Thống kê Hà Giang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trên địa bàn triển khai thực hiện tốt Điều tra DTTS 2024

|

Thống kê Hà Giang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trên địa bàn triển khai thực hiện tốt Điều tra DTTS 2024

Hà Giang là một tỉnh vùng cao, miền núi biên giới nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, tỷ lệ hộ nghèo cao, chủ yếu là hộ dân tộc thiểu số (DTTS), trình độ dân trí không đồng đều, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khí hậu khắc nghiệt. Đây là một trong số tỉnh có địa bàn điều tra nhiều nhất cả nước trong đó đa phần địa bàn thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa. Phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện đã phỏng vấn Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hà Giang Trần Vĩnh Nội về công tác chuẩn bị thực hiện Điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2024.

 

Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hà Giang Trần Vĩnh Nội dự, chỉ đạo Hội nghị tập huấn nghiệp vụ ở huyện Vị Xuyên

Phóng viên: Cục trưởng cho biết thực trạng công tác dân tộc tại địa phương?

Cục trưởng Trần Vĩnh Nội:

Dân số tỉnh Hà Giang tính đến thời điểm 31/12/2023 có 912.960 người; trong đó người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 87,6%
với 19 dân tộc cùng sinh sống.

Trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2021 trở lại đây - từ khi thực hiện Nghị quyết số 120 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (MN) giai đoạn 2021-2030, dưới sự quan tâm lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND Tỉnh, tình hình kinh tế-xã hội và đời sống vùng đồng bào DTTS trên địa bàn Tỉnh ổn định và từng bước phát triển.

Cùng với kinh tế tăng trưởng liên tục trong nhiều năm và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các Bộ, ngành thông qua các chương trình, dự án đã tạo điều kiện để Tỉnh từng bước phát triển hạ tầng nông thôn. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; tỷ lệ hộ dân người DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 96,13%; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 4%/năm. Các lĩnh vực xã hội có chuyển biến tích cực, giáo dục đào tạo từng bước được đổi mới; y tế chăm sóc sức khỏe cho nhân dân dần được nâng cao về chất lượng; các hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc, các lễ hội văn hóa của Tỉnh diễn ra sôi nổi, tạo điều kiện thu hút khách du lịch đến với Hà Giang; phong tục tập quán lạc hậu dần được cải tiến, xóa bỏ; không xảy ra di cư tự do; khối đại đoàn kết toàn dân được duy trì; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của Tỉnh được giữ vững…

Công tác dân tộc và các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước triển khai trên địa bàn Tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Trọng tâm là 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), nhất là với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & MN đã kịp thời bổ sung nguồn lực cho Tỉnh để giải quyết các nhu cầu thiết yếu trong đời sống nhân dân và thực hiện nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Do đó, được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở hết sức quan tâm chỉ đạo, vào cuộc, người dân nhiệt tình tham gia. Qua đó góp phần củng cố niềm tin tuyệt đối của đồng bào các dân tộc vào chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước.

Phóng viên: Cục trưởng cho biết công tác chuẩn bị Điều tra 53 DTTS 2024 tại tỉnh Hà Giang đến thời điểm này?

Cục trưởng Trần Vĩnh Nội:

Thực hiện Quyết định số 628/QĐ - TCTK ngày 14/7/2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) về việc ban hành Phương án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024; Quyết định số 1568/QĐ-UBND ngày 9/8/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quy chế phối hợp, phổ biến, chia sẻ thông tin thống kê và tổ chức điều tra thống kê giữa Cục Thống kê tỉnh với các sở, ban, ngành, đoàn thể Tỉnh, các đơn vị Trung ương quản lý và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Giang, Cục Thống kê tỉnh Hà Giang đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 41/KH-CTK ngày 17/5/2024 để phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Hiện nay, Cục đã tích cực phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan để tổ chức, chỉ đạo công tác chuẩn bị thực hiện.

Cụ thể, về công tác rà soát, cập nhật địa bàn điều tra, ngay sau khi có hướng dẫn của TCTK, Cục Thống kê tỉnh Hà Giang đã triển khai tới các huyện, thành phố thực hiện công tác này. Tính đến ngày 22/5/2024, toàn Tỉnh đã thực hiện rà soát, cập nhật xong 686 địa bàn điều tra (ĐBĐT).

