Hà Giang – Giảm nghèo bền vững với những mô hình hiệu quả

|

Hà Giang – Giảm nghèo bền vững với những mô hình hiệu quả

Là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, Hà Giang có trên 87% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, với nhiều thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Thời gian qua, thông qua việc triển khai hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững đã giúp đời sống người dân vùng đồng bào DTTS của Tỉnh được nâng lên, cải thiện và từng bước thoát nghèo.
 
Theo kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025, tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Hà Giang có 94.727 hộ nghèo, cận nghèo đa chiều; chiếm xấp xỉ 50% tổng số hộ toàn Tỉnh (giảm 8.889 hộ, giảm 5,17% so với cuối năm 2021). Trong đó, 7.318 hộ nghèo và 24.409 hộ cận nghèo. Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo của hộ dân chủ yếu là do thiếu đất sản xuất, nguồn vốn, lao động, công cụ, phương tiện sản xuất, kiến thức và kỹ năng lao động, ốm đau, bệnh nặng. Cùng với đó, các hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như: Việc làm, dinh dưỡng của trẻ em, trình độ văn hóa của người lớn, bảo hiểm y tế, nhà ở, nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh và tiếp cận thông tin…

Nhằm từng bước nâng cao chất lượng đời sống của người dân, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, các cấp chính quyền của tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu và có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng đói, nghèo đeo bám. Tỉnh tập trung triển khai các giải pháp phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động, đồng thời xây dựng các mô hình phát triển kinh tế giảm nghèo. Huy động tối đa các nguồn lực của nhà nước và xã hội; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương. Động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo phát huy nội lực, ý chí vươn lên. Lấy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân làm mục tiêu giảm nghèo bền vững.

 

Người dân hái chè cung cấp cho HTX Phìn Hồ, Hà Giang

 
Theo đánh giá, trước đây bà con nông dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, thì nay đã quan tâm đến liên doanh liên kết để sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa. Với việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể đã và đang giúp Hà Giang xây dựng hiệu quả các mô hình giảm nghèo bền vững để nhân rộng. Góp phần đề cao tinh thần tương thân tương ái, vì cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Theo đánh giá của các ngành chức năng, phát triển kinh tế tập thể, HTX là một trong những hướng đi đúng đắn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân liên kết phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Theo thống kê, đến nay Hà Giang đã có có 722 HTX và 6.232 tổ hợp tác hoạt động đa dạng trong các ngành và các lĩnh vực, đặc biệt là những ngành nghề như nông nghiệp, chế biến nông, lâm sản, tín dụng nhỏ, tiểu thủ công nghiệp, vận tải hàng hóa, hành khách...

Một trong những mô hình, dự án mang lại hiệu quả rõ nét nhất trong công tác giảm nghèo đó là hỗ trợ người dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thông qua mô hình kinh tế tập thể. Tiêu biểu như mô hình tại HTX sản xuất chế biến chè Phìn Hồ (huyện Hoàng Su Phì). Tiền thân của HTX là một tổ hợp tác nhỏ lẻ, song nhờ tận dụng tốt lợi thế cùng sự nỗ lực đẩy mạnh liên kết, đến nay HTX đã phát triển, có quy mô lớn với sản phẩm trà có thương hiệu Fìn Hò Trà. Với sự trợ giúp về vốn, cơ chế chính sách thông thoáng, kịp thời của các huyện, các ngành và Liên minh HTX Tỉnh, HTX Phìn Hồ đã có sự phát triển mạnh trở thành một trong những HTX tiêu biểu của Hà Giang về sản xuất, chế biến kinh doanh chè.

Cũng nhờ sự hỗ trợ của địa phương trong hình thành vùng nguyên liệu và hỗ trợ cơ sở vật chất, HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Sà Phìn A (huyện Đồng Văn) chuyên sản xuất vải lanh truyền thống đã hình thành chuỗi khép kín, cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho 95 thành viên ở xã Sà Phìn và nhiều xã trong huyện Đồng Văn. Đến nay, HTX có đơn đặt hàng ổn định từ các nước như Hà Lan, Đức, Mỹ, Nhật. Bên cạnh đó, các cửa hàng thời trang trong nước cũng nhập sản phẩm của HTX. Với công việc đều đặn, các thành viên của HTX có thu nhập ổn định từ 4-6 triệu đồng/tháng. Năm 2021, nhờ tham gia HTX, đã có nhiều hộ thoát nghèo, có thu nhập ổn định.

