Gỡ rối “kiểu EU”

|

NDO - NDĐT - Có lẽ ít ai có thể ngờ được âm hưởng của vụ thảm sát tại tuần báo Charlie Hebdo của Pháp lại lớn đến mức có thể đẩy châu Âu rơi vào tình trạng căng thẳng như cách đây 30 năm.

Vào đầu những năm 1980, việc Mỹ và Liên Xô triển khai tên lửa tầm trung Pershing 2 và SS-20 đã đẩy châu Âu quay trở lại tình trạng "bên miệng hố chiến tranh" chẳng khác gì hồi thập kỷ 50, thời điểm khốc liệt nhất của Chiến tranh lạnh. Sau sự kiện 7-1-2015, an ninh châu Âu cũng đang bị đặt trong tình trạng báo động cao nhất bởi nguy cơ khủng bố. Tuy vậy, hai tình trạng này có sự khác biệt cơ bản. Căng thẳng hồi thập kỷ 80 là do sự đối đầu trở lại giữa Mỹ và Liên Xô, và vì thế mà khi Mỹ và Liên Xô bắt đầu đối thoại thì hòa dịu ngay lập tức trở lại. Ngược lại, tình trạng hoảng loạn hiện nay lại chủ yếu là do chính các nước châu Âu tự tạo ra. Tất cả những tên tội phạm gây nên hai vụ thảm sát tại Paris đều là công dân sinh ra và lớn lên tại Pháp. Mục tiêu gây án là nhằm trả thù những nhà báo của Charlie Hebdo do có những bức tranh biếm họa nhằm vào Đấng tiên tri Mohammed. Hơn nữa, trong lúc phải tập trung đối phó với nguy cơ khủng bố EU cũng còn phải lo giải quyết cuộc khủng hoảng Ucraina, đặc biệt là quan hệ căng thẳng với Nga, tình trạng giảm phát kinh tế hay sự mất giá của đồng euro v.v. Trong bối cảnh trăm mối tơ vò như vậy, các nước EU sẽ tìm cách tháo gỡ ra sao, trước hết là vấn đề chống khủng bố quốc tế, là điều khiến cộng động quốc tế hết sức quan tâm.

Trước hết là việc huy động một số lượng lớn quân đội và cảnh sát nhằm thắt chặt kiểm soát an ninh. Pháp đã cho triển khai 15.000 quân đội và cảnh sát trên khắp đất nước. Lần đầu tiên sau 35 năm, Bỉ đã phải huy động 300 binh sĩ canh phòng các địa điểm nhạy cảm như sứ quán Mỹ và Israel, trụ sở EU và NATO. Tại Đức, Hà Lan và Hy Lạp, quân đội cũng được đặt trong tình trạng báo động. Đành rằng, vụ thảm sát 7-1 là lời cảnh báo thực sự về nguy cơ khủng bố, và nhất là thông tin về sự tồn tại của khoảng 20 nhóm cực đoan với 180-200 thành viên đang ẩn náu tại châu Âu, trong đó không ít tên trở về từ Trung Đông, vì thế việc chính quyền các nước EU tổ chức các chiến dịch an ninh rầm rộ như vậy cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, những chiến dịch này rõ ràng không thể kéo dài mãi, trong khi những kẻ khủng bố lại có thừa sự kiên nhẫn để chờ đợi thời cơ. Hơn thế, giới chức phương Tây dường như đã quên rằng mục tiêu của những hoạt động khủng bố đâu phải chỉ ở những nơi đang được giám sát chặt chẽ. Thậm chí, chính những hoạt động rầm rộ như vậy lại giúp bọn khủng bố dễ đối phó. Ngoài ra, chính việc kiểm soát đi lại cũng như hoạt động của những đối tượng tình nghi, trước sau gì cũng đụng chạm tới hệ thống luật pháp hiện hành của EU, đơn cử như hiệp ước Schengen (có hiệu lực từ 3-1995) về xóa bỏ đường biên giới hay quy định về bảo vệ quyền tự do cá nhân v.v. Thời gian chịu đựng của dân chúng châu Âu sẽ chứng minh tính hiệu quả của những hoạt động mang tính nhất thời, nặng về hình thức này.

