Sáng kiến khu vực thị thực ASEAN6 gia tăng cơ hội thu hút khách quốc tế

|

Sáng kiến khu vực thị thực ASEAN6 gia tăng cơ hội thu hút khách quốc tế

Mới đây, Thái Lan đã có sáng kiến thành lập khu vực thị thực (visa) chung gồm 6 nước: Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Lào, Malaysia và Myanmar (ASEAN6). Đề xuất sử dụng chung thị thực được kỳ vọng sẽ giúp khách quốc tế xin visa một lần nhưng có thể đến được 6 nước thuộc khu vực Đông Nam Á, qua đó sẽ tạo ra cơ hội cho ngành du lịch các nước, trong đó có Việt Nam gia tăng lượng khách quốc tế.

Sáng kiến visa chung 6 nước của Thái Lan nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của các chuyên gia trong và ngoài ngành tại Việt Nam. Theo đó, việc sử dụng visa chung cho 6 nước kể trên được cho là rất có lợi, khi du khách đến nước này nếu còn thời gian có thể quá cảnh sang nước khác mà không cần phải xin visa. Riêng đối với Việt Nam, việc sử dụng chung visa còn tạo cơ hội thu hút du khách quốc tế khi đến Thái Lan, Malaysia sẽ đến Việt Nam bởi Việt Nam hiện đang có đường bay thẳng đến Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Yangon (Myanmar)…

 

Sáng kiến khu vực thị thực chung được kỳ vọng sẽ gia tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam,
từ đó kích thích tăng trưởng du lịch

Theo Tổng cục Thống kê, nhờ chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn tiếp tục phát huy tác dụng, thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 4/2024, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,6 triệu lượt người, tăng 58,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 6,2 triệu lượt người, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Trong tổng số gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 5,2 triệu lượt người, chiếm 83,7% tổng lượng khách quốc tế; bằng đường bộ đạt 856,9 nghìn lượt người, chiếm 13,8%; bằng đường biển đạt 151,5 nghìn lượt người, chiếm 2,5%. Qua đó, có thể thấy, các chính sách thuận lợi về thị thực được triển khai đã góp phần thúc đẩy lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian qua.

Đánh giá cao về đề xuất của Thái Lan, đại diện CLB du lịch lữ hành UNESCO Hà Nội cho biết, việc cấp thị thực một lần và sử dụng được ở 6 nước tạo cơ hội cho những khách hàng có mức chi tiêu cao đi nhiều nước tạo ra nguồn thu lớn cho ngành du lịch. Bên cạnh đó, việc áp dụng visa chung sẽ thúc đẩy thêm về du lịch đường bộ qua đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp xây dựng tour đường bộ liên tuyến Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, Myanmar, Malaysia.

Khu vực thị thực chung 6 quốc gia cũng được kỳ vọng sẽ giúp tăng sức cạnh tranh du lịch của 6 nước so với những điểm đến khác trong khu vực ASEAN và các cường quốc du lịch ở châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Hiện tại, Thái Lan đang miễn visa cho khách đến từ hơn 80 quốc gia, trong khi đó, Việt Nam mới miễn visa đối với khoảng 30 nước. Nếu tham gia chính sách visa chung sẽ là bước nhảy vọt với sự cải thiện chính sách visa du lịch của Việt Nam. Qua đó góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam gia tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Còn nếu không tham gia, Việt Nam có thể sẽ mất cơ hội và lợi thế, bởi khi đó, ngành du lịch Việt Nam không chỉ cạnh tranh với đối thủ là Thái Lan, mà còn cả 4 quốc gia khác nữa.

Bên cạnh những lợi ích lớn mà khu vực thị thực chung có thể đem lại nếu được triển khai, việc hiện thực hóa sáng kiến này được cho là còn tồn tại một số vấn đề cần cân nhắc. Xét ở góc độ quản lý du lịch, theo đại diện Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, việc xem xét, tiến tới thực hiện visa chung 6 nước cần cân nhắc các yếu tố chính trị ổn định, đảm bảo các vấn đề quốc phòng - an ninh, ngoại giao của tất cả các nước trong nhóm nước đề xuất visa chung. Mặt khác, cần xem xét tính khả thi của đề xuất, bởi trong thực tế, hợp tác du lịch khu vực, cơ chế hợp tác 5 nước ACMECS (Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan) đã nhiều lần đưa ra sáng kiến visa chung, nhưng đến nay chưa thực hiện được.

Sáng kiến dùng chung visa được đánh giá cao nhưng việc hiện thực hóa vẫn là thách thức, nhất là trong bối cảnh khối ASEAN còn nhiều rào cản trong việc sử dụng chung visa, vì chính phủ các nước chưa thống nhất vấn đề xét duyệt visa đồng bộ. Dẫn chứng cho vấn đề này là trường hợp các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong trước đây đã ký kết công nhận các loại xe lưu thông qua biên giới mà không phải làm thủ tục tại các cửa khẩu. Tuy nhiên, khi triển khai còn nhiều hạn chế, do yêu cầu và quy định chưa nhất quán./.

 
P.V