Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, nhiều gương mặt mới xuất hiện trong bảng xếp hạng và cho thấy chất lượng điều hành kinh tế các tỉnh, thành phố tiếp tục cải thiện
Nhiều gương mặt mới xuất hiện trong bảng xếp hạng
Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố ngày 10/5/2024, Quảng Ninh tiếp tục là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng với 71,25 điểm trên thang điểm 100. Đây là năm thứ 7 liên tiếp, tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu PCI. Địa phương này ghi dấu ấn rõ rệt trong việc giảm thiểu gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp, khi chỉ số thành phần Chi phí thời gian đạt 8,54 điểm, cao nhất cả nước. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như đứng thứ 3 cả nước về nỗ lực cắt giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
Từ vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng năm ngoái, năm nay tỉnh Long An vươn lên vị trí thứ 2 với số điểm là 70,94 điểm nhờ những nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức, cải cách thủ tục hành chính, cũng như được đánh giá cao về tính năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền.
Đứng ở các vị trí tiếp theo trong Top 5 là Hải Phòng (70,34 điểm), Bắc Giang (69,75 điểm), Đồng Tháp (69,66 điểm). Các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Thừa Thiên Huế tiếp tục duy trì chuỗi 3 năm liên tiếp trong Top 10.
So với năm 2022, top 10 của bảng xếp hạng PCI năm 2023 xuất hiện những “gương mặt mới” là các tỉnh Bến Tre, Hậu Giang và Phú Thọ, trong đó tỉnh Hậu Giang gây tượng nhất với bước nhảy từ top 20 của năm ngoái lên top 10 năm nay, đánh dấu chuỗi cải thiện thứ hạng liên tục từ năm 2017 tới nay. Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ lần đầu tiên có mặt trong nhóm 10 tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước.
So với năm 2022, top 10 của bảng xếp hạng PCI năm 2023 xuất hiện những “gương mặt mới” là các tỉnh Bến Tre, Hậu Giang và Phú Thọ, trong đó tỉnh Hậu Giang gây tượng nhất với bước nhảy từ top 20 của năm ngoái lên top 10 năm nay, đánh dấu chuỗi cải thiện thứ hạng liên tục từ năm 2017 tới nay. Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ lần đầu tiên có mặt trong nhóm 10 tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước.
Top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023
Ngoài 10 gương mặt tiêu biểu trên, trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất trong PCI 2023 còn có một số “gương mặt mới” so với năm 2022. Đó là các tỉnh Hải Dương, Bình Thuận, Ninh Bình, Tây Ninh, Đắk Nông, Cà Mau, Tiền Giang và Thanh Hóa, đặc biệt là “cú nhảy vọt” của tỉnh Đắk Nông lên vị trí thứ 21, trong khi những năm trước thường nằm trong top cuối. Năm nay, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đứng ở vị trí thứ 27, trong khi Hà Nội tụt từ vị trí 20 của năm 2023 xuống đứng thứ 28.
Cũng qua báo cáo PCI 2023 của VCCI cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực tích cực của chính quyền các tỉnh, thành phố trong nỗ lực cải thiện chất lượng điều hành cấp tỉnh và môi trường kinh doanh của 63 địa phương trong cả nước.
Chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục cải thiện
Chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục có xu hướng cải thiện theo thời gian. Kết quả chỉ số PCI gốc cho thấy năm thứ 7 liên tiếp điểm số ở tỉnh trung vị có sự cải thiện. Điểm PCI gốc năm 2023 đạt 66,57 điểm, cao hơn 1,12 điểm so với điểm PCI gốc năm 2022 (65,45 điểm) và liên tục tăng từ năm 2017 cho đến năm 2023. Trong khi đó, điểm số chỉ số PCI tổng hợp tại tỉnh trung vị của cả nước đạt 66,66 điểm năm 2023, tăng gần 1,44 điểm so với năm 2022. Đây là năm thứ 7 liên tiếp tỉnh trung vị trong PCI tổng hợp có điểm số vượt 60 điểm trên thang điểm 100.
