Trong tuần, tâm dịch châu Âu vẫn là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất, với 8,2 triệu ca bệnh mới (giảm 18%), cao gấp đôi khu vực xếp thứ hai là châu Á với xấp xỉ 4 triệu ca bệnh. Tiếp theo đó là Nam Mỹ với 1,56 triệu ca mắc mới và Bắc Mỹ 1,35 triệu ca.
Tất cả các khu vực trên thế giới đều trên đà giảm các ca nhiễm mới, với mức giảm mạnh nhất ghi nhận ở Bắc Mỹ (giảm 43%), tiếp theo là châu Phi giảm 30%, Nam Mỹ giảm 25% và châu Âu giảm 18%.
Tuy trên đà giảm nhưng con số hơn 15,45 triệu ca bệnh mới ghi nhận trên toàn cầu trong 7 ngày qua vẫn phản ánh thực tế đáng lo ngại, khi mỗi ngày thế giới vẫn ghi nhận tới hơn 2,2 triệu ca mắc mới.
Trong tuần, số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu đã cán cột mốc mới khi vượt ngưỡng 400 triệu ca trong làn sóng lây lan mạnh của biến thể mới Omicron, đẩy hệ thống y tế ở một số quốc gia vào tình trạng quá tải.
Chỉ mất hơn 1 tháng, số ca mắc Covid-19 toàn cầu từ mốc 300 triệu đã chạm ngưỡng 400 triệu, so với 5 tháng từ mốc 200 triệu lên 300 triệu, đủ để cho thấy tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron.
Theo thống kê, 5 quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất trong 7 ngày qua gồm Đức, Nga, Mỹ, Pháp và Brazil, với số ca mắc đều xấp xỉ hoặc vượt ngưỡng 1 triệu ca, chiếm khoảng 37% tổng số ca mắc mới được ghi nhận trên toàn thế giới.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh, với 1 triệu ca mắc mới được ghi nhận ở nước này cứ sau mỗi 3 ngày. Số ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ cũng đã vượt mốc 900 nghìn ca.
Ở Pháp, trung bình cứ sau 5 ngày lại có thêm khoảng 1 triệu ca nhiễm mới. Tổng số ca bệnh được xác nhận ở Pháp kể từ khi đại dịch bùng phát đã vượt qua con số 21 triệu.
Tính riêng ở châu Âu, khoảng hơn một nửa số ca nhiễm mới được báo cáo trên toàn thế giới là từ các quốc gia ở châu lục này, trong đó 21 quốc gia vẫn đang trên đỉnh của đường cong dịch bệnh. Châu Âu đã ghi nhận hơn 144 triệu ca mắc và hơn 1,66 triệu ca tử vong liên quan đến Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát.
Mặc dù châu Âu ghi nhận tới hơn 1 triệu ca mắc mới hầu như mỗi ngày, một số quốc gia tại châu lục này đang dần dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch. Tây Ban Nha đã bỏ yêu cầu đeo khẩu trang ngoài trời, nới lỏng một số hạn chế khi tình hình dịch bệnh trong nước dần thuyên giảm. Hy Lạp cũng đã bắt đầu cho phép khách du lịch có giấy chứng nhận tiêm ngừa Covid-19 của châu Âu nhập cảnh vào nước này mà không cần phải có kết quả xét nghiệm âm tính.
Tại châu Á, một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Israel, Iran và Indonesia đều ghi nhận hơn 200 nghìn ca mắc mới trong tuần. Ở Đông Nam Á, một loạt quốc gia như Malaysia, Myanmar, Brunei, Timor-Leste và Campuchia ghi nhận mức tăng số ca mắc mới ở 3 chữ số.
Số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu có xu hướng chậm lại, với 70.853 bệnh nhân không qua khỏi trong tuần qua, giảm 4%. Song nếu tính cả 5 tuần trở lại đây, số ca tử vong trên toàn cầu trong trung bình 7 ngày đã tăng tới 70%.
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, số ca mắc mới tăng cao có thể là dấu hiệu cho thấy làn sóng lây nhiễm ở nhiều nước sắp đạt đỉnh, trong khi dữ liệu của trang thống kê Our World in Data cho thấy, 61,8% dân số thế giới hiện đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19. Điều này đã thúc đẩy thêm nhiều quốc gia công bố kế hoạch mở cửa trở lại hoặc nới lỏng các biện pháp hạn chế để khôi phục kinh tế.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại khi một số quốc gia gần đây đã báo cáo sự gia tăng số ca mắc Covid-19 do dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron, hay còn gọi là biến thể “Omicron tàng hình” gây ra. Dạng phổ biến nhất của biến thể Omicron, BA.1, vẫn chiếm 98,8% các ca mắc mới theo giải trình tự gene được gửi đến kho cơ sở dữ liệu toàn cầu GISAID tính đến ngày 25/1.
Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới