Gói định lượng (QE) cho cuộc khủng hoảng Ucraina

|

NDO - NDĐT - Năm 2001, nhằm vực dậy nền kinh tế đang lâm vào tình trạng giảm phát kéo dài, ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) lần đầu tiên mạo hiểm thực hiện một chương trình cứu trợ tài chính BOJ mua các trái phiếu chính phủ để kích thích tăng trưởng) mà sau này thường được gọi là “Gói nới lỏng định lượng” (Quantitative Easing).

Sau tuyên bố phá sản của ngân hàng Lehman Brothers (tháng 9-2008), trước nguy cơ đổ vỡ hệ thống tài chính cũng như tình trạng giảm phát của nền kinh tế, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng buộc phải sử dụng đến giải pháp nới lỏng định lượng. Từ tháng 11-2008 đến cuối tháng 10-2014, FED đã đưa ra ba gói QE (QE 1 vào tháng 11-2008, QE 2 vào tháng 11-2010 và QE 3 vào tháng 9-2012) với tổng giá trị lên tới hơn 3.000 tỷ USD. Dù vẫn còn nhiều tranh cãi về tác dụng của giải pháp có tính chất "liệu pháp sốc" này, nhưng thực tế là ba gói QE mà FED tung ra đã góp phần quyết định giúp nền kinh tế Mỹ thoát khỏi đáy khủng hoảng, và phục hồi đà tăng trưởng từ Quý II năm 2014. Thậm chí, trong số các nước phát triển và mới nổi chỉ có duy nhất nền kinh tế Mỹ được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo giữ được đà tăng trưởng trong năm 2015 này.

Ngày 23-1-2015, để ngăn đà giảm phát, Liên minh châu Âu (EU) cũng vừa phải đưa ra gói QE với trị giá lên đến 1.100 tỷ euro. Tính thuyết phục của giải pháp QE gia tăng tới mức, có vẻ như người ta bắt đầu muốn áp dụng nó trong cả lĩnh vực an ninh, điển hình như trong cuộc xung đột tại Ucraina.

Đã gần một năm qua, cuộc khủng hoảng Ucraina đang gây nên những xáo trộn ghê gớm ngoài mong đợi của nhiều nước không chỉ trong phạm vi châu Âu mà cả trên bình diện toàn cầu. Kể từ tháng 4-2014 đến nay, theo tuyên bố của Tổng thống Ucraina Poroshenko tại Hội nghị An ninh Munich (diễn ra từ ngày 6 đến 8-2-2015, tại Munich, Đức) giao tranh tại miền Đông Ucraina đã cướp đi khoảng 1.200 chiến binh và 5.400 dân thường, hơn 1 triệu người phải đi sơ tán (còn theo ước tính của tình báo Đức, con số người thiệt mạng còn lớn hơn nhiều lần, tới 50.000 người). Cũng vì cuộc khủng hoảng này, quan hệ giữa Nga và EU cũng trở nên hết sức căng thẳng. Những biện pháp trừng phạt của phương Tây cộng hưởng với giá dầu lao dốc đã khiến nền kinh tế Nga rơi vào tình trạng suy thoái nặng, thiệt hại trong năm 2014 ước tính có thể trên 140 tỷ USD. Các nước trong EU cũng chẳng khá hơn là bao, chỉ tính riêng thiệt hại do biện pháp trả đũa của Nga đã vào khoảng hơn 50 tỷ euro trong năm 2014, đặc biệt nghiêm trọng khi từ Quý IV năm 2014, kinh tế EU bắt đầu lâm vào trạng thái giảm phát. Điều cần phải nhấn mạnh rằng, dù tất cả các bên đều chịu thiệt hại nhưng chẳng có bên nào đạt được bất cứ mục tiêu nào. Bất chấp đã có không ít các giải pháp được tiến hành, cuộc nội chiến tại Ucraina vẫn tiếp tục kéo dài và chưa cho thấy bất cứ một lối thoát nào khả dĩ. Thành quả duy nhất từ những nỗ lực đối thoại của các bên chỉ là một thỏa thuận ngừng bắn được ký tại Minsk hồi tháng 9-2014, nhưng nó cũng chỉ có hiêu lực trên giấy.

Tính đến đầu tháng 2-2015, tình trạng của cuộc khủng hoảng Ucraina chẳng khác là bao với trạng thái giảm phát kéo dài của Nhật Bản, Mỹ trước kia và của EU hiện nay. Những tổn thất không hề nhỏ đã khiến cả Nga và EU đều muốn chấm dứt tình trạng đối đầu, nhưng cả hai đều chưa tìm thấy cách tháo gỡ nút thắt Ucraina - điểm khởi đầu cho quá trình bình thường hóa. Trong hai tháng đầu năm 2015, mặc dù đang chiếm ưu thế trên chiến trường, và kể cả trong trường hợp các lực lượng li khai miền Đông có giành được quyền kiểm soát toàn bộ các tỉnh miền Đông, thì họ cũng khó tự quyết định được toàn cục cho cuộc khủng hoảng. Thậm chí, điều này càng chỉ khiến cuộc nội chiến tại Ucraina có thêm điều kiện kéo dài lâu hơn mà thôi.

