Ngày 01 tháng 7 năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê (sau đây viết gọn là Nghị định số 94/2016/NĐ-CP). Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 94/2016/NĐ-CP quy định “thời gian phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm là ngày 29 của tháng báo cáo, riêng tháng Hai là ngày cuối tháng”.
Ngày 07 tháng 11 năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2022/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là Nghị định số 94/2022/NĐ-CP). Nghị định này quy định quy trình biên soạn GDP, GRDP và hệ biểu thu thập thông tin để biên soạn GDP, GRDP phục vụ cho việc công bố số liệu vào ngày 29 hằng tháng, tháng Hai là ngày cuối tháng.
Thực hiện các quy định nêu trên, công tác thu thập, biên soạn, công bố, phổ biến thông tin thống kê đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện “thời gian phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm là ngày 29 của tháng báo cáo, riêng tháng Hai là ngày cuối tháng”đã bộc lộ những bất cập như: Vì thu thập thông tin sớm nên các số liệu chủ yếu là ước tính, dẫn đến kết quả có độ chính xác chưa cao và chưa phản ánh đúng thực tế hoạt động của đơn vị cung cấp thông tin trong tháng; Với quy định công bố vào ngày 29 hằng tháng dẫn đến xung đột, dễ gây hiểu nhầm cho người sử dụng thông tin thống kê đối với một số chỉ tiêu thống kê kinh tế tổng hợp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) công bố và do bộ, ngành có liên quan công bố vì thời điểm công bố, thời kỳ số liệu khác nhau; Đối với thông tin, dữ liệu hành chính tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh: Báo cáo của các cơ quan thường gửi muộn hơn so với thời gian yêu cầu của cơ quan thống kê...
Do vậy, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) đã thực hiện trình tự đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 94 quy định “thời gian phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm là ngày 29 của tháng báo cáo, riêng tháng Hai là ngày cuối tháng” thành “ngày 06 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo” căn cứ vào những nội dung:
Cung cấp thông tin thống kê chính xác, kịp thời, đầy đủ, phục vụ các cơ quan Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp trong quản lý, điều hành. Tại Thông báo số 301/TB-VPCP ngày 02 tháng 8 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ, Chính phủ thống nhất: “Xây dựng 01 Nghị định sửa các Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016, Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2022 theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm thống nhất số liệu giữa các cơ quan, địa phương và phản ánh tình hình kinh tế - xã hội trọn tháng, quý, năm báo cáo. Thống kê phải xong trước ngày 05 hàng tháng;…”. Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2023 số 124/NQ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2023 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương: “Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định: Số 94/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016, số 94/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2022 theo trình tự, thủ tục rút gọn”.
Việc quy định thời gian công bố, phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm vào “ngày 06 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo” là cơ sở bảo đảm cho việc thu thập, biên soạn thông tin thống kê phản ánh chính xác, đầy đủ, đúng bản chất của một kỳ báo cáo, đặc biệt là kỳ báo cáo tháng. Những thông tin thống kê này phục vụ chính xác, kịp thời các cơ quan Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp trong quản lý, điều hành.
Dưới góc độ nghiệp vụ thống kê, việc quy định thời gian công bố, phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm là “ngày 06 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo” có một số ưu điểm sau:
- Thông tin, số liệu thu thập từ đối tượng cung cấp thông tin phản ánh đầy đủ diễn biến sản xuất kinh doanh trong tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm góp phần tăng tính chính xác của số liệu, phản ánh sát hơn tình hình thực tế…
- Nguồn thông tin phục vụ biên soạn một số chỉ tiêu tổng hợp như GDP, GRDP được cập nhật, đầy đủ hơn;
- Có đủ thời gian để kiểm tra, tổng hợp dữ liệu, biên soạn các báo cáo chuyên ngành giúp nâng cao chất lượng báo cáo;
- Số liệu tổng hợp có độ tin cậy cao hơn, phản ánh sát hơn với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội cả nước.
