Brexit: Chia tay thời hội nhập

|

NDO - NDĐT - Bất chấp kết quả nghèo nàn sau năm vòng đàm phán với Liên hiệp châu Âu (EU) về tiến trình Brexit, ngày 10-11, Chính phủ Anh vẫn đưa ra dự thảo bổ sung điều luật về việc ấn định chính thức thời điểm nước Anh rời khỏi EU (23 giờ theo giờ GMT, ngày 23-9-2019) vào Dự luật rút khỏi EU (còn gọi là Luật Brexit) sẽ được thảo luận và bỏ phiếu thông qua tại Hạ viện vào giữa tháng 11 này.

Theo lời Thủ tướng Theresa May, quyết định này không chỉ là khẳng định của Chính phủ Anh về quyết tâm rời khỏi EU với các nhà lãnh đạo EU mà còn là lời cảnh báo sẽ không chấp nhận những ý đồ “nhằm ngừng hoặc trì hoãn Brexit” từ các nghị sĩ “nổi loạn” ngay trong chính đảng Bảo thủ. Như vậy, với quyết định này phải chăng chính phủ của Thủ tướng T. May đã chấp nhận phương án rút khỏi EU mà không cần đạt được bất cứ thỏa thuận nào (còn gọi là “Brexit cứng”).

Với những người ủng hộ Brexit theo kiểu “miễn là rời khỏi EU” thì phương án “Brexit cứng” là hợp lý, thậm chí là đơn giản nhất. Theo họ, Brexit có lẽ cũng đơn giản giống như kết quả cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6-2016, khi đó cũng chỉ cần chưa đầy 52% người ủng hộ là Brexit đã được coi là ý nguyện của toàn Vương quốc Anh. “Brexit cứng” sẽ giúp nước Anh đỡ mất thời gian vào các cuộc đàm phán đầy cam go với EU và cũng đỡ phải trả số tiền 60 tỷ euro cho phí Brexit. Theo phương án này, nếu nước Anh phải tiếp nhận trở lại một triệu công dân Anh thì bù lại đã có khoảng trống do ba triệu công dân EU để lại và vì thế lương của lao động Anh sẽ tăng lên. Sau khi rời khỏi EU, nước Anh sẽ được tự do tạo dựng các hiệp định thương mại với các đối tác khác, như với chính EU, theo nguyên tắc “nước Anh trên hết” và chính kết quả này sẽ giúp bù đắp lại những thiệt hại do quan hệ thương mại với EU bị giảm sút sau Brexit.

Tuy nhiên, chính sự bế tắc qua năm vòng đàm phán đầu tiên cũng như những mâu thuẫn trong nội bộ chính trường Anh cho thấy, những người ủng hộ Brexit đã không lường hết được những khó khăn trong quá trình Brexit. Do thời gian nước Anh gắn kết với EU quá lâu khiến “Brexit cứng” chỉ thuần túy là những toan tính trên phương diện lý thuyết. Giờ đây, khi tiến trình Brexit bắt đầu, mục tiêu của nước Anh không chỉ còn dừng lại ở việc “giành lại chủ quyền” và “kiểm soát tốt hơn dòng người nhập cư” mà còn là tương lai của đất nước thời hậu Brexit, cụ thể là quan hệ với EU. Quá trình đàm phán trở nên khó khăn ngoài dự kiến cũng chính là bởi, cho dù theo mô típ nào thì nước Anh vẫn rất cần có quan hệ với EU sau Brexit. Hơn thế, chính mô hình quan hệ với EU hậu Brexit sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới những hiệp định thương mại mà Anh buộc phải đàm phán với các đối tác khác. Người Anh đang rơi vào tình trạng “lùi cũng khó mà tiến cũng dở”.

Hãy bắt đầu từ nội dung đàm phán về số người lao động EU ở Anh và người Anh ở EU. Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một báo cáo nào về thực trạng của một triệu lao động Anh tại EU trình lên Quốc hội và vì thế Chính phủ Anh chắc chắn sẽ phải đối mặt với ít nhất hai thách thức trong trường hợp một triệu người Anh hồi hương. Thứ nhất, đó là những khoản tiền “bổ sung” liên quan tới lương hưu, bảo hiểm y tế và trợ cấp xã hội. Thứ hai, do chưa xác định được trình độ tay nghề nên bảo đảm công ăn việc làm cho số người Anh hồi hương không hề đơn giản. Đó là chưa tính tới những xáo trộn tất sẽ nảy sinh khi ba triệu lao động EU rời khỏi Anh. Một số công ty có trụ sở tại Anh đã bắt đầu dịch chuyển sang các nước EU, trước hết bởi không có gì bảo đảm là sẽ có đủ lao động bản địa trám vào. Nhưng nếu chấp nhận nguyên trạng thì Thủ tướng T. May sẽ phải đối mặt với những mâu thuẫn nội bộ chắc chắn sẽ gay gắt hơn, nhất là trong trường hợp kinh tế suy giảm.

