Ngày 17-3, tại phiên họp bất thường Hội đồng tối cao (tức quốc hội) Crưm đã thông qua tuyên bố độc lập và gửi đơn chính thức xin gia nhập Liên bang Nga với tư cách là một chủ thể mới. Ngày 18-3, trong thông điệp đọc trước hai viện Tổng thống Nga Putin đã công nhận độc lập Crưm, và ngay sau đó đã ký sắc lệnh sáp nhập Crưm cũng như thành phố Sevastopol vào Nga. Tất cả diễn ra nhanh và chính xác tới mức khiến nhiều người cho rằng đây là một kịch bản đã được người Nga lập trình nhằm thu hồi Crưm.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại toàn bộ tiến trình của cuộc khủng hoảng tại Ucraina, bắt đầu từ các cuộc biểu tình đường phố hồi tháng 11-2013 đến ngày hôm qua (18-3-2014), thì dường như đây là một kết quả khó tránh từ chính những hành động của tất cả các bên liên quan. Trên thực tế, cho đến thời điểm chính biến ngày 22-2-2014, cuộc khủng hoảng tại Ucraina thực chất chỉ dừng lại ở mức xung đột giữa chính phủ của Tổng thống Yanukovych và các đảng đối lập, một cuộc tranh giành quyền lực nội bộ Ucraina. Trong thời gian này, Kremlin đã không có phản ứng chính thức gì, thậm chí còn cho phép giải ngân khoản vay 3 tỷ USD đầu tiên trong tổng số gói cứu trợ 15 tỷ (theo hiệp định ký ngày 17-2-2013). Sau chính biến, chính sách bài Nga của chính phủ lâm thời Kiev đã buộc người Nga phải lên tiếng, và Crưm (chứ không phải Donesk hay Kharkov) bỗng trở thành sự lựa chọn lý tưởng nhất do hội tụ quá nhiều điều kiện thuận lợi. Việc xuất hiện "vấn đề Crưm" đã khiến tất cả các bên liên quan tới cuộc khủng hoảng Ucraina rơi vào tình trạng "không có đường lùi".
Tổng thống Putin thì buộc phải bảo vệ người Nga, trong thông điệp ngày 18-3, ông khẳng định, "việc phải sáp nhập Crưm vào Nga là do chính sách bài Nga của chính phủ bất hợp pháp Ucraina, điển hình là luật ngôn ngữ (cấm tiếng Nga tại Crưm), chứ không phải mục đích chia cắt Ucraina". Chính phủ lâm thời Ucraina thì đương nhiên phải bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Mỹ và EU, ngoài việc ủng hộ chính phủ lâm thời Kiev, thì cũng phải tìm cách ngăn chặn hành động của Nga.
Với những lợi thế hiển nhiên trong vấn đề Crưm cùng những tính toán trong so sánh giữa những thiệt hại do các biện pháp trừng phạt của phương Tây với cái lợi từ việc thu hồi Crưm, rõ ràng sự lựa chọn của Tổng thống Putin chỉ là góp phần thúc đẩy vụ việc vốn rất logic này tiến nhanh hơn mà thôi.
Cuộc trưng cầu dân ý tại Crưm và sắc lệnh sáp nhập của Tổng thống Putin có thể giúp gọn lại vấn đề Crưm, nhưng lại khiến cuộc khủng hoảng Ucraina bước sang một khúc cua mới.
Trước hết, sự sáp nhập Crưm đang mở đường cho một cuộc khẩu chiến pháp lý có lẽ sẽ là bất tận, bởi mỗi bên đều đưa ra những lý lẽ rất hợp pháp. Trong trường hợp Crưm, lý lẽ của người Nga dựa vào "quyền tự quyết của các dân tộc", còn chính quyền Kiev và phương Tây lại viện dẫn nguyên tắc "chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ". Đây đều là những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc. Đúng là kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, đã có một vài trường hợp sáp nhập lãnh thổ nhưng chỉ sau khi có thỏa thuận giữa hai chính phủ, tiêu biểu như trường hợp Hồng Công (năm 1997), Maccao (năm 1999) đã trở về với Trung Quốc sau khi có thỏa thuận giữa Trung Quốc với Vương quốc Anh và Bồ Đào Nha. Chính vì thế, các nước phương Tây thì yêu cầu Nga phải đàm phán với chính quyền lâm thời Ucraina, trong khi đó Nga lại coi chính quyền này là bất hợp pháp. Sáp nhập kiểu Crưm là trường hợp đầu tiên diễn ra mà không có thỏa thuận giữa Nga và Ucraina.