Không chỉ phát triển tốt các mô hình giảm nghèo theo hình thức phát triển kinh tế tập thể, mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang được các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang rà soát, lựa chọn, xây dựng các dự án để tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin). Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Giang cho biết, để thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, ngành tập trung thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn. Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững theo hướng chú trọng các sản phẩm đặc hữu gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị về chè, cam, bò, mật ong, vùng trồng dược liệu quý. Tập trung nguồn lực phát triển 5 cây (cây ăn quả ôn đới, chè shan tuyết, dược liệu, lúa đặc sản chất lượng cao, cây tam giác mạch) và 3 con (bò vàng, lợn đen, mật ong bạc hà)…

Một trong những địa phương tiêu biểu triển khai hiệu quả các mô hình giảm nghèo là huyện Yên Minh nơi tập trung các dân tộc người Mông, Nùng, Tày, Dao, Giáy... Những năm qua, huyện Yên Minh đã tập trung vào chăn nuôi đại gia súc với hình thức hỗ trợ tiền vốn mua con giống, hỗ trợ tu sửa chuồng trại, thức ăn và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ tham gia mô hình. Các hộ dân đóng góp thêm tiền mua con giống, công tu sửa chuồng trại, trồng thức ăn chăn nuôi. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo được triển khai theo hình thức nuôi luân chuyển, có thu hồi, nhằm bảo toàn nguồn vốn, tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo. Hiện các dự án đang được thực hiện hiệu quả, các hộ tham gia có trách nhiệm với việc chăm sóc vật nuôi của dự án hỗ trợ nên đàn gia súc phát triển tốt, giúp người nghèo có phương tiện sản xuất, sức cày kéo, phân bón, tạo việc làm, có sản phẩm giá trị cao để bán ra thị trường, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, dự án này cũng giúp người dân, nhất là người dân tộc thiểu số nghèo chuyển đổi nhận thức và ý chí, quyết tâm vượt nghèo, tự nguyện tham gia dự án, nhờ đó đã khai thác tiềm năng, ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác giảm nghèo bền vững; đội ngũ cán bộ ở cơ sở nâng cao thêm kiến thức quản lý, điều hành các dự án.

Tại huyện Mèo Vạc (một trong những huyện nghèo thuộc vùng cao của Tỉnh), tính đến cuối năm 2022, Huyện có trên 10.000 hộ theo chuẩn nghèo đa chiều (chiếm tỷ lệ 57,61%); hơn 1.600 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 9,46%). Với mục tiêu phấn đấu giảm khoảng 1.500 hộ nghèo đa chiều, hạn chế hộ tái nghèo và nghèo mới phát sinh, huyện Mèo Vạc đang tập trung thực hiện hiệu quả các dự án, nội dung Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đến nay, Huyện đã triển khai đầu tư xây dựng 24 công trình (thuộc dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội): Đường giao thông, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, giáo dục và văn hóa. Thực hiện 22 mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với 275 hộ gia đình được thụ hưởng. Hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển mô hình giảm nghèo với 08 mô hình và 125 gia đình thụ hưởng. Thực hiện đào tạo nghề cho 650 người. Hỗ trợ xây mới nhà ở cho 550 hộ, sửa chữa nhà ở cho 107 hộ…