Tiếp theo là nội dung về khoản phí Brexit. Với những người ủng hộ “Brexit cứng” thì số tiền 60 tỷ euro (phía EU yêu cầu) là hết sức vô lý, bởi phần lớn trong số đó liên quan tới đóng góp của nước Anh cho ngân sách của EU tới tận năm 2020 (lúc đó nước Anh đã rời khỏi EU được một năm). Chính vì thế, Chính phủ Anh muốn dùng số tiền này như một khoản đặt cọc để có được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU. Ngược lại, các nhà lãnh đạo EU lại kiên quyết buộc Anh phải thanh toán xong mới bàn đến tương lai.

Chỉ cần qua hai nội dung đàm phán này cũng đã thấy rõ, tuy kiên quyết Brexit nhưng Chính phủ Anh vẫn mong muốn giữ được những ưu đãi nhất định trong quan hệ thương mại với EU (chứ không phải dựa trên những tiêu chí do Tổ chức Thương mại thế giới – WTO, định ra), vẫn giữ được những tương hỗ trong lĩnh vực an ninh, như trao đổi thông tin về khủng bố hay kiểm soát người nhập cư. Tham vọng của người Anh không phải hoàn toàn vô lý, bởi với tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Anh và EU lên đến 500 tỷ bảng/năm, Brexit không chỉ đặt ra những thách thức cho mình nước Anh mà là cả với EU. Thời hậu Brexit, nước Anh vẫn rất cần hợp tác với EU và EU cũng cần điều này từ nước Anh. Ngoài ra, người Anh cũng hy vọng vào sự trợ giúp từ những ràng buộc trong khuôn khổ NATO, nơi có khá nhiều thành viên của EU.

Trên thực tế, một số bước đi ban đầu của Chính phủ Anh đã minh chứng cho sự lựa chọn một phương án mềm dẻo, linh hoạt (người Anh gọi là “Brexit mềm”).

Ngày 9-10, phát biểu trước Quốc hội Thủ tướng T. May nhấn mạnh: “Những gì chúng tôi đang tập trung đàm phán là một thỏa thuận tốt nhất về mối quan hệ trong tương lai dài hạn mà Anh sẽ thiết lập với EU. Quá trình này không phải lúc nào cũng suôn sẻ nhưng bằng cách tiếp cận các cuộc đàm phán trên tinh thần hữu nghị, hợp tác và những quan điểm chung tốt đẹp về tương lai, tôi tin rằng chúng ta có thể chứng minh mọi đồn đoán là sai lầm”.

Phủ nhận phương án hồi hương, ngày 18-10, Thủ tướng T. May đã gửi một bức thư ngỏ tới ba triệu công dân EU tại Anh với cam kết bảo đảm trong bất kỳ tình huống nào công dân EU cũng sẽ không bị yêu cầu rời Anh sau Brexit. Ngày 8-11, Chính phủ Anh thông báo sẽ thiết lập “hệ thống đăng ký được cải tiến” nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân EU sử dụng để xin phép cư trú vĩnh viễn ở Anh sau khi Anh rời khỏi EU.

Tuy vẫn còn hơn một năm để Anh và EU tiếp tục đàm phán và khả năng nước Anh rút khỏi EU với một thỏa thuận thương mại vẫn còn nguyên nhưng nếu cả hai phía không có những nhượng bộ thì hy vọng vào một cuộc chia tay êm đẹp giữa Anh và EU rất có thể sẽ bị dập tắt. Chia tay sau một thời gian dài gắn kết bao giờ cũng rất khó. Sự ủng hộ của EU đối với Tây Ban Nha trong cuộc khủng hoảng Catalonia vừa qua càng giúp làm rõ – EU chỉ đứng về phía Anh khi nước này còn trong khối.