Thứ hai, sự sáp nhập Crưm càng khiến cho quan hệ Ucraina - Nga trở nên căng thẳng. Hiện tại, chính phủ lâm thời Ucraina mới chỉ phát lệnh tổng động viên và đe dọa sẽ đưa vấn đề Nga can thiệp vào Ucraina ra thảo luận tại Ðại hội đồng LHQ. Tuy khả năng bùng nổ một cuộc chiến tranh giữa Ucraina và Nga là không cao nhưng những biện pháp trả đũa của Kiev chắc chắn sẽ ảnh hưởng không chỉ tới quan hệ song phương, mà trước hết là tới số phận của các đường ống dẫn khí và dầu lửa từ Nga tới châu Âu. Nguy hiểm nhất, vụ Crưm lại là điều kiện tốt để các lực lượng dân tộc cực đoan ở Ucraina lợi dụng. Khẩu hiểu "đòi lại đất" rất dễ dẫn đến những xung đột nhỏ lẻ. Quan trọng hơn cả, dù thời gian có trôi qua nhưng chắc chắn câu chuyện về lãnh thổ sẽ mãi hằn trong quan hệ Ucraina - Nga.
Thứ ba, việc chính quyền Grudia cũng tuyên bố các lệnh trừng phạt cho thấy khủng hoảng quan hệ Ucraina - Nga có thể bắt đầu lây lan sang không gian hậu xô viết. Liên Xô tan rã để lại không ít hồ sơ đất đai kiểu như Crưm, đặc biệt là quy chế các lãnh thổ tự trị, ngay tại nước Nga cũng có tới bốn vùng tự trị. Kịch bản Crưm rõ ràng sẽ làm gia tăng sự lo ngại về chủ nghĩa ly khai của một số nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Điều này sẽ có tác động không nhỏ tới sự phát triển các dự án hợp tác của Nga, như Liên minh hải quan hay Liên kết Á - Âu.
Thứ tư, quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây đang trở nên xấu đi nghiêm trọng bởi các biện pháp trừng phạt đã được đưa ra ngay sau cuộc trưng cầu dân ý tại Crưm. Ở cả hai phía, các biện pháp trừng phạt có thể chỉ mang tính tượng trưng với những người giàu, nhưng rõ ràng với người lao động thì hoàn toàn ngược lại. Trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, các hợp đồng hợp tác bị ngưng trệ đồng nghĩa với thất nghiệp sẽ gia tăng. Vẫn biết nước Nga không hề xa lạ với cảnh bị cô lập và chắc chắn các biện pháp như loại Nga ra khỏi G8, tạm ngưng xét quy chế vào OECD v.v. sẽ không thể kéo dài, nhưng thiệt hại quốc gia dù là nhỏ nhất vẫn luôn là liều thuốc kích thích những phản ứng của các lực lượng đối lập ở Nga. Điều này đã được minh chứng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012.
Thứ năm, vụ Crưm đã khiến cuộc khủng hoảng Ucraina lan tới cả Hội Đồng Bảo An LHQ. Từ sau cuộc họp báo ngày 4-3-2014 của Tổng thống Putin, HĐBA đã có tới sáu cuộc họp về Ucraina. Kết quả bỏ phiếu trong phiên họp khẩn cấp ngày 15-3-2014 của HĐBA để biểu quyết dự thảo nghị quyết lên án cuộc trưng cầu dân ý tại Crưm tình hình Ucraina (13 nước thành viên trong HÐBA ủng hộ, Trung Quốc bỏ phiếu trắng và Nga phủ quyết dự thảo) cho thấy mâu thuẫn mới giữa Nga với các thành viên HĐBA.
Nhìn chung, sự sáp nhập Crưm đang "mở" ra nhiều sự quan tâm hơn đối với cuộc khủng hoảng Ucraina. Giờ đây, người ta không chỉ hướng tới cuộc bầu cử vào tháng 5 tới mà còn lo lắng cho số phận những vùng đất có nhiều người ủng hộ Nga như Donesk, Kharkov; không chỉ quan ngại sự căng thẳng trong quan hệ Ucraina - Nga mà thực sự lo âu cho số phận các giải pháp còn đang dang dở tại các điểm nóng như Syria, Iran v.v...
Để bức tranh về cuộc khủng hoảng Ucraina thời hậu Crưm thêm hoàn chỉnh có lẽ chúng ta cần phải bổ sung niềm vui hạnh phúc của hơn 1,5 triệu người dân Crưm không chỉ vì là “được trở về nhà - nước Nga" mà đơn giản còn là vì ý nguyện của họ được lắng nghe. Nét chấm phá này có thể là một gợi ý hữu ích cho quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng này.