Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng gặp nhiều thuận lợi

|

Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng gặp nhiều thuận lợi

Ngay sau kết thúc công tác kiểm tra tại tỉnh Đắk Nông, trong 2 ngày 5-6/7/2024, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến cùng các thành viên trong Đoàn giám sát Trung ương tiếp tục kiểm tra, giám sát công tác thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số tại tỉnh Lâm Đồng.
 
Thực hiện Phương án điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2024, tỉnh Lâm Đồng hoàn thành cập nhật địa bàn điều tra và lập bảng kê hộ với 382 địa bàn, tổng số hộ là 39.363 hộ, trong đó tổng số hộ điều tra là 12.549 hộ; 104 xã thực hiện điều tra phiếu xã.
 
Để nắm bắt cụ thể tình hình thu thập thông tin tại tỉnh Lâm Đồng, Đoàn Giám sát đã xuống kiểm tra thực địa tại xã Tà Nung (thành phố Đà Lạt) và xã N’Thol Hạ (huyện Đức Trọng).
 
Đoàn Giám sát đã xuống kiểm tra thực địa tại xã Tà Tung, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng 

Tại thành phố Đà Lạt có 18 địa bàn điều tra, 522 hộ thực hiện điều tra phiếu hộ và 7 xã thực hiện điều tra phiếu xã. Riêng xã Tà Nung có 9 địa bàn điều tra với 267 hộ thực hiện điều tra phiếu hộ và 01 xã thực hiện điều tra phiếu xã. Còn tại huyện Đức Trọng có 54 địa bàn với 2061 hộ điều tra phiếu hộ và 13 xã thực hiện điều tra phiếu xã. Xã N’Thol Hạ có 6 địa bàn điều tra với 220 hộ và 01 xã thực hiện điều tra.
 
Qua kiểm tra, giám sát điều tra viên phỏng vấn các hộ tại xã Tà Nung (thành phố Đà Lạt) và xã N’Thol Hạ (huyện Đức Trọng) cho thấy, phần lớn các điều tra viên đều hỏi đúng quy trình, thực hiện phỏng vấn và ghi phiếu đạt yêu cầu. Các giám sát viên cấp tỉnh, cấp huyện làm tốt công tác giám sát tại địa bàn, kịp thời hỗ trợ điều tra viên xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
 
Sau kiểm tra thực địa, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến cùng Đoàn Giám sát Trung ương đã có buổi làm việc, rút kinh nghiệm với Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng.
 
Báo cáo tại buổi làm việc, Quyền Cục trưởng CTK tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Công Thạnh cho biết, ngay từ quý III/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn số 6442/UBND-TH về điều tra thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2024, giao Cục Thống kê phối hợp với các Sở ngành hữu quan tổ chức thực hiện tốt Phương án điều tra. Sau khi có quyết định ban hành phương án các cuộc điều tra của và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Thống kê, Cục Thống tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo và giao cho Chi cục Thống kê cấp huyện phối hợp các Phòng nghiệp vụ thực hiện công tác rà soát, cập nhật địa bàn điều tra đảm bảo thu thập đầy đủ thông tin.

Toàn Tỉnh đã tuyển chọn và trưng tập 166 người lập bảng kê hộ, 304 điều tra viên phiếu hộ, phiếu xã, 104 tổ trưởng điều tra. Hầu hết các điều tra viên có kinh nghiệm thực hiện điều tra và có đầy đủ thiết bị theo yêu cầu. Lực lượng giám sát viên cấp tỉnh, huyện là lãnh đạo, công chức các phòng nghiệp vụ và Ban Dân tộc Tỉnh; lãnh đạo Chi cục, lãnh đạo phụ trách công tác dân tộc huyện và công chức Chi cục, có nghiệp vụ chuyên môn tốt. CTK tỉnh Lâm Đồng đồng thời tổ chức thành công các lớp tuấn huấn nghiệp vụ cấp tỉnh, cấp huyện, hướng dẫn  ĐTV kê khai phiếu trên phần mềm CAPI, cách xử lý khi có thông báo lỗi; làm tốt công tác tuyên truyền về cuộc điều tra trên các kênh truyền thông với nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
 
Từ ngày 01/7/2024, các điều tra viên đồng loạt ra quân điều tra tại các địa bàn. Công tác thu thập thông tin điều tra DTTS tại tỉnh Lâm Đồng gặp khá nhiều thuận lợi như: Nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ Ban dân tộc, UBND các cấp huyện, xã; Công tác tuyển chọn điều tra viên tại huyện, thành phố được Chi cục Thống kê thực hiện tốt; Công tác giám sát được Lãnh đạo Cục Thống kê chú trọng và quan tâm. Trang Web quản lý giám sát hoạt động tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các giám sát viên kiểm tra, giám sát đầy đủ quy trình thu thập và chất lượng dữ liệu.
 
Sau bỡ ngỡ trong xác định một số chỉ tiêu trong những ngày đầu ra quân, nhất là xác định nhân khẩu thực tế thường trú, đến nay các điều tra viên đã nắm rõ nghiệp vụ và có kỹ năng khá tốt. Nhờ đó, cuộc điều tra đã tiến hành thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Tính đến 11h ngày 05/7/2024, toàn Tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành 1.302/12.549 phiếu hộ, đạt tỷ lệ 10,4%, trong đó, tỷ lệ hoàn thành của thành phố Đà Lạt đạt cao nhất 29,9% với 156/522 hộ đã thực hiện. Tiếp đến là các huyện Đạ Tẻh (17,4%); Lạc Dương (16,8%)...
 
Trong quá trình thực hiện, Cục Thống kê đã phân công các giám sát viên cấp tỉnh bám sát địa bàn, phối hợp với giám sát viên cấp huyện kiểm tra, tiến độ thực hiện của điều tra viên, uốn nắn nghiệp vụ ngay tại địa bàn và ra các công văn hướng dẫn nghiệp vụ kịp thời để Chi cục Thống kê có cơ sở tổ chức điều tra tại địa bàn có hiệu quả.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên vẫn còn còn một số tồn tại, hạn chế như: Khó định dạng được tên đồng bào dân tộc thiểu số trên phiếu; một số người không nhớ chính xác thông tin, phải mất thời gian tìm hiểu các giấy tờ để cung cấp thông tin; kết nối internet không ổn định; việc tiếp cận các hộ dân gặp khó khăn do nhiều đồng bào dân tộc ở bản vùng sâu, vùng xa đi làm cả ngày ở nương rẫy...
 
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến và Đoàn Giám sát Trung ương làm việc với CTK tỉnh Lâm Đồng
 
Sau nghe báo cáo của Lãnh đạo CTK tỉnh Lâm Đồng và kiểm tra thực tế, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến đánh giá cao công tác chuẩn bị triển khai điều tra của tỉnh Lâm Đồng. Phó Tổng cục trưởng cũng lưu ý một số vấn đề trong quá trình thu thập thông tin: Các điều tra viên cần bật và cập nhật định vị trước khi phỏng vấn; đọc đúng nội dung câu hỏi trên phần mềm CAPI; các giám sát viên cần thường xuyên cùng các điều tra viên xuống bàn để kịp thời nắm bắt tiến độ điều tra và xử lý các tình huống, lỗi phát sinh... Với việc thực hiện nghiêm túc khâu kiểm tra giám sát và tuân thủ quy trình điều tra theo phương án, phát huy và tận dụng tối đa những điều kiện thuận lợi, chắc chắn Lâm Đồng sẽ hoàn thành tốt công tác điều tra thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2024 của địa phương, góp phần vào thành công chung của cả nước./.