Kiên Giang: 5 năm đón tiếp và phục vụ khoảng 37 triệu lượt khách

|

NDO - Giai đoạn năm 2018-2023, tỉnh Kiên Giang đón tiếp và phục vụ khoảng 37 triệu lượt khách, trong đó hơn 2 triệu lượt khách quốc tế; tổng doanh thu đạt 66 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt hơn 6%/năm.

Chiều 31/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Kế hoạch 109/KH-UBND ngày 18/6/2018 về thực hiện Nghị Quyết số 03-NQ/TU ngày 16/11/2017 của Tỉnh ủy Kiên Giang về phát triển du lịch của tỉnh Kiên Giang đến 2020 và định hướng đến năm 2030.

Qua 5 năm qua, các cấp, các ngành tỉnh Kiên Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện phát triển du lịch đạt được nhiều kết quả quan trọng. Du lịch Kiên Giang đã có bước phát triển khá nhanh, đang trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Giai đoạn năm 2018-2023, tỉnh Kiên Giang đón tiếp và phục vụ khoảng 37 triệu lượt khách, trong đó hơn 2 triệu lượt khách quốc tế; tổng doanh thu đạt 66 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt hơn 6%/năm. Đến nay, lao động du lịch toàn tỉnh có 15.575 người. Ngành du lịch Kiên Giang thời gian qua đã thể hiện vai trò ngành kinh tế chủ đạo; khẳng định vị trí, thương hiệu du lịch xứng tầm khu vực và quốc tế với nhiều giải thưởng, danh hiệu quốc tế.

Quang cảnh hội nghị.

Từ 2018 đến tháng 6/2023, toàn tỉnh Kiên Giang thu hút được 50 dự án đầu tư du lịch; đến nay, toàn tỉnh thu hút được 317 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng diện tích hơn 9.660ha và tổng vốn đầu tư gần 372.500 tỷ đồng; trong đó, hiện có 76 dự án đã đi vào hoạt động, với tổng quy mô hơn 1.300ha và vốn đầu tư hơn 18.100 tỷ đồng.

Từ 2018 đến tháng 6/2023, toàn tỉnh Kiên Giang thu hút được 50 dự án đầu tư du lịch.

Tại hội nghị, các đại biểu đề xuất các giải pháp phát triển du lịch tỉnh Kiên Giang thời gian tới, như đẩy mạnh xúc tiến du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ phát triển du lịch, phòng chống tội phạm, bảo vệ môi trường, mở rộng các thị trường mới… Bên cạnh đó, tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, di tích văn hóa-lịch sử để phục vụ phát triển kinh tế du lịch…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung ghi nhận các ý kiến đóng góp, đề xuất của đại biểu để phát triển tiềm năng du lịch của tỉnh; đồng thời chỉ ra một số điểm nghẽn của du lịch tỉnh Kiên Giang như: Xúc tiến quảng bá, truyền thông; hạ tầng du lịch; bất cập trong công tác quản lý; nhân lực du lịch qua đào tạo chuyên ngành; việc triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch còn hạn chế...

Thời gian tới, đồng chí Nguyễn Lưu Trung đề nghị các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức của cộng đồng, những người làm du lịch về vai trò ngày càng quan trọng của ngành du lịch trong phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung phát biểu tại hội nghị.

Các địa phương thuộc vùng trọng điểm du lịch của tỉnh như: Thành phố Phú Quốc, thành phố Hà Tiên, thành phố Rạch Giá và các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, U Minh Thượng nghiên cứu, xem xét bố trí ít nhất 1 cán bộ chuyên trách về du lịch để quản lý, theo dõi, hướng dẫn hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn có hiệu quả, đúng quy định pháp luật và định hướng phát triển ngành.

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo bước đột phá, thay đổi mạnh mẽ diện mạo, hình ảnh du lịch Kiên Giang, làm tiền đề và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Nuôi cá bống mú ở xã Tiên Hải, thành phố Hà Tiên phục vụ khách du lịch.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đề nghị nâng cấp hệ thống trường, doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động du lịch theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành du lịch.