giảm cao nhất và vùng có nguy cơ tăng thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Yếu tố tác động đến hiệu quả suất sử dụng lao động của DN có giám đốc là nữ

Hiệu suất sử dụng lao động ở DN giám đốc nam hay nữ đều có xu hướng giảm dần khi trình độ chuyên môn của giám đốc càng cao, và giảm nhiều nhất ở trình độ tiến sỹ. Với nhóm đối chứng là nhóm doanh nghiệp có giám đốc chưa qua đào tạo hoặc đào tạo dưới 3 tháng thì hiệu suất sử dụng lao động có nguy cơ giảm dần tương ứng với trình độ tăng dần của giám đốc. Điều này có thể không cùng xu hướng với một số ý kiến cho rằng khi trình độ giám đốc càng cao thì hiệu suất sử dụng lao động sẽ tỷ lệ thuận với trình độ của giám đốc. Tuy nhiên, điều này cũng chứng tỏ rằng ở những doanh nghiệp giám đốc có trình độ càng cao thì tổng thu nhập bình quân của người lao động sẽ càng cao, hay nói cách khác có thể hiệu suất sử dụng lao động không cao, nhưng về mặt đời sống của người lao động sẽ tăng lên ở những nhóm doanh nghiệp giám đốc có trình độ cao. Ngoài ra, việc áp dụng máy móc công nghệ hiện đại đòi hỏi trình độ người lao động cao, đây cũng là nguyên nhân khiến thu nhập người lao động nhận được tương xứng. Sẽ cần có những nguyên cứu cũng như sự kiểm định lại kỹ hơn ở một nghiên cứu khác.

DN giám đốc nữ nếu các đặc điểm như nhau, doanh nghiệp có website hiệu suất sử dụng lao động có nguy cơ giảm hơn khoảng 34,7% so với doanh nghiệp không có website.

Theo loại hình doanh nghiệp, DN giám đốc nữ loại hình ngoài nhà nước có hiệu suất sử dụng lao động ảnh hưởng làm tăng hiệu suất lao động so với nhóm đối chứng (doanh nghiệp nhà nước) khoảng 49,5%, trong khi đó nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì không có ý nghĩa thống kê so với nhóm đối chứng này.

Theo ngành kinh tế, DN giám đốc nữ thuộc ngành Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác và Vận tải kho bãi có hiệu suất sử dụng lao động tăng khá cao với mức tăng tương ứng khoảng 1,35 lần và 0,76 lần so với nhóm đối chứng và mức tăng này cao hơn ở DN giám đốc nam. Cùng xu hướng với doanh nghiệp có giám đốc nam và toàn doanh nghiệp, nhóm ngành giáo dục đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có ảnh hưởng làm giảm hiệu suất sử dụng lao động nhiều nhất so với nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Theo quy mô doanh nghiệp, hiệu suất sử dụng lao động ở DN giám đốc nữ có quy mô càng lớn thì càng tăng so với nhóm doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ; và cao nhất là ở nhóm doanh nghiệp có quy mô vừa, có khả năng tăng cao khoảng 1,8 lần so với doanh nghiệp siêu nhỏ trong điều kiện các đặc điểm khác không thay đổi (và đều cao hơn so với doanh nghiệp có giám đốc nam).

Theo vùng kinh tế, hai vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hiệu suất sử dụng lao động đều có nguy cơ thấp hơn so với nhóm doanh nghiệp đối chứng ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Và cũng không có nhiều khác biệt về hiệu suất sử dụng lao động giữa các vùng.


Kết luận và khuyến nghị

Ngày nay khi phụ nữ tham gia vào nhiều hoạt động, có nhiều đóng góp cho xã hội, ngày càng chứng tỏ vai trò và tầm quan trọng của mình thì càng cần hơn nữa những chính sách hỗ trợ kịp thời tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển trong các lĩnh vực nói chung và đặc biệt đối với nữ giám đốc trong các doanh nghiệp nói riêng, một bộ phận có đóng góp đáng kể trong nền kinh tế.
         
Trong khuôn khổ bài phân tích các yếu tố tác động đến ROS và hiệu quả sử dụng lao động, hai trong rất nhiều tiêu chí đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, có thể thấy cũng không có nhiều khác biệt giữa DN giám đốc nam và DN giám đốc nữ, hơn thế DN giám đốc nữ có nhiều nổi trội hơn DN giám đốc nam ở một số ngành kinh tế.

