Người kể chuyện đô thị

|

Không coi là một tour du lịch, Nguyễn Vũ Hải chỉ khiêm tốn cho biết, mỗi chương trình của anh như một trải nghiệm để anh có thể chia sẻ những học hỏi và khám phá của mình đến nhiều người về Hà Nội xưa. Một lộ trình đi bộ qua nhiều con phố, kéo dài trong khoảng 7 tiếng đòi hỏi chàng thanh niên sinh năm 1990 ngoài sự hiểu biết rộng về từng chủ đề còn phải có nghệ thuật duy trì sự hứng khởi, nhiệt tình cho 5-8 người tham gia và lôi cuốn họ vào câu chuyện của anh.

Không sai nếu nói rằng Hải như một người kể chuyện về Hà Nội, về đô thị, thay vì là một hướng dẫn viên du lịch.

Dấu sông hồn phố

“Trong một lần mải mê nhìn bản đồ Hà Nội, tôi kẻ lại một dòng nước đã khuất trên nền tấm bản đồ mới; và vui mừng nhận ra - đi theo dòng nước ấy là lịch sử hàng trăm năm, mà từng lớp lang lại kể một câu chuyện riêng theo các thời kỳ lịch sử…”.

Hải đã bắt đầu cuộc gặp gỡ với bảy người, không tính tôi và Hải, tham gia chương trình “Dấu sông hồn phố” như vậy, vào một buổi sáng thứ bảy cuối tháng 10. Hà Nội lúc này thật sự thích hợp, trời se se lạnh, có nắng nhưng không gắt quá.

Chỗ chúng tôi tập trung là số 1 phố Chợ Gạo, quận Hoàn Kiếm và ở sảnh tòa nhà Techcombank được xem là cửa sông Tô Lịch cũ đó, Hải phát cho mỗi người tài liệu cầm tay, giới thiệu qua về chuyến đi, mô hình đô thị, trước khi anh dẫn tất cả di chuyển qua các phố Đào Duy Từ, Hàng Buồm, Chả Cá, Hàng Lược và Hàng Đậu.

Trong phần 1 chủ yếu là về đô thị Thăng Long này, Hải nói về khu vực cửa sông Tô Lịch, người Hoa, đời sống bên bờ dòng nước. Theo dòng nước ấy là lịch sử hàng trăm năm, mà từng lớp lang lại kể một câu chuyện riêng theo các thời kỳ lịch sử. Chúng tuần tự, tuần tự, từ nơi thượng nguồn đã khuất tới nơi còn hiển lộ - là cuộc đời của dòng sông, cũng là dòng đời của đô thị mà anh đang sống: Phố cổ-phố Pháp - những nhà máy trong thời kỳ chiến tranh-những khu nhà tự phát sau đổi mới-những khu đô thị đang xây. Và dòng nước đã khuất ấy là sông Tô Lịch.

Bằng kiến thức nhập môn về đô thị từng học ở Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, tư liệu tổng hợp và hỗn tạp về Hà Nội; thông qua những tấm bản đồ chồng lớp, Hải dẫn chúng tôi cùng trôi theo một câu chuyện về thành phố.

Dấu sông là một cái cớ để tất cả đi, khám phá; những chuyển biến về mô hình đô thị giúp tất cả nhìn, quan sát; suy nghĩ những cộng đồng đã sống và bị ẩn danh, những thay đổi quan niệm về nước-sông-dòng chảy. Và như đã nêu trên, hành trình “Dấu sông hồn phố” là một thể nghiệm của Hải để chia sẻ về Hà Nội của mình qua dấu tích của dòng Tô Lịch cũ.

Thật vậy, dòng Tô Lịch gắn với Hà Nội qua nhiều giai đoạn đổi thay. Trong “Chuyện cũ Hà Nội”, nhà văn Tô Hoài có viết “Sông Tô Lịch chảy ngược”, trong đó tôi có ấn tượng với những câu như: “…Vào mùa hạ mưa chiều, nước hồ Tây dềnh lên chảy ra sông. Cuối thu, hồ bắt đầu cạn, sông Tô Lịch lại chảy vào hồ. Bởi thế mà sông Tô Lịch có tên là sông Chảy Ngược...”.

Gần đây, tôi lại có dịp đọc qua cuốn “Triệu dấu chân qua những cửa ô” của Nguyễn Trương Quý, trong đó có bài “Nhị Hà lấp lánh sao thưa”. Nhà văn đã đặt vấn đề về điều bất thường mà người nào đến Hà Nội bây giờ cũng dễ thắc mắc: tên thành phố nghĩa là ở trong sông, và khung cảnh thành phố gắn với con sông lớn nhất miền bắc-sông Hồng-cũng như các mặt hồ rải rác quanh thành phố… nhưng vì sao Hà Nội lại “khô” hơn trước?