Ngoài ra, quy định thời gian công bố, phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm là "ngày 06 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo” còn là cơ sở để thống nhất thông tin, số liệu trong công bố, phổ biến một số chỉ tiêu kinh tế tổng hợp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) và bộ, ngành biên soạn, công bố, đặc biệt là các chỉ tiêu liên quan đến thu, chi ngân sách, xuất nhập khẩu hàng hoá…
Những nội dung cần sửa đổi, bổ sung khi thay đổi ngày công bố, phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm thành “ngày 06 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo”
Một là, sửa đổi Lịch phổ biến một số thông tin thống kê quan trọng của cơ quan thống kê trung ương quy định tại Phụ lục của Nghị định số 94/2016/NĐ-CP như sau:
Hai là, sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 12 của Nghị định số 94/2022/NĐ-CP, cụ thể:
“1. Số liệu GDP được công bố như sau:
a) Số liệu ước tính quý I; sơ bộ quý IV năm trước năm báo cáo: Ngày 06 tháng 4 năm báo cáo;
b) Số liệu ước tính quý II, 6 tháng và cả năm; sơ bộ quý I: Ngày 06 tháng 7 năm báo cáo;
c) Số liệu ước tính quý III và 9 tháng; sơ bộ quý II và 6 tháng: Ngày 06 tháng 10 năm báo cáo;
d) Số liệu ước tính quý IV và cả năm; sơ bộ quý III và 9 tháng: Ngày 06 tháng 01 năm kế tiếp sau năm báo cáo;
đ) Số liệu sơ bộ cả năm: Ngày 06 tháng 10 năm kế tiếp sau năm báo cáo;
e) Số liệu chính thức cả năm và theo quý của năm báo cáo: Ngày 06 tháng 10 năm thứ hai kế tiếp sau năm báo cáo.
2. Số liệu GRDP được công bố như sau:
a) Số liệu ước tính quý I; sơ bộ quý IV năm trước năm báo cáo: Ngày 01 tháng 4 năm báo cáo;
b) Số liệu ước tính quý II, 6 tháng và cả năm; sơ bộ quý I: Ngày 01 tháng 7 năm báo cáo;
c) Số liệu ước tính quý III và 9 tháng; sơ bộ quý II và 6 tháng: Ngày 01 tháng 10 năm báo cáo;
d) Số liệu ước tính quý IV và cả năm; sơ bộ quý III và 9 tháng: Ngày 01 tháng 12 năm báo cáo;
đ) Số liệu sơ bộ cả năm: Ngày 01 tháng 10 năm kế tiếp sau năm báo cáo;
e) Số liệu chính thức cả năm và theo quý của năm báo cáo: Ngày 01 tháng 10 năm thứ hai kế tiếp sau năm báo cáo
Ba là, sửa đổi, bổ sung Phụ lục II của Nghị định số 94/2022/NĐ-CP, cụ thể:
- Giữ nguyên số lượng biểu theo quy định tại Nghị định số 94/2022/NĐ-CP.
- Sửa ngày nhận báo cáo, hướng dẫn ghi biểu và một số nội dung liên quan của các biểu mẫu để bảo đảm thời gian biên soạn và công bố số liệu của chỉ tiêu GDP và GRDP.
Giải pháp để triển khai thực hiện
Để thay đổi thời gian công bố, phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm từ “ngày 29 của tháng báo cáo (riêng tháng Hai là ngày cuối tháng)” thành “ngày 06 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo” cần phải thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; tập trung vào các văn bản quy phạp pháp luật sau đây:
- Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê.
- Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia (đang trình Chính phủ).
- Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia.
- Các Thông tư ban hành chế độ báo cáo thống kê áp dụng cho tất các các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành.
Thứ hai, đánh giá tác động của việc thay đổi thời gian công bố, phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm từ “ngày 29 của tháng báo cáo (riêng tháng Hai là ngày cuối tháng)” thành “ngày 06 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo”. Thông qua quá trình này sẽ xác định được các nguyên nhân, tác động tích cực, tác động tiêu cực, hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội của chính sách được lựa chọn…
Thứ ba, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi thời gian phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm từ “ngày 29 của tháng báo cáo (riêng tháng Hai là ngày cuối tháng)” thành “ngày 06 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo” theo hướng một Nghị định sửa nhiều Nghị định và theo trình tự thủ tục rút gọn
Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) đã trình Chính phủ hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Phụ lục của Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê và sửa đổi, bổ sung một số điều, Phụ lục II của Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Tờ trình số 1610/TTr-BKHĐT ngày 06/3/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư./.
Nguyễn Đình Khuyến
Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê -TCTK