Tuy nhiên do khác biệt về giới, còn nhiều khó khăn, trọng trách mà người phụ nữ phải gánh vác, do vậy để tham gia và đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội, tạo ra nhiều của cải, vật chất, mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, cần nhiều chính sách từ Chính phủ, Bộ và ngành hỗ trợ cho DN giám đốc nữ (chiếm 27,5% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước) để họ ngày càng phát triển, cụ thể như sau:

Thứ nhất, cũng giống như xu hướng chung của doanh nghiệp trên toàn quốc, doanh nghiệp giám đốc nữ cũng có đến trên 95% là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, do đó chính sách tập trung hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp này. Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018) cũng đã có những quy định ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, tuy nhiên cũng còn nhiều vướng mắc và khó khăn trong việc tiếp cận chính sách. Do đó cần có những chính sách hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do nữ làm giám đốc, làm rõ các quy định và chính sách ưu đãi, đặt mục tiêu hiệu quả đầu ra và có đánh giá thực tế để các doanh nghiệp có hiệu quả vượt trội sẽ được bổ sung các chính sách hỗ trợ phát triển bền vững.

Thứ hai, trình độ chuyên môn của giám đốc cũng ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài việc người phụ nữ chủ động trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình, chủ động phát triển bản thân để thích ứng với khó khăn trên thương trường, bên cạnh đó việc tạo điều kiện hỗ trợ đào tạo giám đốc nữ, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp từ Nhà nước có ý nghĩa to lớn trong việc tạo nền tảng vững chắc và tạo đà phát triển cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nói riêng và những DN giám đốc nữ nói chung.

Thứ ba, số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng chiếm trên 98%, khu vực thu hút khối lượng lao động lớn, mặc dù so với nhóm đối chứng là doanh nghiệp nhà nước thì tỷ suất sinh lợi trên doanh thu thấp hơn doanh nghiệp có cùng đặc điểm, tuy nhiên hiệu suất sử dụng lại có cơ hội tăng cao hơn, do đó cũng cần hỗ trợ kịp thời cho những doanh nghiệp ngoài nhà nước để doanh nghiệp ở khu vực ngoài nhà nước có điều kiện nâng cao hiệu quả kinh tế, cụ thể nhóm chỉ tiêu sinh lợi.

Thứ tư, mặc dù hiệu suất sử dụng lao động không có nhiều khác biệt giữa các vùng, nhưng tỷ suất sinh lợi trên doanh thu thì có khác biệt rõ ràng, vùng có tác động mạnh nhất không phải các thành phố lớn, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp mà là vùng Đồng bằng sông Cửu Long so với nhóm đối chứng là vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc, do vậy rất cần những chính sách ưu đãi phù hợp với từng vùng miền để thúc đẩy hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ở những vùng sâu, vùng xa nơi mà còn nhiều khó khăn từ cơ sở hạ tầng cho đến việc tiếp cận thông tin cũng như những ưu đãi từ Chính phủ.

Thứ năm, so với nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản thì nhóm ngành dịch vụ như bất động sản, tài chính, giáo dục, y tế và giải trí vượt trội hơn ở chỉ tiêu về tỷ suất sinh lợi trên doanh thu, ngược lại nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (nơi thu hút nhiều lao động), ngành bán buôn, bán lẻ và vận tải thì có ảnh hưởng giảm đến tỷ suất sinh lợi so với nhóm ngành đối chứng. Trong khi đó, xét ở góc độ sử dụng hiệu quả lao động thì nhóm ngành giáo dục đào tạo, y tế lại ảnh hưởng giảm hơn so với ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; ngược lại nhóm ngành bán buôn, bán lẻ và vận tải lại có tác động mạnh đến hiệu quả sử dụng lao động. Do vậy cần có những giải pháp nâng cao hiệu quả phù hợp với từng ngành nghề, để mang lại nhiều cơ hội cho DN giám đốc nữ, yên tâm sản xuất kinh doanh trong những ngành mặc dù nhóm chỉ tiêu sinh lợi thấp nhưng mang lại nhiều lợi ích, hiệu quả xã hội cao./.

 
Lộ Thị Nhung
Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng - Tổng cục Thống kê