Điều bất thường đó đã được nhà văn giải thích qua 11 trang sách, cũng giống như việc Hải tìm kiếm dấu tích của dòng Tô Lịch cũ, vốn là nhánh của sông Nhĩ Hà, là dòng sông cổ của Thăng Long. Theo chia sẻ của Hải và những hiểu biết vốn có của tôi, sông Tô Lịch là một đường bao của kinh đô Thăng Long xưa. Đoạn sông từ Cầu Gỗ đến Bưởi nay đã bị lấp, chỉ còn lại một vài dấu tích ở Thụy Khuê.

Do đó, sông Tô Lịch không còn thông với sông Hồng nữa. Sông Tô Lịch ngày nay bắt đầu từ phường Nghĩa Đô thuộc quận Cầu Giấy, chảy cùng hướng với đường Bưởi, đường Láng, đường Khương Đình và đường Kim Giang về phía nam, tây nam rồi ngoặt sang phía đông nam và đổ ra sông Nhuệ.

Dĩ nhiên, chúng tôi không đi theo một hành trình như vậy bởi thực tế “sông” chỉ là một phần của chương trình, bên cạnh đó còn có “hồn phố” là đô thị Hà Nội. Theo chân Hải, chúng tôi dừng ở bốt Hàng Đậu, rồi ra Phan Đình Phùng, tìm hiểu sự phát triển của Hà Nội từ một đô thị vùng Viễn Đông tới một đô thị do người Pháp thiết kế và xây dựng. Trên chặng đường đó, con sông đã chuyển mình từ vai trò huyết mạch của mọi hoạt động (thương mại, giao thông, sinh hoạt, tín ngưỡng) thành một đường cống ngầm đô thị...

Nguyễn Vũ Hải (thứ ba từ phải sang) kể về Hà Nội qua những chương trình bộ hành của anh.

Hiểu để thêm yêu Hà Nội

Để xây dựng một câu chuyện kéo dài qua các con phố như thế, trong khoảng 7 tiếng đồng hồ, rồi mọi thắc mắc, giải đáp, chia sẻ, những tài liệu tham khảo mà Hải chia sẻ như các bản vẽ, nghiên cứu từ Hà Nội-Toulouse về phố cổ Hà Nội; bản đồ, ảnh từ flick Mạnh Hải; Kỹ thuật người An Nam của Henri Oger; Khảo cứu Tô Lịch-xuôi dòng huyền thoại của Nguyễn Huy Hoàng; hay nghiên cứu The Great Hanoi Rat Hunt: Empire, Disease, and Modernity in French Colonial Vietnam của Michael G.Vann chỉ là một phần.

Điều làm tôi ngạc nhiên ở đây là Hải tốt nghiệp Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, chứ không phải là một chuyên ngành về lịch sử, văn hóa, thủy lợi hay du lịch… Và “Dấu sông hồn phố” chỉ là một chương trình mà anh xây dựng, cố gắng duy trì mấy năm qua trong rất nhiều công việc mưu sinh của mình.

Hải yêu Hà Nội thật sự không chỉ vì anh sinh ra và lớn lên ở đường Bưởi. Và một người bạn của tôi cũng đã có những chia sẻ rất đúng về con người Hải: “Nó (Hải) vác Minsk đi từ mũi đất Thu Lũm-Lai Châu, ngang qua Hà Giang rồi về Khuổi Ki, Cao Bằng... Có lần vào đến Bình Thuận, nó ngỡ tưởng mình hẳn là người Chăm. Rồi nó về lục lọi lại đám tư liệu người Chăm ở Thăng Long, cốt tìm cho bằng được liên kết. Nó cứ đi, người dân quý nó lắm, thủ thỉ kể cho nó cả tỷ thứ chuyện”.

Như Hải thừa nhận thì anh thuộc về Hà Nội - một thành phố đáng yêu và đáng trách. Anh không hài lòng với những quy hoạch thô bạo, đã lấy đi một Hà Nội lãng mạn trong tâm tưởng của anh và anh vẫn cố vớt vát tìm kiếm những điều ngọt ngào còn sót lại. Cái ám ảnh kiến trúc có lẽ rõ đậm nhất trong đám bản đồ anh tích trữ trong nhà và trong laptop. Vì thế mọi người chỉ cần nói ra một khu nào đó của Hà Nội, anh sẽ cầm bút lên và vẽ một tọa đồ...

Vì thế, dù không còn “Một mảnh kinh kỳ”, dù anh đi nhiều và làm vài nghề, vẫn còn đó “Dấu sông hồn phố”, để đưa mọi người vào một hành trình qua từng con phố, từng bước chân...