Điệu múa Lăm Vông của Lào được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

|

NDO - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vừa ghi danh Điệu múa Lăm Vông của Lào vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Quyết định trên của UNESCO được đưa ra trong phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra tại Paraguay từ ngày 2 đến 7/12/2024.

Múa Lăm Vông là điệu múa dân gian nổi tiếng của người Lào, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Điệu múa này thường diễn ra trong các dịp lễ hội hoặc các sự kiện quan trọng.

Múa Lăm Vông gồm có 8 nhịp điệu chính gồm: Xơn-xuôn, Lăm Xỉ-phăn-đon, Tăng-vải, Khắp Thụm Luông-pha-bang, Lăm Xả-lạ-văn, Xạ-lắp-phăn-pa, Lăm Khon-xạ-vẳn và Lăm Mạ-hả-xay.

Theo tiếng Lào “lăm” là hát, “vông” là tròn, múa lăm vông là hát múa theo hình tròn. Điệu múa Lăm Vông được thực hiện theo nhóm hoặc đôi, trong đó người múa di chuyển thành vòng tròn theo nhịp điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển của âm nhạc. Các động tác trong Điệu múa Lăm Vông đơn giản nhưng thanh lịch, thể hiện sự gần gũi và thân thiện.

Khi múa Lăm Vông, động tác của nữ giới là vừa cuộn bàn tay, vừa ép ngón trỏ vào ngón cái, các ngón xòe rộng và uốn cong, nhịp chân ba bước tiến, một bước lùi đi vòng tròn cùng mọi người.

Còn phía nam giới thì đi chậm lại, tập trung lắng nghe những lời ca, tiếng nhạc để điều chỉnh cho nhịp nhàng từng động tác sao cho có sự tương tác phù hợp với nhịp điệu của bạn múa.

Múa Lăm Vông không chỉ là một hình thức giải trí, mà còn là cách người Lào thể hiện sự đoàn kết, lòng hiếu khách và tình yêu thương.

Với ý nghĩa đó, Điệu múa Lăm Vông trở thành biểu tượng của văn hóa và lối sống của người Lào, đóng góp vào việc gắn kết cộng đồng, không chỉ trong nước mà còn trong các hoạt động giao lưu quốc tế.

Bên cạnh Điệu múa Lăm Vông, Lào đã có 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận gồm cố đô Luang Prabang, Vat Phou thuộc tỉnh Champasak, Cánh đồng Chum thuộc tỉnh Xiengkhuang, Khèn Lào, Họa tiết Naga.

Nhân dịp UNESCO công nhận Điệu múa Lăm Vông của Lào là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone đã thay mặt Chính phủ và nhân dân các dân tộc Lào bày tỏ sự vinh dự và tự hào; đồng thời nhấn mạnh đây là kết quả của việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa tốt đẹp và là truyền thống của nhân dân các dân tộc Lào.

Điều này không chỉ mang lại niềm vinh dự cao quý cho nhân dân Lào mà còn tạo sự nhận thức, sự hiểu biết về văn hóa và những truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc Lào được kế thừa qua bao đời nay.