3 năm thí điểm triển khai mô hình Khu công nghiệp sinh thái: Xu hướng xanh hóa công nghiệp tại Việt Nam

|

3 năm thí điểm triển khai mô hình Khu công nghiệp sinh thái: Xu hướng xanh hóa công nghiệp tại Việt Nam

Sau 3 năm thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái
 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 11/2018, cả nước có 328 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 94 nghìn ha (trong đó có 249 KCN đã đi vào hoạt động và 79 KCN đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng). Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 53%; riêng các KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 73%.
 
Việc gia tăng các hoạt động sản xuất công nghiệp và hệ thống các KCN tại Việt Nam đã và đang tạo ra các thách thức cần giải quyết cấp bách, như: Ô nhiễm KCN ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và đời sống của người dân xung quanh, tài nguyên thiên nhiên chưa được sử dụng hiệu quả; nhiều giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên chưa được ứng dụng; cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong KCN hoặc giữa các KCN còn hạn chế; các dịch vụ trong KCN chưa được cung cấp đầy đủ hoặc chất lượng chưa cao…

 


Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Để giải quyết bài toán về bảo vệ môi trường và tiết kiệm, năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” với tổng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại trị giá 4,554 triệu USD của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và UNIDO. Mục tiêu Dự án nhằm tăng cường chuyển giao, ứng dụng, phổ biến công nghệ và phương thức sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính, cũng như các chất gây ô nhiễm nước và quản lý tốt hóa chất tại các KCN Việt Nam. Dự án được thực hiện trong 36 tháng tại các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ.
 
Sau 3 năm thí điểm triển khai mô hình KCN sinh thái, 72 doanh nghiệp tham gia chương trình tại ba KCN thí điểm đã áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), giúp tiết kiệm điện nước, nguyên vật liệu hàng năm tương ứng 75 tỉ đồng thông qua cắt giảm khoảng 17,8 triệu kWh điện, 429 nghìn mét khối nước và một lượng đáng kể nguyên liệu, nhiên liệu. Đáng chú ý, lợi ích môi trường từ chương trình này là mỗi năm giảm được 24,89 tấn CO2; 4 tấn hóa chất, 3.335 tấn rác thải rắn và 429 m3 khối nước thải...
 
Trong đó, KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) là một thí điểm thành công của dự án chuyển đổi sang KCN sinh thái. Đánh giá sơ bộ của đoàn chuyên gia dự án đối với nhóm 8 doanh nghiệp đang hoạt động tại đây cho thấy, toàn bộ các công ty chọn thí điểm chuyển đổi đã tiết kiệm được năng lượng điện 5-10%, nước tiết kiệm được 3-5%, giảm thải CO2 510,1 tấn/năm… KCN Hòa Khánh là 1 trong 3 KCN thí điểm của dự án đã được Quỹ Môi Trường toàn cầu (GEF) lựa chọn là địa điểm tham quan cho đại biểu tham dự Đại hội đồng GEF lần thứ 6, tổ chức vào tháng 6 vừa qua tại Đà Nẵng.
 
Một kết quả đáng khích lệ khác là mô hình đã thu hút được sự tham gia tích cực và chủ động của nhiều doanh nghiệp trong việc đầu tư cải tiến quy trình quản lý và vận hành, đổi mới và ứng dụng công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn, giảm các nguồn gây ô nhiễm, tái sử dụng chất thải và phế liệu, sử dụng hiệu quả tài nguyên.
 
Trên cơ sở các kết quả tích cực sáng kiến KCN sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 quy định về quản lý KCN và KKT, trong đó thể chế hóa các khái niệm KCN sinh thái, cộng sinh công nghiệp, đưa ra các tiêu chí xác định KCN sinh thái, khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư và doanh nghiệp áp dụng và phát triển theo mô hình KCN sinh thái. Cụ thể, Nghị định 82, quy định một số tiêu chí mà KCN sinh thái phải đạt được như: Có ít nhất 25% diện tích là cây xanh, giao thông; hạ tầng dịch vụ được dùng chung; tối thiểu 90% doanh nghiệp trong KCN có nhận thức về RECP; tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN áp dụng các giải pháp RECP; ít nhất 10% doanh nghiệp trong KCN có kế hoạch tham gia các liên kết cộng sinh công nghiệp...
 
Thách thức chuyển đổi KCN sinh thái
 
Xây dựng mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức do khái niệm KCN sinh thái vẫn còn  khá mới mẻ tại Việt Nam, các quy định, văn bản pháp quy về KCN sinh thái hầu như chưa có. Nhiều chuyên gia cho rằng việc chuyển đổi một KCN truyền thống thành KCN sinh thái có liên kết cộng sinh sẽ gặp không ít khó khăn. Ngay cả việc định nghĩa thế nào là chất thải còn chưa nhất quán. Mặt khác, thực tế hoạt động quản lý chất thải tại Việt Nam cũng chưa phù hợp nhu cầu tái sử dụng. Chưa kể một số chất thải nguy hại có thể tái sử dụng nhưng không được xử lý tại chỗ mà phải vận chuyển đến một nơi phù hợp và phải có giấy phép. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng dùng chung tại các KCN hiện nay mới chỉ đạt mức cơ bản về điện, nước và xử lý nước thải. Để có thể kết nối dòng nguyên liệu giữa các doanh nghiệp thì cần phải đầu tư lại, hoặc nâng cấp toàn bộ hạ tầng, đường dẫn... Những viiệc này đòi hỏi số vốn đầu tư không nhỏ.
 
