Trước chuyến công du, giới phân tích đều cho rằng, Tổng thống Obama sẽ tập trung tìm cách cải thiện quan hệ kinh tế với lục địa đen, bởi vào thời điểm hiện tại Washington có không ít lý do để buộc phải giải quyết nhiệm vụ này. Trong bối cảnh tình hình kinh tế của cả châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương đang gặp nhiều khó khăn, đương nhiên Nhà Trắng hết sức quan tâm tới dự báo tăng trưởng của tiểu khu vực Đông Phi (theo Ngân hàng Thế giới -WB, sẽ vào khoảng 6,8% trong năm 2015 này). Châu Phi có thể là thị trường mới giúp Mỹ ổn định đà phục hồi. Mặt khác, dù quan hệ thương mại với châu lục này đã được cải thiện ít nhiều (tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ - châu Phi đã tăng lên 73 tỷ USD trong năm 2014 so với 60 tỷ USD của năm 2013), nhưng trong so sánh với Trung Quốc và Liên hiệp châu Âu (EU) thì Mỹ đã tụt hậu quá xa (năm 2014, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi vượt mức 200 tỷ USD, còn với EU khoảng 140 tỷ USD).
Washington không thể không lo lắng đến sự yếu kém này và với riêng Tổng thống Obama, điều này lại càng khó chấp nhận, bởi dù sao đây cũng là quê nhà của ông (Kenya là quê nội của Tổng thống Obama). Đặc biệt, nếu không có những bước đi nhằm ngăn chặn sớm quá trình mở rộng ảnh hưởng đang ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc tại lục địa đen này, rất có thể vị thế toàn cầu của Mỹ sẽ bị đe dọa. Hơn nữa, việc Tổng thống Obama có thể thay đổi được điểm yếu cố hữu của các đời tổng thống trước đó – luôn để quan hệ với châu Phi rơi vào tình trạng trì trệ, chắc chắn sẽ có ý nghĩa ngang tầm với việc bình thường hóa quan hệ với Cuba hay ký được Hiệp định hạt nhân với Iran. Một lý do không kém phần thuyết phục nữa là thói quen luôn ưu tiên cho các vấn đề kinh tế của Tổng thống Obama trong mỗi chuyến công du, chẳng thế mà ông còn được báo chí gọi là “Ngài marketing”. Điều này thể hiện qua việc trước thềm chuyến công du, ngày 22-7-2015, sau khi thuyết phục được Quốc hội Mỹ, Tổng thống Obama đã ký thông qua dự luật kéo dài thêm 10 năm Hiệp định Cơ hội và tăng trưởng châu Phi (AGOA), một chương trình do Tổng thống G. Bush đưa ra năm 2003, cho phép 39 quốc gia châu Phi được xuất khẩu miễn thuế vào Mỹ với khoảng 7.000 sản phẩm hàng hóa như quần áo, gỗ, nông phẩm,…
Trên thực tế, Tổng thống Obama đã không thực hiện nhiệm vụ được coi là chắc chắn phải làm này. Chia sẻ thông tin tình báo, viện trợ quân sự, phối hợp chống khủng bố,… mới là những nội dung chủ yếu được Tổng thống Obama đề cập tại những điểm dừng chân ở Kenya, Ethiopia và trụ sở của Liên minh châu Phi (AU). Cam kết của Tổng thống Obama sẽ đầu tư “nóng” một tỷ USD cho châu Phi (hơn phân nửa số tiền này sẽ được dành để hỗ trợ phụ nữ và thanh niên mới lập nghiệp) rõ ràng chỉ mang tính tượng trưng đối với tình trạng đói nghèo hiện tại của châu lục, và vì thế nó chỉ càng cho thấy, thúc đẩy hợp tác với các nước châu Phi trong cuộc chiến chống khủng bố mới là mục tiêu trọng tâm của Tổng thống Obama trong chuyến công du châu Phi lần thứ tư này.
Để có thể lý giải cho sự lựa chọn này, có lẽ phải bắt đầu từ sự thừa nhận của chính Tổng thống Obama về việc Nhà Trắng vẫn chưa thể định hình một chiến lược rõ ràng chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ngày 9-6-2015, tại cuộc họp báo kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) tại Đức, Tổng thống Obama đã thừa nhận: Chúng tôi vẫn chưa có một chiến lược đầy đủ và hiệu quả” chống các tay súng IS tại Iraq. Đã hơn một năm, hàng nghìn đợt không kích vào các căn cứ của IS cùng với việc tăng cường viện trợ quân sự, huấn luyện cho quân đội Iraq nhưng Mỹ vẫn không sao chữa trị được “căn bệnh ung thư IS” (theo cách gọi IS của tổng Thống Obama), thậm chí, ngược lại IS không những lớn mạnh mà còn mở rộng tầm hoạt động.
