Châu Âu học được gì từ Bundesliga?

|

NDO - NDĐT- Bundesliga chuẩn bị bước vào vòng đấu thứ 4, kể từ khi tái khởi động từ tâm dịch Covid-19, và giải đấu này rõ ràng là bài học để phần còn lại của châu Âu học hỏi, không chỉ là sự sẵn sàng về tinh thần, chuẩn bị về tâm lý cho các trận đấu không khán giả, mà còn là sự chuẩn bị kỹ càng về thể lực.

Để trở thành giải đấu tiên phong ở cựu lục địa và mang tính biểu tượng của chiến thắng trước dịch bệnh, cũng như phải vượt qua rất nhiều rào cản về tâm lý và thể trạng, Bundesliga sau ba vòng đấu được hoàn tất đã đưa tới một cái nhìn tổng quan cho ban tổ chức các giải đấu khác như Premier League, La Liga hay Serie A, cũng như các câu lạc bộ và từng cầu thủ về ý nghĩa của việc tập luyện nghiêm túc và sự chuẩn bị tối đa về thể lực, chiến thuật trong thời gian tới.

Chiến thắng giảm

Những hạn chế của việc thi đấu không có khán giả là yếu tố đầu tiên tác động tới kết quả của mỗi câu lạc bộ và sự tinh thần của các cầu thủ. Như chúng ta đã từng đề cập trước đó, thi đấu trong các sân đóng cửa đã xóa nhòa ranh giới giữa sân nhà và sân khách.

Nó không chỉ khiến cơ hội chiến thắng của đội chủ nhà giảm đi mà còn giúp cho đội khách chiếm được nhiều lợi thế hơn. Sau ba vòng đấu vừa trở lại ở Bundesliga, gồm 27 trận được diễn ra, có đến 12 đội khách giành chiến thắng, ở con số ngược lại, chỉ có năm đội chủ nhà giữ được lợi thế.

Sự sụt giảm của tỷ lệ chiến thắng trên sân nhà không có khán giả thật sự không phải là bất ngờ, nhưng nó đang ở mức đáng cảnh báo cho các đội bóng khác trong các trận đấu sắp tới, vì không nhận được sự cổ vũ của các cổ động viên ruột, ý chí và khát khao chiến thắng của các đội chủ nhà giảm xuống rõ rệt.

Một chỉ số khác đã làm rõ hơn tác động của việc thi đấu trong các sân không khán giả đó là các đội khách ghi tới 49 bàn thắng trong 27 trận đấu của Bundesliga, và họ cũng luôn là những người mở tỷ số trước, trong khi các đội chủ nhà chỉ ghi được 35 bàn thắng. Điều đó thể hiện, các đội khách luôn chơi hưng phấn hơn các đội chủ nhà và chiếm được lợi thế về tinh thần so với các đối thủ.

Hãy so sánh một chút so với 222 trận đấu tại Bundesliga diễn ra trước khi giải đấu bị tạm hoãn vào tháng 3, tỷ lệ chiến thắng trên sân nhà trong các trận đấu có khán giả là 42,79%, tỷ lệ chiến thắng của đội khách là 36,03%. Và tỷ lệ này chiến thắng từ 42,79% rơi xuống còn 18,51%, trong khi tỷ lệ chiến thắng của đội khách tăng lên tới 44,44%.

Chấn thương tăng

Tài năng trẻ Erling Haaland chấn thương đầu gối.

Nhưng điều đáng lo ngại và đáng báo động hơn cả là tình trạng chấn thương tăng quá nhanh và trầm trọng. Đêm thứ 4 vừa rồi, trong trận Kinh điển giữa Borussia Dortmund và Bayern Munich tại sân Signal Iduna Park, đội chủ nhà Dortmund không chỉ nhận một thất bại tối mặt, mà họ còn đón một tin không vui khác, đó là tài năng trẻ Erling Haaland chấn thương đầu gối chỉ sau 18 phút có mặt trên sân.

Và sau 198 phút thi đấu, tiền đạo được coi là có nền thể lực sung mãn nhất hiện nay đã bị loại khỏi giải đấu. Điều đó có thể là hệ quả của việc anh và đội bóng chưa có được sự chuẩn bị tốt nhất về thể lực và các bài tập dường như là chưa đủ để đáp ứng với cường độ thi đấu dày đặc ba trận trong vòng bảy ngày như vậy.

Cùng lúc đó, các nghiên cứu của tiến sĩ Joel Mason của Viện khoa học thể thao Australia cũng cho thấy, chỉ sau hai vòng đấu tái khởi động, tỷ lệ chấn thương ở Bundesliga đã tăng từ 0,27% lên tới 0,88%/trận, hoặc tăng tới 250%.

Nghiên cứu này cho rằng, chấn thương là không thể tránh khỏi khi các cầu thủ không ở trạng thái tốt nhất về thể lực và việc vội vã trở lại giải đấu, trong khi lịch thi đấu dày đặc đã tác động tới tâm lý cũng như thể trạng của các cầu thủ.

Bundesliga dự tính kết thúc mùa giải vào ngày 27-6, trong khi các giải đấu khác cũng có kế hoạch tương tự, nghĩa là chỉ thi đấu trong vòng một tháng, trước khi tranh tài tại cúp châu Âu và chuẩn bị cho mùa giải mới được dự kiến vào giữa tháng 8, hoặc chậm nhất là cuối tháng 8.

Việc chuẩn bị để trở lại thi đấu cũng mang tới những rắc rối cho các câu lạc bộ lúc này, tại Tây Ban Nha, tài năng trẻ Joao Felix chấn thương bắp chân trong quá trình tập luyện, điều tương tự cũng diễn ra với Ibrahimovic của AC Milan.

Có thể, đó là dấu hiệu cảnh báo với các câu lạc bộ, họ cần để các cầu thủ đạt được trạng thái tốt nhất và cũng là câu hỏi dành cho các ban tổ chức giải vô địch quốc gia ở cựu lục địa rằng, có nên gấp gáp trở lại hay không, hoặc đặt cược sức khỏe của các cầu thủ để tránh những thảm họa về kinh tế?

Thẻ phạt tăng lên

Một vấn đề mà các HLV hoặc các cầu thủ đã không lưu tâm tới khi thi đấu không có khán giả, đó là việc phản ứng của họ bằng lời nói có thể được truyền tới tai các trọng tài một cách rõ ràng và trực tiếp hơn bao giờ hết.

Chỉ sau ba vòng đấu, số thẻ phạt vì lỗi phản ứng mà các cầu thủ và thành viên ban lãnh đạo các đội bóng ở Bundesliga phải nhận lên tới 24 thẻ, đó là con số cần được lưu ý khi các giải đấu trở lại sau đây.

Họ cần phải “giữ mồm giữ miệng” tốt hơn bao giờ hết, vì mỗi một tiếng la hét, chửi thề sau các quyết định của trọng tài có thể sẽ phải trả giá đắt đỏ.