Các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN cũng thiếu sự tương thích so với yêu cầu liên kết cộng sinh. Khả năng cung ứng của doanh nghiệp này không tương thích với nhu cầu tiêu thụ của doanh nghiệp kia, hay sự khác biệt về trình độ công nghệ, quy mô...
 
Việc chuyển đổi các KCN truyền thống theo Nghị định 82 đang vướng mắc về một số tiêu chí mà KCN sinh thái phải đạt được. Theo các doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN, việc chuyển đổi này sẽ cần nhiều thời gian để đáp ứng những tiêu chí của một KCN sinh thái. Đơn cử việc điều chỉnh quy hoạch KCN để được 25% diện tích cho cây xanh, giao thông phải mất hàng năm, thậm chí cả chục năm. Hay việc vay vốn để chuyển đổi công nghệ, đào tạo nhân sự cho công nghệ mới cũng không thể trong ngắn hạn. Ngoài ra, những chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp KCN sinh thái liên quan đến nhiều bộ, ngành nên rất cần sự hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các bộ, ngành với nhau. Theo các nhà quản lý, để thực hiện tốt các yêu cầu của Nghị định 82 thì cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, xây dựng hoàn thiện các văn bản pháp luật hướng dẫn doanh nghiệp cũng như các tổ chức liên quan triển khai hiệu quả mô hình này.
 
Một số đề xuất thúc đẩy chuyển đổi và xây dựng KCN sinh thái
 
Để thúc đẩy việc chuyển đổi và xây dựng các KCN sinh thái, cần tập trung thực hiện vào một số nội dung sau đây:
 
Thứ nhất, để hỗ trợ và chuyển đổi KCN sinh thái, Nhà nước cần khuyến khích thành lập quỹ tài chính ngoài ngân sách. Vốn điều lệ của quỹ do ngân sách cấp. Quỹ được huy động từ các nguồn khác như: Đóng góp tự nguyện và ủy thác của các tổ chức, nhân trong ngoài nước dành cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp xanh, KCN sinh thái cũng như huy động các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật. Hội đồng quản lý quỹ gồm đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương.
 
Thứ hai, định nghĩa về chất thải, rác thải. Nền tảng chủ chốt của KCN sinh thái là mối quan hệ cộng sinh giữa các doanh nghiệp. Thực tế này đặt ra vấn đề phải hiểu lại quan niệm về chất thải, rác thải, nhằm đảm bảo quan hệ cộng sinh có lợi nêu trên không bị hạn chế bởi những quy định về quản lý chất thải, rác thải. Việc tạo điều kiện cho các sản phẩm từ chất thải, rác thải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh, an toàn có thể được trao đổi trên thị trường cũng cần được quan tâm.
 
Thứ ba, KCN sinh thái chỉ có thể hình thành và vận hành một cách hiệu quả khi các thông tin về đầu vào và đầu ra của các doanh nghiệp là sẵn có. Hệ thống thông tin về doanh nghiệp đòi hỏi có một hệ thống thông tin được thiết kế tốt, chứa đựng đầy đủ các thông tin cần thiết, có sự tham gia của tất cả các doanh nghiệp trong KCN, đồng thời đảm bảo bí mật kinh doanh của các doanh nghiệp. Việc xây dựng, vận hành và quản lý một hệ thống thông tin như vậy phải thuộc về chức năng của cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý và phát triển KCN sinh thái./.
 
Trong xây dựng KCN sinh thái, các nước trên thế giới nhìn nhận hệ thống KCN không phải bao gồm các thực thể riêng rẽ mà là một tổng thể các thành phần liên quan, giống như một hệ sinh thái. Đây là một trong những hướng sản xuất bền vững của từng quốc gia, từng KCN, từng doanh nghiệp thông qua giải quyết tốt vấn đề khan hiếm tài nguyên, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
KCN sinh thái là một mô hình của nền kinh tế tuần hoàn, đầu thải ra của một cá thể được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho một cá thể khác trong nền kinh tế. Như vậy, dòng nguyên liệu sẽ được tận dụng tối đa để tạo ra sản phẩm và hạn chế tối thiểu nguồn thải bỏ. Việc chuyển đổi KCN truyền thống với mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế sang mô hình KCN sinh thái với yêu cầu hài hòa cả về kinh tế, môi trường và  xã hội  sẽ mang lại hiệu quả cho 4 bên gồm: Doanh nghiệp (tiết kiệm chi phí sản xuất), môi trường (giảm tiêu thụ nước, hóa chất và giảm phát thải), cộng đồng (cải thiện sức  khỏe  lao  động, chất  lượng  sống) và  cơ  quan  quản lý (đạt  mục  tiêu  phát  triển  bền  vững).
 
ThS. Phùng Thị Kim Phượng - ThS. Trần Thanh Tùng
Đại học Công nghiệp Hà Nội