Bắt đầu từ vụ xả súng vào tòa soạn tạp chí biếm họa Charlie Hebdo (7-1-2015), rồi đến vụ khủng bố tại Paris (13-11-2015), sau đó là liên tiếp những cảnh báo về nguy cơ khủng bố trong thời gian diễn ra vòng chung kết bóng đá EURO 2016 và giờ là vụ thảm sát tại Nice – tất cả cho thấy nước Pháp đang thực sự là đích ngắm hàng đầu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ngày 16-7-2016, cũng giống như những vụ trước đó, IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ thảm sát tại Nice. Đây thực sự là điều bất ngờ, bởi trong cuộc chiến chống khủng bố tại Iraq và Syria, nước Pháp không đóng vai trò quá nổi bật so với Mỹ hay Anh.
Để lý giải điều này có lẽ phải bắt đầu từ mục đích và cách thức tiến hành các vụ khủng bố của IS. Kể từ thời điểm xuất hiện (tháng 4-2016), nhất là sau khi bắt đầu mở rộng các hoạt động khủng bố sang châu Âu, nhằm khẳng định sự tồn tại cũng như khuếch trương thanh thế, IS sẵn sàng sử dụng bất cứ hình thức khủng bố nào, từ các vụ hành quyết, bắt cóc con tin, xả súng hay đánh bom liều chết,… IS đặc biệt chú ý kêu gọi, khuyến khích các hành động tự phát của “những con sói đơn độc” nhằm vào những địa điểm công cộng thường tụ tập đông người như nhà ga, sân vận động.
Do phần nhiều chỉ gắn kết với IS bởi tư tưởng thánh chiến, những phần tử Hồi giáo cực đoan này sẵn sàng thực hiện những vụ thảm sát bằng mọi biện pháp bạo lực theo trí tưởng tượng của chúng. Chính vì thế, giờ đây IS có lẽ không còn đơn thuần là tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Syria – Iraq, mà đã trở thành biểu tượng được nhiều kẻ thủ ác dùng để biện giải cho những hoạt động khủng bố.
Các vụ khủng bố trong thời gian qua cho thấy, sở dĩ IS “dành” sự quan tâm đặc biệt cho nước Pháp bởi nơi đây hội tụ khá nhiều điều kiện hết sức thuận lợi cho những hành động khủng bố.
Trước hết, nếu tiến hành thành công bất cứ một vụ khủng bố nào tại Pháp, một cường quốc trụ cột của Liên hiệp châu Âu (EU), IS cũng đều đạt được rất nhiều mục tiêu. IS có thể reo rắc nỗi kinh hoàng không chỉ đối với người dân Pháp mà còn lên toàn châu Âu, qua đó buộc Pháp phải tiến hành những chiến dịch an ninh vừa tốn kém vừa gây chia rẽ trong xã hội.
Đơn cử như để bảo đảm an ninh cho EURO 2016, do lo ngại nguy cơ khủng bố, Pháp đã phải huy động tới gần 100 nghìn nhân viên an ninh và phải chi tới gần 300 triệu euro (gấp 2,5 lần so với dự kiến ban đầu). Cho dù biết là cần thiết nhưng không ít người dân Pháp đã bắt đầu công khai phản đối chính phủ tiếp tục kéo dài tình trạng khẩn cấp. Đương nhiên, các vụ khủng bố còn gây cho Pháp những tổn thất kinh tế nghiêm trọng. Vụ thảm sát tại Nice đã khiến cho mùa du lịch hè năm nay của thành phố này sớm kết thúc (mỗi năm Nice thu về 1,5 tỷ euro nhờ du lịch).
Thứ hai, tại Pháp, IS có thể dễ dàng tìm được những con người sẵn sàng tử vì đạo. Bởi lẽ, trong một thời gian dài, nhất là thời Tổng thống F. Mitterand (1986-1995), chính sách nhập cư tương đối dễ dãi đã tạo nên một lượng người nhập cư lớn tại Pháp. Trong số này, không ít người, điển hình như trường hợp Mohamed Lahouaiej-Bouhlel, đã sinh ra và lớn lên tại Pháp nhưng không thể hòa nhập được với cộng đồng, luôn cảm thấy bị thua thiệt, mặc cảm về nguồn gốc. Và vì thế, chỉ cần IS có thể kích động được những suy nghĩ cực đoan của chúng, lập tức một vụ khủng bố có thể xảy ra bất cứ lúc nào và bất cứ hình thức nào.
