Phái đoàn cấp bộ trưởng từ gần 200 quốc gia đã trải qua một tuần đàm phán tại kỳ họp thứ 5 của Ủy ban đàm phán liên chính phủ về ô nhiễm nhựa (INC-5) tại Busan (Hàn Quốc) để thảo luận cách thức ngăn chặn việc vứt bỏ hàng triệu tấn nhựa ra môi trường mỗi năm. Các cuộc đàm phán được kỳ vọng sẽ kết thúc bằng thỏa thuận đầu tiên trên thế giới về giảm ô nhiễm nhựa sau gần 2 năm thảo luận. Tuy nhiên, trên thực tế không có thỏa thuận nào khi hội nghị khép lại, ngoại trừ việc gia hạn các cuộc đàm phán.
Ngày 3/12, Chính phủ Mỹ đã bày tỏ thất vọng về kết quả trên. Trong tuyên bố, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Sean Savett nhấn mạnh, Nhà Trắng thất vọng vì thiếu một thỏa thuận quốc tế mang tính ràng buộc về mặt pháp lý để đặt ra thời điểm giải quyết tình trạng ô nhiễm nhựa, đồng thời cho rằng một nhóm nhỏ các nước và các nhà sản xuất đã cản trở tiến trình đi đến thỏa thuận như vậy do bảo vệ lợi ích riêng của họ.
Hướng đến chấm dứt ô nhiễm nhựa toàn cầu
Bản dự thảo được công bố sau nhiều lần trì hoãn được cho là thể hiện nhiều bất đồng. Các quốc gia, trong đó có các nước sản xuất dầu mỏ như Nga và Saudi Arabia, đã phản đối việc hạn chế sản xuất nhựa. Iran cho biết có một khoảng cách lớn giữa các bên, trong khi Nga cảnh báo rằng nỗ lực đạt được một hiệp ước hạn chế rác thải nhựa đang gặp rào cản từ tham vọng quá lớn của một số bên. Hai nhà sản xuất nhựa hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Mỹ chưa bày tỏ quan điểm rõ ràng. Chủ tịch Ủy ban đàm phán liên chính phủ về ô nhiễm nhựa Luis Vayas Valdivieso cho biết, cần thêm thời gian cho các cuộc đàm phán để khai thông bế tắc do sự chia rẽ lớn giữa các quốc gia.
Các nhóm môi trường cảnh báo, một vòng đàm phán khác có thể bị cản trở tương tự nếu các quốc gia đầy tham vọng không thể hiện thiện chí. Trước đó, các đại biểu của Đức, Bồ Đào Nha và Senegal bày tỏ ủng hộ việc gia hạn đàm phán để đạt được thỏa thuận ý nghĩa. Trong khi đó, các nhóm môi trường mong muốn các quốc gia tham vọng kêu gọi bỏ phiếu nếu tiến độ bị đình trệ. Các nhóm này cho rằng một vòng đàm phán khác là không cần thiết.
Theo các nhà khoa học, tình trạng ô nhiễm nhựa xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ngay cả ở trên đỉnh núi cao nhất, cho tới đại dương sâu nhất hay rải rác ở hầu khắp bộ phận trên cơ thể con người đều tồn tại vi nhựa. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), sản lượng polymer tổng hợp toàn cầu - chất liệu tạo thành nhựa khối, đã tăng gấp 230 lần kể từ những năm 1950. Giai đoạn 2000-2019, con số này tăng gấp đôi lên 460 triệu tấn, tập trung chủ yếu ở Mỹ, Trung Đông và Trung Quốc. OECD cảnh báo, nếu không có biện pháp kiểm soát, đến năm 2060, con số đó sẽ tăng gần gấp 3 lần lên 1,2 tỷ tấn. Tỷ lệ thuận với sản lượng nhựa tăng mạnh, khối lượng rác thải nhựa trên toàn cầu cũng tăng gấp hơn 2 lần trong vòng 20 năm qua, từ 156 triệu tấn trong năm 2000 lên 353 triệu tấn vào năm 2019 và dự kiến sẽ tăng lên hơn 1 tỷ tấn vào năm 2060.
Điều đáng quan ngại hiện nay là cách xử lý lượng rác nhựa khổng lồ này. Theo OECD, chỉ 9% rác thải nhựa trên thế giới được tái chế, 19% được đốt có kiểm soát và gần 50% được đưa đến các bãi chôn lấp có kiểm soát. Khoảng 22% lượng rác thải nhựa có điểm đến cuối cùng là các bãi rác, bị đốt ngoài trời hoặc thải trực tiếp ra môi trường, gây nguy cơ lớn cho sức khỏe con người. Khoảng 22 triệu tấn nhựa được thải ra môi trường mỗi năm, trong đó có 6 triệu tấn trôi nổi trên sông, hồ và biển.
Trong bối cảnh hành tinh bị đe dọa bởi lượng rác thải nhựa ngày càng lớn như vậy, trách nhiệm của các quốc gia là sớm thu hẹp bất đồng, đoàn kết để xây dựng một thế giới xanh, sạch, đẹp. Tốc độ các cuộc đàm phán hiện nay bị chỉ trích là chậm chạp và kéo dài. Nhiều nước cho rằng, nội dung thảo luận đã quay trở lại tình hình của những cuộc họp trước, bao gồm cả các lĩnh vực mà lẽ ra có thể dễ dàng tìm ra điểm chung hơn, như giảm sản xuất nhựa và quản lý rác thải nhựa. Các tổ chức môi trường như Greenpeace đề nghị đây phải là ranh giới đỏ đối với bất kỳ quốc gia nào nghiêm túc muốn chấm dứt ô nhiễm nhựa và các nhà đàm phán phải cùng nhau đặt lợi ích của môi trường, hành tinh và sự sống lên trên hết.