Về tuyển chọn lực lượng tham gia thực hiện cuộc điều tra gồm: Người lập bảng kê, điều tra viên (ĐTV), tổ trưởng và giám sát viên (GSV) các cấp. Căn cứ số lượng đơn vị điều tra và đặc điểm của địa phương, Cục hướng dẫn Chi cục Thống kê các huyện, khu vực chủ động tuyển chọn lực lượng tham gia điều tra.

Điều tra DTTS 2024 có nội dung phức tạp, tiếp cận hộ là người DTTS nên cần tuyển ĐTV phù hợp trong các địa bàn hộ dân tộc không nói tiếng Kinh. Theo đó, Tỉnh đã chọn người lập bảng kê là người tại địa phương, am hiểu về địa bàn và có khả năng tiếp cận với hộ để lập bảng kê. Kết quả, toàn Tỉnh đã tuyển chọn được 292 người điều tra thu thập thông tin lập bảng kê hộ. Lực lượng này hiện đang thực hiện điều tra thu thập thông tin tại địa bàn. Trung bình xã có từ 1-3 ĐBĐT có 1 người; xã có từ 4-6 ĐBĐT có 2 người; xã có từ 7-10 ĐBĐT có 3 người; xã có trên 10 ĐBĐT có 4 người.

Đối với ĐTV là lực lượng trực tiếp thực hiện cuộc điều tra phải là những người có đủ khả năng thực hiện công việc, có tinh thần trách nhiệm cao, tham gia đầy đủ và có kết quả tham gia tập huấn nghiệp vụ tốt, hiểu văn hóa của người DTTS và am hiểu về địa bàn được phân công thực hiện điều tra. ĐTV sử dụng thành thạo máy tính bảng, điện thoại thông minh để thực hiện phiếu điện tử trong điều tra. Toàn Tỉnh đã tuyển chọn được 592 người là ĐTV Phiếu hộ và 67 người là ĐTV Phiếu xã. Trong điều tra phiếu hộ tại các ĐBĐT vùng núi cao sẽ có 1 ĐTV thực hiện thu thập thông tin tại 01 ĐBĐT; Tại các ĐBĐT còn lại có 01 ĐTV thực hiện thu thập thông tin tại 02 ĐBĐT. Đối với phiếu xã trung bình 1 ĐTV phụ trách thu thập thông tin từ 3-5 xã.

Tổ trưởng điều tra được tuyển chọn là lực lượng trực tiếp quản lý công việc của ĐTV, ưu tiên là công chức Văn phòng - Thống kê cấp xã hoặc người có khả năng tổ chức làm việc theo nhóm. Toàn Tỉnh đã tuyển chọn được 192 người làm Tổ trưởng điều tra.  01 Tổ trưởng quản lý 01 xã, phường, thị trấn, tương ứng với số xã có ĐBĐT phiếu hộ. Ngoài ra, toàn Tỉnh cũng đã tuyển chọn được 80 GSV các cấp (trong đó, cấp Tỉnh là 15 GSV; cấp huyện là 65 GSV).

Về công tác tập huấn nghiệp vụ và hướng dẫn sử dụng phần mềm, Cục Thống kê Tỉnh  đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ Thu thập thông tin lập bảng kê hộ (phiếu 01/DTTS-BK), hướng dẫn cài đặt sử dụng thiết bị và các loại phần mềm cho các huyện, thành phố theo cụm; Hội nghị tập huấn cho GSV cấp Tỉnh; giảng viên cấp huyện và GSV, ĐTV của thành phố Hà Giang. Toàn Tỉnh đã mở 5 lớp từ ngày 27 - 31/5/2024 với tổng số 527 đại biểu tham gia. Kết thúc Hội nghị, các ĐTV nắm vững kiến thức, làm chủ bảng hỏi và thực hiện thu thập thông tin tại địa bàn từ ngày 01/6/2024.

Tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phiếu điều tra hộ, xã (phiếu 02/DTTS-HO; phiếu 03/DTTS-XA), hướng dẫn cài đặt sử dụng thiết bị và các loại phần mềm cho GSV cấp Tỉnh; giảng viên cấp huyện và GSV, ĐTV của thành phố Hà Giang.

Từ ngày 12-13/6/2024, Cục Thống kê tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phiếu điều tra hộ, xã (phiếu 02/DTTS-HO; phiếu 03/DTTS-XA), hướng dẫn cài đặt sử dụng thiết bị và các loại phần mềm bằng hình thức trực tiếp cho GSV cấp Tỉnh; giảng viên cấp huyện và GSV, ĐTV của Thành phố Hà Giang...