Tiếp theo, đó là việc EU chủ trương tăng cường hợp tác, cả trên bình diện nội khối lẫn quốc tế. Đã từ lâu, ít nhất là kể từ sau vụ 11-9-2001, thì việc hợp tác quốc tế, đặc biệt là hợp tác với các nước Ả Rập, đã trở thành một trong những điều kiện tiên quyết để ngăn chặn nguy cơ khủng bố quốc tế. Ngay sau vụ 7-1, tại phiên họp ngày 19-1-2015 tại Brussels, các ngoại trưởng EU thống nhất sẽ hợp tác với các nước Ả Rập nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng bố. Cao ủy đối ngoại EU, bà Federica Mogherini khẳng định: "Chúng tôi sẽ tiến hành các chiến dịch đặc biệt cùng với một số nước cụ thể như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Yemen, Algeria và các nước Vùng Vịnh nhằm tăng cường hợp tác chống khủng bố". Nhằm tránh sự phân biệt với cộng đồng Hồi giáo, Tổng thống Pháp F. Hollande tuyên bố: “ở Pháp, mọi tín ngưỡng đều được tôn trọng”, còn ở Đức, cảnh sát đã cấm mọi cuộc tuần hành do phong trào chống Hồi giáo (PEGIDA) tổ chức v.v. Tuy nhiên, dường như những việc làm này là chưa đủ tính thuyết phục với cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới, khi cùng lúc một số nhà lãnh đạo EU lại kiên quyết bảo vệ cách làm của tuần báo Charlie Hebdo. Bất chấp phản ứng dữ dội của cộng đồng Hồi giáo ở nhiều nước trước ấn phẩm ngày 14-1-2015 của Charlie Hebdo (ấn phẩm đầu tiên sau vụ thảm sát 7-1), Tổng thống Pháp F. Hollande tuyên bố: “Chúng tôi ủng hộ các nước này trong cuộc chiến chống khủng bố. Tôi vẫn muốn bày tỏ tình đoàn kết với họ, nhưng đồng thời nước Pháp có những nguyên tắc và giá trị riêng, đặc biệt là về tự do ngôn luận”. Thủ tướng Anh David Cameron thì phát biểu còn mạnh hơn: “Chúng ta phải chấp nhận rằng báo chí, tạp chí có thể đăng tải những điều xúc phạm một số người trong chừng mực của luật pháp”. Chính sự nước đôi này là một rào cản đối với khả năng hợp tác giữa EU và các nước Hồi giáo.

Điều tương tự cũng đang xảy ra, khi EU đang tự làm khó mình trong quan hệ với Nga. Trong lúc rất cần sự hỗ trợ của Nga nhằm đối phó với những hành động khủng bố, nhưng cũng tại chính phiên họp hôm 19-1-2015, các ngoại trưởng EU lại vẫn quyết định không thay đổi chính sách trừng phạt Nga: “Chúng ta (EU) phải tiếp tục con đường này cho đến khi Nga chấp nhận hòa bình tại Ucraina”.

Sự hợp tác giữa các thành viên EU cũng không hề đơn giản, khi đang tồn tại những chia rẽ bất đồng không chỉ trong cuộc chiến chống khủng bố mà còn trong nhiều vấn đề khác. Chỉ tính riêng tại nước Pháp, theo kết quả thăm dò của Ifob (hôm 18-1-2015), có tới 42% số người được hỏi đều cho rằng những hình ảnh mà tạp chí Charlie Hebdo đăng tải, xúc phạm tới người Hồi giáo và không nên được xuất bản công khai. Đặc biệt, nếu giới chức EU thông qua quyết định tăng thêm một số quyền cho các lực lượng an ninh thì chắc chắn sự chia rẽ sẽ còn lớn hơn. Đó là chưa kể những mâu thuẫn trong những vấn đề Ucraina hay tăng trưởng của khu vực đồng euro v.v. cũng có tác động không hề nhỏ tới sự phối hợp trong cuộc chiến chống khủng bố.

Như vậy, những giải pháp mà EU đang tiến hành để ngăn chặn khủng bố cho thấy sự thiếu nhất quán, thậm chí khá lúng túng của các nước thành viên. Điều này có thể do giờ đây EU mới thực sự nếm trải vấn nạn khủng bố với mức nguy hiểm đích thực của nó. Kể từ sau sự kiện 11-9-2001, đúng là EU đã gắn bó cùng Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố suốt thời gian qua, nhưng dù sao cũng vẫn có Mỹ là trụ cột. Với những đặc thù của riêng mình, lần đầu tiên phải chủ trì cuộc chiến hết sức phức tạp này thì chuyện EU lúng túng âu cũng là điều khó tránh khỏi. Ngoài ra, cũng còn do EU đã quá tham vọng khi muốn giải quyết mọi vấn đề trong cùng một thời điểm. Để có thể ngăn chặn được hiểm họa khủng bố, nhất là nó lại dễ nảy sinh ngay trong lòng các xã hội EU, việc cần thiết là EU phải biết chấp nhận thỏa hiệp một số vấn đề, đơn cử như trong vấn đề Ucraina, để có thể dành nhiều nguồn lực hơn cho cuộc chiến chống khủng bố. Còn nếu cứ tiếp tục gỡ rối theo kiểu “không biết đâu là đầu hay cuối” như hiện nay, có lẽ sự thành công là rất xa vời đối với EU.