Trong bối cảnh trên, tuyên bố của Tổng thống B. Obama về việc để ngỏ khả năng cung cấp vũ khí cho chính quyền Ucraina, và được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định trong chuyến viếng thăm Kiev hôm 5-2-2015, chẳng khác gì một gói QE nhằm phá vỡ thế bế tắc của cuộc xung đột Ucraina.

Trong suốt thời gian qua, sự dính líu của Mỹ trong cuộc khủng hoảng Ucraina luôn bị đánh giá là mang nặng lợi ích riêng tư, thậm chí có lúc mâu thuẫn cả với những đồng minh châu Âu. Chính vì thế, tuyên bố của Nhà Trắng về khả năng cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev chẳng khác gì một “liệu pháp sốc” đối với tất cả các bên liên quan tới cuộc xung đột. Kế hoạch của Mỹ cung cấp vũ khí cho Ucraina không khác gì đổ thêm dầu vào cuộc xung đột này.

Trước hết, nó khiến Điện Kremlin quan ngại thực sự, bởi đồng nghĩa với việc người Nga sẽ phải dính líu sâu hơn vào cuộc khủng hoảng Ucraina. Tại hội nghị An ninh Munich, Ngoại trưởng Nga khẳng định: “Kế hoạch cung cấp thiết bị quân sự và vũ khí cho Kiev hiện đang được thảo luận tại Washington chứa đựng đầy những hệ quả không thể dự đoán trước, và đe dọa tới nỗ lực ổn định tình hình chính trị tại miền đông nam nước này”.

Kế hoạch này cũng khiến cho EU không thể không lo lắng. Trong suốt thời gian qua, giữa EU và Mỹ không phải lúc nào cũng đồng quan điểm về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng Ucraina. Tuyên bố của Ngoại trưởng J. Kerry tại Kiev, cộng với sự thừa nhận trước đó của Tổng thống Obama về sự dính líu của Nhà Trắng tới cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Yanukovych hồi tháng 2-2014, càng khiến cho EU cảm nhận rõ hơn về sự cách biệt này, trước hết là trong vấn đề thời gian. EU đang mong muốn kết thúc tình trạng căng thẳng hiện nay bằng thỏa hiệp của các bên, nhưng Mỹ thì có vẻ lại không.

Chưa biết kế hoạch của Nhà Trắng thực hư thế nào, nhưng chỉ riêng việc nó được công khai cũng đã đủ lực khiến các bên liên quan tới cuộc xung đột Ucraina phải bước vào một vòng đàm phán thực sự. Bắt đầu từ chuyến công du của Thủ tướng Đức A. Merkel và Tổng thống Pháp F. Hollande đến Kiev và Moscow (ngày 5 và 6-2-2015) tới hội nghị bốn bên tại Minsk (ngày 11 và 12-2-2015), chỉ tính riêng với Thủ tướng Đức, bà A. Merkel đã phải di chuyển một chặng đường dài 20.000 km (theo lộ trình Berlin – Kiev – Moscow – Munych – Washington – Ottawa – Berlin – Minsk) chỉ trong vòng bảy ngày.

Ngày 12-2-2015, những nỗ lực của bộ tứ “Merkel – Hollande – Poroshenko – Putin” cuối cùng cũng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn mới “Minsk 2”, bao gồm 13 điểm và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15-2. Nếu so với Minsk 1 thì đúng như Ngoại trưởng Đức Steinmeier khẳng định: “Kết quả đàm phán là bước tiến tuy không phải là bước tiến đột phá”, bởi với tình trạng xung đột hiện nay tại miền Đông Ucraina, chỉ riêng việc các bên chịu ngồi vào bàn đàm phán, lại còn chấp nhận phương án ngừng bắn, lập ranh giới để tiến hành rút vũ khí hạng nặng cũng đã là một thành công ngoài mong đợi.

Một thành công nữa của thỏa thuận Minsk 2 mà các bên đều không muốn nhắc tới, đó chính là việc ngăn chặn được ý định triển khai kế hoạch cung cấp vũ khí của Nhà Trắng.

Tất nhiên, để có thể đi đến một giải pháp cuối cùng cho cuộc khủng hoảng Ucraina vẫn còn cần rất nhiều nỗ lực và thời gian, nhưng dù sao việc đạt được thỏa thuận Minsk 2 cũng có thể coi như đã có được một bước khởi điểm mới cho lộ trình tiến tới hòa bình trên mảnh đất Ucraina. Nhìn từ góc độ này, tuyên bố của Nhà Trắng phần nào đã hoàn thành sứ mệnh của một gói QE cho cuộc khủng hoảng Ucraina.

Nhưng giải pháp QE cũng có mặt trái, đơn cử như việc nền kinh tế rất dễ chuyển từ giảm phát sang lạm phát. Tuyên bố của Nhà Trắng gây sức ép đưa tới Thoả thuận Minsk 2, nhưng điều này dường như đang càng khiến sự nghi ngờ đối với Mỹ tăng lên.