Hay tại huyện Hoàng Su Phì, với đặc điểm địa hình ruộng bậc thang lớn, Hoàng Su Phì có nhiều lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp trong việc phát triển sản phẩm gạo đặc sản chất lượng cao gắn với nuôi cá Chép ruộng, vừa phục vụ du lịch, vừa tạo sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Hiện Huyện đang tập trung mở rộng mô hình trồng lúa Nếp cái địa phương, lúa Già dui gắn với nuôi cá Chép ruộng ở các xã có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp như Bản Luốc, Ngàm Đăng Vài, Tả Sử Choóng, Sán Sả Hồ, Pờ Ly Ngài... Đến nay, toàn Huyện duy trì mô hình trồng lúa Nếp cái với diện tích 75 ha, năng suất bình quân đạt trên 42 tạ/ha, sản lượng 315 tấn; lúa Già dui 46 ha, năng suất bình quân đạt 55 tạ/ha. Huyện đã kết nối với các doanh nghiệp, HTX đứng ra ký kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo chuỗi giá trị gạo chất lượng cao cho các hộ dân. Với sản phẩm cá Chép ruộng, qua tổng hợp thống kê tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện có 5.600 hộ nuôi cá, diện tích thả 1.960 ha, sản lượng 62 tấn, giá trị 6,2 tỷ đồng, góp phần đáng kể trong việc cải thiện thu nhập cho người dân.

Cùng với đó, huyện cũng chú trọng nhân rộng các mô hình như: Sản xuất và chế biến chè; trồng cây ăn quả bản địa (Lê, mận Máu); trồng rau hữu cơ; chăn nuôi theo hướng hàng hóa; nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Sông chảy 3; trồng Dưa hấu, trồng dược liệu... Đặc biệt, chương trình cải tạo vườn tạp được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và nhân rộng. Đến nay, toàn huyện có 365 hộ thực hiện với tổng diện tích vườn đã cải tạo là 292.706 m2, với mức thu nhập bình quân đạt từ 18-25 triệu đồng/hộ/năm; cao hơn 2 - 3 lần so với trước khi thực hiện cải tạo vườn.

Có thể thấy, việc triển khai hiệu quả nhiều mô hình phát triển kinh tế ở Hà Giang thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân; đặc biệt là ở các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn thông qua tìm kiếm việc làm phi nông nghiệp và hỗ trợ xây dựng. Tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản…

 

Hà Giang - Giảm nghèo bền vững với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2022-2025, Hà Giang đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm trở lên; trong đó tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm 6%/năm trở lên. Phấn đấu đến năm 2025 có 2 huyện nghèo và 29 xã thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2020; trên 12.000 hộ nghèo, cận nghèo các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; ít nhất 60% hộ nghèo, cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet. Phấn đấu 95% các hộ sinh sống ở huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn được tiếp cận thông tin. 100% các huyện nghèo, xã thuộc huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa, kết nối thị trường và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản.

Để đạt được mục tiêu trên, Hà Giang tiếp tục phát triển nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế tập thể, trong đó tập trung đào tạo nghề cho lao động, kết hợp tập huấn, bồi dưỡng cho người đứng đầu HTX; chú trọng bám sát thực tiễn, phù hợp với yêu cầu phát triển thị trường. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ, khuyến khích các HTX tham gia xây dựng các mô hình gắn với chuỗi giá trị để làm cơ sở nhân rộng; tích cực phát động và hưởng ứng các phong trào thi đua phát triển HTX.

Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Giang cho biết, thời gian tới đơn vị này cũng tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bản chất, mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012. Qua đó, thúc đẩy phát triển các HTX mới tại những nơi đủ điều kiện và người dân có nhu cầu sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tập trung gắn với các sản phẩm chủ lực của các địa phương. Xây dựng thêm nhiều mô hình kinh tế tập thể, sản xuất theo chuỗi giá trị, từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân.

Bên cạnh đó, để công tác giảm nghèo bền vững được triển khai sâu rộng, hiệu quả Tỉnh cũng tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện cho các địa phương tận dụng tiềm năng, phát triển hiệu quả các mô hình, dự án giảm nghèo phù hợp thực tế ở mỗi địa phương. Tỉnh cũng chỉ đạo các Sở, ngành địa phương tập trung nguồn lực, tạo điều kiện hỗ trợ, hướng dẫn và triển khai đồng bộ các giải pháp để công tác giảm nghèo được triển khai hiệu quả, rộng khắp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác giảm nghèo; kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững; triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm và đa dạng, linh hoạt trong triển khai các mô hình giảm nghèo hiệu quả, Hà Giang sẽ đạt được những kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo, giúp người dân địa phương vươn lên thoát nghèo bền vững./.
 
Gia Linh