Hamas chấp nhận đề xuất của Ai Cập về quản lý Dải Gaza thời hậu chiến

|

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, phong trào Hồi giáo Hamas ngày 5/12 thông báo đã chấp thuận đề xuất của Ai Cập về việc thành lập ủy ban chung của Palestine nhằm phục vụ công tác điều hành Dải Gaza thời hậu chiến.

Tuyên bố của Hamas nhấn mạnh lực lượng này đã có những cuộc đàm phán sâu rộng với phong trào Fatah tại thủ đô Cairo về kế hoạch thành lập ủy ban điều hành Dải Gaza thông qua việc triển khai các khuôn khổ đã được nhất trí trước đó, nhằm đạt được sự thống nhất của người Palestine.

Tuyên bố khẳng định Hamas đã “chấp thuận đề xuất của Ai Cập về việc thành lập ủy ban hỗ trợ cộng đồng, vốn sẽ hoạt động thông qua các cơ chế quốc gia toàn diện”.

Cũng theo Hamas, phái đoàn của lực lượng này đã đàm phán với Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine (PFLP) tại Cairo để thảo luận về các diễn biến ở Dải Gaza và Bờ Tây. Ngoài ra, Hamas cũng tổ chức thêm các cuộc họp với những nhân vật nổi tiếng của Palestine nhằm chia sẻ thông tin cập nhật về tiến trình thảo luận với Fatah và đề xuất của Ai Cập.

Trước đó, ngày 3/12, truyền thông Israel đưa tin Fatah và Hamas đã ký văn bản đồng thuận thành lập ủy ban chung để cùng điều hành Dải Gaza sau khi cuộc xung đột với Israel chấm dứt. Nội dung văn bản gồm 6 phần, trong đó phần đầu tiên nhấn mạnh mục tiêu duy trì sự thống nhất của các vùng lãnh thổ Palestine theo đường biên giới trước năm 1967. Các phần khác đề cập đến việc ủy ban chung sẽ hành động nhằm thống nhất Bờ Tây và Dải Gaza dưới một thực thể chính trị.

Ủy ban quản lý Gaza sẽ gồm 10-15 nhân vật phi đảng phái có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến kinh tế, giáo dục, y tế, viện trợ nhân đạo và tái thiết. Ủy ban sẽ chỉ bắt đầu công việc sau khi các cửa khẩu biên giới vào Gaza hoạt động trở lại như trước tháng 10/2023 và cửa khẩu Rafah nối vùng lãnh thổ của Palestine với Ai Cập được mở lại theo thỏa thuận năm 2005, dưới quyền kiểm soát của Chính quyền Palestine và Ai Cập, cùng với sự giám sát của Liên minh châu Âu (EU).

Hồi tháng 10/2024, Fatah và Hamas đã đạt được thỏa thuận quan trọng về việc thành lập ủy ban tạm thời không có yếu tố chính trị để giám sát các dịch vụ ở Gaza, trong đó có hoạt động quản lý cửa khẩu Rafah. Kết quả này đánh dấu bước tiến trong mối quan hệ giữa hai nhóm, mở ra hy vọng về sự hòa giải sau nhiều năm xung đột.

Phong trào Hamas và Fatah rơi vào tình trạng chia rẽ về mặt địa lý và chính trị kể từ năm 2007. Bất chấp nhiều các nỗ lực hòa giải cũng như các thỏa thuận khu vực và quốc tế, hai bên vẫn không thu hẹp được những bất đồng. Sự rạn nứt này đã chia rẽ công tác điều hành Palestine, với việc Hamas kiểm soát Dải Gaza trong khi Chính quyền Palestine, do phong trào Fatah lãnh đạo, quản lý một số khu vực ở Bờ Tây.