Thứ ba, IS đã tận dụng triệt để những khiếm khuyết trong hệ thống an ninh của Pháp. Trên thực tế, dù nguy cơ khủng bố đã trở nên hết sức nghiêm trọng đối với các nước phương Tây kể từ sau vụ khủng bố 11-9-2001 nhưng phải tới vụ Charlie Hebdo thì giới chức an ninh Pháp mới thực sự phải đối mặt với loại hình tội ác này. Điều này khiến lực lượng an ninh Pháp không tránh khỏi sự chủ quan, đặc biệt là thiếu đi kinh nghiệm ứng chiến. Những chiến dịch vây ráp rầm rộ chỉ có thể thể duy trì trong một thời gian nhất định và cũng chỉ có thể nhằm vào những đối tượng đã có trong “sổ tình nghi”.
Trong vụ thảm sát tại Nice, việc để chiếc xe tải hoành hành suốt một chặng đường dài tới gần 2 km cho thấy, lực lượng an ninh Pháp đã không còn duy trì được sự tập trung, chí ít là sau một tháng phục vụ EURO 2016. Bởi rõ ràng, trong thời khắc bắn pháo hoa mừng ngày Quốc khánh thì lực lượng an ninh Pháp phải được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất.
Cuối cùng, các phần tử khủng bố cũng đã lợi dụng triệt để tình trạng tự do đi lại (theo Hiệp ước Schengen) cũng như sự yếu kém trong công tác chia sẻ thông tin tình báo trong nội bộ EU. Đơn cử như trong vụ khủng bố tại Paris hồi tháng 11-2015, hầu hết những kẻ đánh bom đều đang sinh sống tại Bỉ nhưng điều này chỉ được làm sáng tỏ sau những cuộc điều tra chung giữa Pháp và Bỉ. Ngoài ra, tình trạng lộn xộn từ cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu cũng góp phần tạo thêm điều kiện thuận lợi cho những hoạt động khủng bố.
Nghịch lý ở chỗ, sau vụ thảm sát tại Nice, giới chức an ninh Pháp lại tiếp tục nói về những chiến dịch thắt chặt an ninh như trước, đại loại như rà soát lại nhân thân của tất cả những kẻ tình nghi, tăng cường kiểm soát biên giới, gia hạn thêm Lệnh tình trạng khẩn cấp tới đầu năm 2017,... Những biện pháp này rõ ràng là thiếu hiệu quả bởi không bắt kịp với sự thay đổi của các phần tử khủng bố. Bởi giờ đây, các phần tử khủng bố có thể sử dụng bất cứ phương tiện nào và nhằm vào bất cứ một đám đông dân chúng nào để thực hiện tội ác.
Nguy hiểm hơn, trước khi gây án đối tượng thủ ác không nằm trong sổ đen của cơ quan an ninh, thậm chí còn được cộng đồng đánh giá là một người hoàn toàn hiền lành. Hơn nữa, việc theo dõi liên tục hơn 50 nghìn đối tượng (theo con số công bố của cơ quan an ninh Pháp) là không thể bởi nguồn nhân lực và tài chính của nước Pháp cũng có giới hạn.
Như vậy, tính đến thời điểm xảy ra cuộc thảm sát tại Nice, nếu không muốn vẫn tiếp tục là mục tiêu hàng đầu của bọn khủng bố, Chính phủ Pháp bắt buộc phải có sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận với vấn đề này. Chính việc những người hàng xóm phát hiện ra những thay đổi của tên Mohamed Lahouaiej-Bouhlel trong khoảng một tuần trước khi hắn gây án đã gợi mở một hướng đi cho cơ quan an ninh Pháp – cần huy động tối đa sự tham gia của tất cả người dân vào cuộc chiến chống khủng bố.