Hơn thế, dù nội dung của các cuộc trưng cầu dân ý vừa qua hoàn toàn là những vấn đề nội bộ của các nước, nhưng kết quả của chúng thì lại đang gây nên những căng thẳng trong đời sống quốc tế. Tất cả những điều đó khiến người ta phải đặt câu hỏi về mục đích thực sự của hoạt động có tính chất dân chủ trực tiếp này.
Ngày 14-1-2014, chính quyền lâm thời Ai Cập của tướng Al Sissi đã cho tiến hành trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới nhằm thay thế bản hiến pháp được thông qua dưới thời Tổng thống Mohamed Morsi. Theo thông báo của Ủy ban kiểm phiếu Ai Cập, có 98% người đi bầu đã ủng hộ bản hiến pháp mới. Điều kỳ lạ ở chỗ, cách đây chưa đầy hai năm, cuối năm 2012 bản hiến pháp dưới thời ông Morsi cũng đã được thông qua bằng hình thức tương tự, thậm chí tới hai lần trưng cầu. Ngay sau kết quả trưng cầu dân ý được công bố, một làn sóng biểu tình lại bùng phát tại Ai Cập. Đỉnh điểm của vụ việc này là tuyên bố của chính phủ lâm thời loại bỏ Tổ chức Anh em Hồi giáo ra khỏi đời sống chính trị của nước này. Ngày 24-3-2014, tòa án Ai cập còn kết án tử hình tập thể 529 người thuộc tổ chức này.Nguy hiểm hơn, sự bất ổn tại Ai Cập đang lan rộng ra những nước láng giềng, nơi có các phân nhánh của Tổ chức Anh em Hồi giáo như tại Li Băng, Jordani v.v.
Ngày 9-2-2014, chính phủ Thụy Sĩ cho tiến hành trưng cầu dân ý nhằm thông qua Dự luật "Ngăn chặn sự nhập cư ồ ạt". Kết quả cho thấy có 50,3% người dân ủng hộ việc kiểm soát chặt hơn người nhập cư. Tuy nhiên, nếu dự luật được thông qua, trước hết sẽ gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Thụy Sĩ, một đất nước có tới hơn 23% là người nhập cư trong tổng số tám triệu dân. Đạo luật cũng sẽ khiến quan hệ của Thụy Sĩ với các nước trong khối EU trở nên căng thẳng. Ngay sau cuộc trưng cầu dân ý, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố sẽ xem xét lại quan hệ giữa EU và Thụy Sĩ một cách toàn diện, thậm chí EU sẽ thông qua một số biện pháp trả đũa, ví dụ như hạn chế thương mại.
Ngày 16-3-2014, chính quyền nước cộng hòa tự trị Crưm đã tiến hành trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Ucraina và sát nhập vào Nga. Với kết quả 96,77% người dân đi bầu ủng hộ quyết định này, chính quyền Nga đã tiến hành các thủ tục pháp lý và ngày 23-3, Crưm chính thức trở thành một chủ thể thuộc Liên bang Nga. Ngay từ đầu, các nước EU và Mỹ đã phản đối cuộc trưng cầu dân ý tại Crưm và những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga cũng như các quan chức Crưm có liên quan tới việc sát nhập Crưm đã được tiến hành. Vụ Crưm đã đẩy quan hệ Nga – phương Tây vào tình trạng căng thẳng nhất từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay.
Và chưa bao giờ, cuộc khủng hoảng tại Ucraina lại tiến gần tới một cuộc nội chiến như lúc này (như cảnh báo của Tổng thống Nga Putin trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Merkel hôm 15-4). Trước các cuộc biểu tình chống chính quyền lâm thời Kiev tại các tỉnh Donesk, Luhanck, Kharkov, Tổng thống tạm quyền Oleksander Turchynov ngày 14-4 tuyên bố có thể sẽ tiến hành trưng cầu dân ý toàn Ucraina về quy chế tự trị của các địa phương vào cùng ngày bầu cử tổng thống sắp tới 25-5-2014.
Những cuộc trưng cầu dân ý nêu trên, cùng với những kế hoạch trưng cầu bị đổ bể, điển hình như việc Tòa án hiến pháp Tây Ban Nha bác bỏ kế hoạch trưng cầu dân ý của xứ Catalonia hôm 25-3, cho thấy, dường như hoạt động dân chủ trực tiếp này đang bị “sử dụng quá liều” hoặc chí ít đã không để ý đến tính tùy thuộc lẫn nhau trong đời sống quốc tế hiện nay.
Trước hết, không thể phủ nhận tính tích cực của bất cứ một cuộc trưng cầu dân ý nào. Điều này thể hiện ít nhất ở chỗ, trong mô hình tổ chức xã hội kiểu nhà nước thì trưng cầu dân ý là một cơ hội để mọi người dân bày tỏ ý nguyện của mình. Tuy nhiên, kết quả trưng cầu dân ý không phải lúc nào cũng phản ánh đúng thực trạng của xã hội.