Chất lượng điều hành cấp tỉnh năm 2023 được đánh giá cải thiện còn thể hiện ở kết quả điểm số chỉ số thành phần (CSTP) Hỗ trợ doanh nghiệp có sự cải thiện mạnh nhất so với kết quả năm 2022 trong các CSTP của PCI. Hầu hết các chỉ tiêu đánh giá về công tác triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của năm 2023 đều có sự cải thiện so với năm 2022, dẫn đến điểm số trung bình của CSTP này tăng 0,6 điểm, đạt 6,39 điểm. Năm 2023, 73,3% doanh nghiệp cho biết thủ tục tư vấn tiếp cận vốn là dễ dàng, cao hơn tỷ lệ 71,4% của năm 2022; 75% doanh nghiệp đánh giá thủ tục tiếp cận dịch vụ tư vấn hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị là dễ thực hiện (năm 2022 là 70%). Đáng chú ý, 44,6% doanh nghiệp đánh giá chất lượng cung cấp thông tin về hiệp định thương mại tự do của cơ quan nhà nước địa phương đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, trong khi năm 2022 tỷ lệ này chỉ là 32,6%. Bên cạnh đó, 66,7% doanh nghiệp cho biết vướng mắc trong thực hiện các văn bản thực thi các hiệp định thương mại tự do được cơ quan nhà nước địa phương giải đáp hiệu quả, cao hơn tỷ lệ 56,9% của năm 2022.
Nhiều tỉnh, thành phố có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả
Bên cạnh đó, chi phí không chính thức tiếp tục chiều hướng giảm, các hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục có bước tiến với điểm số CSTP Chi phí không chính thức năm 2023 đạt 7,08 điểm, tăng từ 7,01 điểm của năm 2022 và 6,99 điểm của năm 2021, đánh dấu chuỗi tăng điểm liên tục kể từ năm 2015. Tỷ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức năm 2023 là 33,3%, thấp hơn mức 42,6% năm 2022, giảm đáng kể so với mức 66% của các năm 2015-2016 và đặc biệt giảm mạnh so mức kỷ lục 70% vào năm 2006 khi chỉ tiêu này lần đầu tiên được đưa vào khảo sát. Quy mô của chi phí không chính thức cũng tiếp tục đà giảm và giảm hơn 4 lần so với 10 năm trước đây.
Kết quả PCI năm 2023 còn cho thấy các doanh nghiệp gia nhập thị trường thuận lợi hơn, thủ tục giải quyết thủ tục hành chính trong đăng ký doanh nghiệp chuyển biến tích cực. Cụ thể, các chỉ tiêu về tính minh bạch; hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ; cán bộ am hiểu chuyên môn; nhiệt tình, thân thiện đều cải thiện so với hai năm trước đó. Việc giải quyết các thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện cũng có bước tiến so với năm 2022. Năm 2023, khoảng 43,3% doanh nghiệp cho rằng thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện được giải quyết đúng quy trình quy định, cao hơn nhiều so với con số 28,9% của năm 2022.
Trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh cải cách hành chính trong năm 2023, công tác cải cách hành chính của các địa phương đạt kết quả tích cực hơn. Điều này có thể thấy rõ trong cảm nhận của doanh nghiệp về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính nói chung, cũng như đối với phương thức giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến nói riêng. 87,9% và 87,2% là tỷ lệ doanh nghiệp được khảo sát đánh giá cán bộ công chức giải quyết công việc hiệu quả và thân thiện. 82,5% doanh nghiệp cho biết không cần phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục. Bên cạnh đó, thủ tục giấy tờ đơn giản hơn; phí, lệ phí được niêm yết công khai và thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định. Có khoảng 77% doanh nghiệp cho biết việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến giúp tiết giảm nhiều thời gian và chi phí hơn cho doanh nghiệp so với các phương thức truyền thống. Điều này cho thấy những nỗ lực chuyển đổi số của các địa phương đã mang lại kết quả tích cực. Gánh nặng thanh tra, kiểm tra cũng được doanh nghiệp đánh giá là có sự cải thiện, tình trạng nhũng nhiễu trong thanh kiểm tra đã giảm xuống gần 7% vào năm 2023, từ 9,6% vào năm 2022 và 13,8% vào năm 2021.