Hơn thế, một loạt các vụ khủng bố tại châu Phi trong năm 2014-2015 buộc người Mỹ phải nhớ lại hai vụ tấn công khủng bố vào Đại sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzanya hồi tháng 8-1998. Giờ đây, nước Mỹ phải đối mặt với một nguy cơ còn nguy hiểm hơn IS gấp bội – sự liên kết giữa các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan như IS, Boko Haram, al-Shabaab,… trải dài khắp Trung Đông – châu Phi. Hiện tại, Mỹ lại chỉ có duy nhất một căn cứ quân sự đặt tại Cộng hòa Djibouti, vào năm 2003 với khoảng hơn 1.500 lính. Như vậy, liên minh quốc tế chống IS với hơn 60 quốc gia thành viên, chủ yếu là các nước phương Tây và các nước A-rập, mà Mỹ gây dựng được rõ ràng là chưa đủ, đơn giản bởi còn khuyết một mảng ghép vô cùng quan trọng – châu Phi.
Mặt khác, đối với nước Mỹ việc cải thiện quan hệ kinh tế-thương mại với châu Phi cũng không hề đơn giản. Sự chênh lệch quá lớn về trình độ phát triển là rào cản khó vượt đối với cả Mỹ và các nước châu Phi. Không giống như Trung Quốc, nền kinh tế Mỹ không còn trong giai đoạn quá cần các nguồn tài nguyên và nhân công giá rẻ, lợi thế duy nhất của châu Phi. Hàng hóa chất lượng cao của Mỹ cũng chỉ có thể tiêu thụ với số lượng hạn chế tại thị trường châu Phi. Sự bất ổn chính trị-xã hội ở nhiều nước châu Phi lại càng khiến tâm huyết của không ít Tổng thống Mỹ mau chóng sụt giảm, điển hình như với Tổng thống B. Clinton. Trong một thời gian dài, vai trò của lục địa đen vẫn luôn chỉ dưới dạng tiềm năng đối với nước Mỹ.
Ngay từ khi nhậm chức, Tổng thống Obama cũng đã rất nỗ lực nhằm cải thiện tình hình bi đát này. Tháng 6-2013, trong chuyến thăm châu Phi lần thứ ba, Tổng thống Obama đã đưa ra chương trình “Sáng kiến Năng lượng châu Phi (PAI)”. Tháng 8-2014, lần đầu tiên tại Washington Tổng thống Obama cũng đã tổ chức được hội nghị thượng đỉnh Mỹ và châu Phi. Tại hội nghị này, với tuyên bố “Mỹ đầu tư mạnh mẽ cho sự phát triển của châu Phi” Tổng thống Obama cũng đã đưa ra cam kết sẽ đầu tư 33 tỷ USD vào châu Phi. Đặc biệt, giữa năm 2014, Mỹ đã đi đầu trong cuộc chiến giúp các nước Tây Phi ngăn chặn đại dịch Ebola. Nhưng có vẻ tất cả những việc làm đó lại càng khiến Tổng thống Obama hiểu rằng, đây chưa phải là thời điểm để có thể thay đổi được mối quan hệ kinh tế Mỹ - châu Phi.
Việc lựa chọn mục tiêu chống khủng bố cũng cho thấy, Nhà Trắng chưa thực sự coi nhiệm vụ ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi là cấp bách. Trước thực trạng phát triển hiện tại của châu Phi, rõ ràng việc cạnh tranh hàng hóa với Trung Quốc tại đây là không thể. Bề dày quan hệ với lục địa đen có thể khiến Washington không quá lo lắng về khả năng có thể trụ được lâu dài tại đây của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Nếu những lý giải trên đây gần với sự thật thì một lần nữa cho thấy cách toan tính của một Tổng thống “marketing”. Khi mà thời gian tại vị không còn nhiều, nhất là khi sức ép của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 bắt đầu gia tăng, việc Tổng thống Obama dành chủ đề thương mại cho Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (ngày 28-7, bắt đầu vòng đàm phán được coi là then chốt của TPP), còn với châu Phi sẽ là miếng ghép cuối cùng cho chiến lược chống khủng bố âu cũng là điều hết sức hợp lý.