Chi cục Thống kê tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phiếu điều tra hộ, xã (phiếu 02/DTTS-HO; phiếu 03/DTTS-XA), hướng dẫn cài đặt sử dụng thiết bị và các loại phần mềm cho ĐTV, tổ trưởng, GSV cấp huyện theo từng huyện (trừ thành phố Hà Giang). Dự kiến mỗi huyện sẽ tổ chức 01 lớp với thời gian là 03 ngày. Giảng viên là những người đã tham dự Hội nghị tập huấn cấp Tỉnh. Riêng tại các huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Bắc Mê, Hoàng Su Phì Cục Thống kê tỉnh Hà Giang cử giảng viên cấp Tỉnh trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ điều tra cho ĐTV, tổ trưởng, GSV.

Ngoài ra, Cục Thống kê tỉnh Hà Giang đang xây dựng Kế hoạch tuyên truyền và tổ chức Lễ ra quân thực hiện cuộc Điều tra DTTS 2024 trên địa bàn Tỉnh. Trên cơ sở đó, Cục Thống kê phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Giang, Báo Hà Giang, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, tổ chức thực hiện tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, quyền và nghĩa vụ phối hợp cung cấp thông tin… của cuộc điều tra đến nhân dân các DTTS trên địa bàn Tỉnh. Dự kiến, Lễ ra quân triển khai cuộc điều tra được tổ chức tại huyện Vị Xuyên với khoảng trên 130 đại biểu tham dự.

Toàn cảnh Hội nghị tập huấn nghiệp vụ ở huyện Vị Xuyên

Phóng viên: Cục trưởng cho biết những khó khăn, thuận lợi trong thực hiện Điều tra DTTS 2024 tại tỉnh Hà Giang?

Cục trưởng Trần Vĩnh Nội:

Hà Giang là một tỉnh vùng cao, miền núi biên giới nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Phía Bắc và phía Tây có đường biên giới giáp với Trung Quốc với chiều dài 277,5 km; có diện tích tự nhiên 7.927,55 km2, toàn Tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 01 thành phố và 10 huyện; có 193 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 05 phường, 13 thị trấn và 175 xã. Địa hình chia cắt, giao thông đi lại giữa các xã, địa bàn gặp nhiều khó khăn đặc biệt là mùa mưa thường xảy ra lũ ống, lũ quét gây sạt lở. Do đó, trong quá trình triển khai cuộc Điều tra DTTS 2024, tỉnh Hà Giang có những thuận lợi và khó khăn đan xen.

Trước hết, những thuận lợi trong thực hiện cuộc Điều tra DTTS 2024 trên địa bàn tỉnh Hà Giang, đó là Cục Thống kê đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của Ban Dân tộc tỉnh trong xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện cuộc điều tra trên địa bàn Tỉnh. Cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã tích cực chủ động phối hợp, tham gia trong các khâu của cuộc điều tra như: Tuyên truyền, cử người tham gia làm GSV, Tổ trưởng, ĐTV. Lực lượng Tổ trưởng, ĐTV đa phần là công chức, bán chuyên trách xã, có trình độ, sức khỏe, nhiệt tình và đã từng tham gia nhiều cuộc điều tra của ngành Thống kê trước đây. Lực lượng ĐTV là người của xã có ĐBĐT, thông thuộc địa bàn, an ninh của khu vực, hiểu rõ phong tục tập quán.