Môi trường kinh doanh cần cải thiện một số điểm
Tuy nhiên, báo cáo PCI năm 2023 cũng cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam có một số điểm cần quan tâm. Tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh có chi trả chi phí không chính thức trong một số lĩnh vực có dấu hiệu tăng lên, đơn cử như trong vấn đề đăng ký kinh doanh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn gặp những trở ngại trong tiếp cận đất đai, đòi hỏi những nỗ lực cải cách quyết liệt hơn trong thời gian tới. Kết quả khảo sát ghi nhận, 64% doanh nghiệp cho rằng thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính dài hơn so với thời gian quy định, cán bộ tiếp nhận hồ sơ không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ (46% doanh nghiệp) và quy trình, thủ tục giải quyết không đúng với nội dung được niêm yết hoặc văn bản quy định (46% doanh nghiệp). Đáng lưu ý là gần 73% doanh nghiệp đã cho biết họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đất đai, cao hơn nhiều so với mức 42,9% của năm 2022 và 53,9% năm 2021.
Các doanh nghiệp cũng đánh giá môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng. 61,3% doanh nghiệp cho biết các địa phương vẫn có sự ưu tiên giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp lớn so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cáo hơn con số 58,8% năm 2022 và 52,6% năm 2021. Bên cạnh đó, có khoảng 56,5% doanh nghiệp cho biết chính quyền cấp tỉnh ưu tiên doanh nghiệp lớn, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, gây tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thêm vào đó, báo cáo PCI năm 2023 cũng phán ánh tính năng động, tiên phong của cán bộ chính quyền địa phương có dấu hiệu chững lại và cần xốc lại tinh thần năng động tiên phong của chính quyền địa phương. Đánh giá này thể hiện qua điểm trung bình của CSTP Tính năng động tiên phong của bộ máy chính quyền địa phương năm 2023 có dấu hiệu giảm sút so với các năm trước. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân giảm từ con số 86% của năm 2022 xuống còn 82,1% năm 2023. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh giảm từ 79,7% năm 2022 xuống 77,1% năm 2023. Đáng lưu ý, 51,5% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “các Sở ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố”, tăng từ con số 50,4% của năm 2022. Chỉ 40,8% doanh nghiệp quan sát thấy “chủ trương, chính sách của tỉnh, thành phố đối với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động là ổn định và nhất quán” vào năm 2023, giảm đáng kể từ con số 50% năm 2022 và 53,4% năm 2021.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang gặp phải nhiều khó khăn trong hoạt động trong quá trình sản xuất kinh doanh năm 2023. Báo cáo năm nay tiếp tục ghi nhận và phản ánh những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó các doanh nghiệp trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 2022 về tiếp cận tín dụng, tìm kiếm mặt bằng kinh doanh, tìm kiếm nhà cung cấp, tìm kiếm nhân sự, thực hiện thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, biến động thị trường, biến động chính sách pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo thực hiện hợp đồng, và thiên tai, biến đổi khí hậu. Theo khảo sát PCI 2023, 5 vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải, bao gồm: Tiếp cận vốn (57,1% doanh nghiệp), tìm kiếm khách hàng (49% doanh nghiệp), biến động thị trường (34,5% doanh nghiệp), khó khăn từ tác động của dịch bệnh COVID-19 (25,5% doanh nghiệp) và tìm kiếm đối tác kinh doanh (17,1% doanh nghiệp).
Báo cáo PCI 2023 như một thông điệp, mong muốn chính quyền các tỉnh, thành phố sẽ đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp nhiều hơn. Điều này cũng sẽ góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hướng tới một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững hơn tại Việt Nam./.
Bích Ngọc