Tại Ai Cập, tuy có tới 98% người dân ủng hộ hiến pháp mới nhưng đó chỉ là trong số gần 39% người đi bầu. Tại Thụy Sĩ, cũng chỉ có khoảng 60% người dân đi bỏ phiếu, còn tại Crưm, tỷ lệ người đi bầu đông nhất khoảng 83%. Đấy là chưa kể ngay chính nhiều người đi bầu cũng chỉ là theo cảm tính hoặc theo “hiệu ứng đám đông”. Nếu như vậy, kết quả trưng cầu dân ý rất có thể sẽ khiến cho một bộ phận dân cư chịu thiệt thòi, bởi không phải người dân nào không đi bầu cũng đều là tự loại bỏ quyền công dân của mình. Và đây có thể lại là nguyên nhân dẫn đến một cuộc trưng cầu tiếp theo để xem lại kết quả của chính cuộc trưng cầu dân ý trước. Đó chính là một trong những căn nguyên của sự bất ổn xã hội.
Thứ hai, một thực tế cũng cần phải ghi nhận là, một mặt trưng cầu dân ý phản ánh sự quan tâm của cỗ máy công quyền đến ý kiến của người dân, nhưng mặt khác nó còn phản ánh năng lực của cỗ máy này. Người dân đã bỏ phiếu bầu lên những đại diện của mình để những người này thay mặt họ quản lý điều hành đất nước. Để khẳng định năng lực đủ đáp ứng yêu cầu của người dân và cũng là để củng cố quyền lực của nhà nước, quốc gia nào cũng có những quy định nghiêm ngặt về hoạt động trưng cầu dân ý, mà thường là chỉ đối với những vấn đề hệ trọng liên quan tới vận mạng quốc gia đó. Chính vì thế, trong một số trường hợp, việc phải “hỏi ý người dân” phản ánh sự lúng túng của chính quyền đương nhiệm. Hơn thế, trưng cầu dân ý đôi khi còn là lối thoát khỏi trách nhiệm với cử tri trước những quyết sách có độ rủi ro cao, như trong trường hợp Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ cho tiến hành trưng cầu dân ý vào năm 2017 về việc nước Anh rút ra khỏi EU.
Thứ ba, trong phần lớn các trường hợp, cơ quan quyền lực, thường là hội đồng lập pháp, đưa ra đề xuất tiến hành trưng cầu dân ý, nhưng cũng có khi là do một bộ phận dân cư đưa ra sau đó gây sức ép buộc chính quyền thực hiện. Bất luận thế nào, đặc biệt là đối với tình huống sau, trưng cầu dân ý cũng khó tránh được tình trạng bị các nhóm lợi ích lợi dụng nhằm đạt được những mục tiêu của họ. Tình hình ở các tỉnh miền Đông Ucraina hiện nay là một minh chứng điển hình. Một nhóm người (được cho là “ủng hộ Nga”) đòi hỏi tiến hành trưng cầu dân ý quyền độc lập, thậm chí là sát nhập vào Nga. Chính quyền lâm thời đang rất lúng túng, bởi nếu không tiến hành trưng cầu dân ý thì bị cho là “không tôn trọng ý nguyện của người dân”, hậu quả nhãn tiền là tình trạng bất ổn sẽ không biết đến bao giờ mới chấm dứt, thậm chí khả năng bị bên ngoài can thiệp là không hề nhỏ. Nhưng nếu tiến hành thì theo hiến pháp Ucraina phải là trên phạm vi toàn quốc, chắc chắn phần đông công dân Ucraina sẽ vì một quốc gia toàn vẹn không chia cắt. Và khi đó cảm giác bị thiệt thòi rất dễ kích động nhóm người ở miền Đông. Lập luận trưng cầu dân ý “không minh bạch, gian lận” rất có thể lại được cất lên (như trong trường hợp tại Ai Cập).
Cuối cùng, quan hệ trong nội bộ các quốc gia trên cũng như giữa họ với các nước trong khu vực trở nên xấu đi sau trưng cầu dân ý cho thấy mối liên hệ phức tạp của đời sống đương đại. Trên thực tế, không phải tất cả người dân, nếu không muốn nói là phần đông, hiểu được sự tùy thuộc lẫn nhau trên bình diện quốc tế hiện nay.
Như vậy, tuy là trưng cầu dân ý nhưng trách nhiệm của các cơ quan công quyền lại rất lớn. Điều quan trọng là đừng để trưng cầu dân ý bị thay hình đổi dạng tới mức sai ý nghĩa đích thực của nó vốn là một sản phẩm của quá trình dân chủ hóa đời sống nhân loại.