Khi về đích thứ 4 là một chiếc Cúp đáng tự hào

|

NDO - Rất nhiều người đã nhạo báng HLV Arsene Wenger khi so sánh việc cán đích trong tốp 4 giống như một chiếc Cúp. Nhưng vào bây giờ tất cả buộc phải thừa nhận, ông đã đúng. 

Lịch sử chỉ tôn vinh người chiến thắng. Không phải ngẫu nhiên mà Sir Alex Ferguson gọi bóng đá là “địa ngục đẫm máu” và Liverpool đã làm tất cả những gì có thể trước khi sung sướng nâng chiếc Cúp vô địch Anh đầu tiên sau 30 năm chờ đợi.

Ở một số trường hợp khác, như Olympic, ngày hội thể thao lẽ ra đã khai mạc vào tuần này nếu không tạm hoãn vì đại dịch Covid-19, mục tiêu có thể hạ thấp một chút bởi ngoài tấm Huy chương Vàng vẫn còn Huy chương Bạc và Đồng. Hàng ngàn VĐV, với quyết tâm cao nhất, cố gắng để trở thành một trong ba người đứng đầu. Nhất quyết không phải người về thứ 4, sau bốn năm chờ đợi và tập luyện đầy nỗ lực.

 

Nhưng Premier League hơi kỳ lạ một chút. Kết thúc ở vị trí thứ 4 ở giải đấu này được coi là một thành công lớn. Chẳng thế mà HLV Arsene Wenger, phần lớn sự nghiệp chỉ cố giữ Arsenal trụ lại tốp 4. Chiến lược gia người Pháp từng tuyên bố, “chiếc Cúp đầu tiên cần phải đoạt được chính là vị trí thứ 4”, sau đó nhận lấy vô vàn lời chỉ trích từ người hâm mộ Pháo thủ. Nhưng rồi thời gian đã chứng minh ông đúng. Mùa giải tới sẽ là mùa thứ 4 Arsenal không được dự Champions League chỉ vì không thể cán đích trong tốp 4. 

Sự cạnh tranh ở Premier League thực sự quá khốc liệt. Trên lý thuyết, mỗi khi bắt đầu mùa giải mới sẽ có sáu hoặc bảy đội có khả năng cạnh tranh danh hiệu. Tuy nhiên hầu hết đều cho rằng, sẽ thật tuyệt vời nếu giành ngôi vô địch, song ưu tiên trước hết là lọt vào tốp 4, đảm bảo chắc chắn tấm vé tới Champions League mùa sau. 

Như Wenger đã nói, “khi bạn muốn chiêu mộ một cầu thủ, câu đầu tiên anh ta hỏi là đội của bạn sẽ chơi ở Champions League chứ, không phải về những chiếc Cúp đã đạt được”. Còn về phía những người đứng đầu đội bóng vốn đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, Champions League đồng nghĩa với tiền. 

Tham dự Champions League, một CLB thu về tối thiểu 20 triệu bảng. Còn nếu tiến xa, như Liverpool vô địch mùa 2018/19, tổng số tiền đút túi lên đến 97,5 triệu bảng. 

Vì vậy, trong ngày hạ màn mùa giải, với MU, Chelsea và Leicester mà nói, có thể về đích trong nhóm dự Champions League là sự kiện đáng để ăn mừng, không khác gì cảm giác của Liverpool khi nâng chiếc Cúp vào đêm thứ Tư vừa qua. Không quan trọng đó là vị trí thứ 3 hay thứ 4, chỉ cần lọt vào tốp 4.

Việc MU không thể đánh bại West Ham ở vòng 37 khiến cuộc đua trở nên căng như dây đàn. Đội quân của Ole Gunnar Solskjaer đang đứng thứ 3 với 63 điểm, song họ phải hành quân tới sân King Power của Leicester trong loạt đấu cuối.

Bây giờ, nhiệm vụ của MU là kiếm được ít nhất một điểm. Nếu thua, họ cần Chelsea cũng thua trong trận cùng giờ gặp Wolves. Trong khi đó, vì hơn Leicester một điểm, Chelsea cũng chỉ cần 1 điểm. Họ được phép thua trong trường hợp Leicester thất bại. Leicester khó khăn hơn cả. Họ buộc phải giành chiến thắng. Nếu không thể, họ vẫn phải có 1 điểm và hy vọng Chelsea thất bại.

Vì tính chất quyết định và sự ràng buộc phức tạp, không đội bóng nào mạo hiểm bước vào cuộc chiến với tư tưởng thủ hòa. Đơn giản, đó là 90 phút không khoan nhượng, chỉ có thắng và thua,  người hạnh phúc tột đỉnh và kẻ đau khổ tận cùng. 

Tại Olympic 2012 tại London, David Mitchell, chủ một tiệm sách đã tự đúc những chiếc Huy chương bằng thiếc và gửi chúng cho các VĐV về thứ 4. Đó là món quà của sự tử tế, khiến những người thất bại cảm thấy được an ủi ít nhiều. 

Ở Premier League, không cần những chiếc Huy chương thiếc và không cần sự an ủi. Vị trí thứ 4 là một chiến thắng đáng tự hào, là “một chiếc Cúp thực sự” khiến nhiều người phải mơ ước. Tiếc rằng nó là tấm chăn hẹp, không đủ để chia sẻ một cách hào phóng.