Bên cạnh những thuận lợi, cuộc Điều tra DTTS 2024 trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn có những khó khăn như: Hà Giang là một trong số các Tỉnh có địa bàn điều tra nhiều nhất cả nước, toàn Tỉnh có 686 địa bàn điều tra, trong đó: 140 địa bàn điều tra toàn bộ; 350 địa bàn điều tra 30 hộ và 196 địa bàn điều tra 40 hộ. Đa phần địa bàn thuộc khu vực vùng sâu vùng xa, dân cư thưa thớt nên khoảng cách giữa các hộ điều tra xa nhau. Kỳ điều tra lại diễn ra vào mùa mưa nên việc đi lại của các lực lượng tham gia cuộc điều tra gặp khó khăn. Các chỉ tiêu trong phiếu nhiều (114 câu hỏi đối với phiếu hộ), trình độ dân trí giữa các khu vực trong Tỉnh không đồng đều, nhiều địa bàn các hộ dân không nói được tiếng phổ thông, phải sử dụng đến người phiên dịch nên phần nào cũng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc điều tra. Hơn nữa, việc tìm người phiên dịch có trình độ, hiểu được các nội dung câu hỏi của phiếu điều tra rất khó khăn nên công tác thu thập thông tin tại hộ mất nhiều thời gian hơn. Nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa không có sóng điện thoại việc lấy GPS theo yêu cầu của phiếu điều tra không thực hiện được. Khoảng cách từ trung tâm xã (nơi có mạng internet, 3G, 4G) tới ĐBĐT xa, mỗi khi muốn đồng bộ dữ liệu, ĐTV phải di chuyển từ địa bàn về trung tâm xã mới đồng bộ dữ liệu điều tra được. Phần mềm điều tra thường xuyên phải cập nhật, khi cập nhật các hộ đã hoàn thành phỏng vấn lên server hay bị nghẽn đường truyền. Ngoài ra, định mức kinh phí lập bảng kê thấp nên rất khó trong công tác tuyển chọn, huy động người thực hiện, đặc biệt là đối với các địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

 

Công tác kiểm tra giám sát lập bảng kê hộ tại Thành phố Hà Giang

Phóng viên: Cục trưởng cho biết sự chỉ đạo phối hợp của lãnh đạo Tỉnh và Ban Dân tộc tại địa phương trong cuộc điều tra này?

Cục trưởng Trần Vĩnh Nội:

Rút kinh nghiệm từ các cuộc điều tra trước, cuộc Điều tra DTTS 2024 Cục Thống kê tỉnh Hà Giang đã phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan thông tin, truyền thông và các đơn vị có liên quan trong quá trình chuẩn bị cũng như quá trình tổ chức triển khai cuộc điều tra. Sự phối hợp chặt chẽ đã được thể hiện trong việc xây dựng, tham gia ý kiến vào các nội dung cũng như triển khai một số khâu quan trọng cuộc điều tra như: Phối hợp trong việc xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai cuộc điều tra trên địa bàn Tỉnh; Phối hợp xây dựng Kế hoạch tuyên truyền và tổ chức Lễ ra quân; Phối hợp cử lực lượng tham gia tập huấn nghiệp thu thập thông tin lập bảng kê, nghiệp vụ điều tra; Phối hợp xây dựng kế hoạch và cử lực lượng tham gia kiểm tra, giám sát thực hiện thu thập thông tin lập bảng kê, thu thập thông tin điều ra; Phối hợp trong công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, quyền và nghĩa vụ trong việc cung cấp thông tin của cuộc điều tra đến với nhân dân các DTTS trên địa bàn Tỉnh. Hay trong thời gian tới, tiếp tục phối hợp tổ chức Lễ ra quân và chỉ đạo thu thập thông tin tại ĐBĐT.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang - Triệu Trung Hiệp

Toàn tỉnh Hà Giang có 1.353 thôn đặc biệt khó khăn/2.071 thôn, bản, tổ dân phố. Có trên 90 vạn người, với 19 dân tộc cùng sinh sống, dân tộc thiểu số chiếm 87,6%. Có 05 dân tộc thiểu số rất ít người (có số dân dưới 10.000 người) gồm: Pà Thẻn, Lô Lô, Bố Y, Pu Péo, Cờ Lao.
 Hầu hết, nơi cư trú của đồng bào DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng núi cao, địa hình bị chia cắt, độ dốc lớn, núi đá, thường xảy ra lũ quét sạt lở đất, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt.

Từ ngày 01/7/2024, Tổng cục Thống kê sẽ tiến hành cuộc Điều tra DTTS 2024 nhằm thu thập thông tin phục vụ đánh giá tình hình, xây dựng và hoạch định chính sách liên quan đến công tác dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng DTTS giai đoạn 2026 - 2030 của cả nước nói chung và của tỉnh Hà Giang nói riêng; đồng thời làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về DTTS tại Tỉnh. Những dữ liệu này rất quan trọng để hình thành hệ thống thông tin, số liệu thống kê phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của Tỉnh phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước, hoạch định chính sách về công tác dân tộc.

 ĐTV đến hộ lập bảng kê tại Thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì

 Toản cảnh Hội nghị tập huấn nghiệp vụ tại huyện Vị Xuyên

M.T (thực hiện)