Pep Guardiola đã dõi theo không chớp mắt khi Ilkay Guendogan cắt sang phải, chiếm lĩnh không gian trống được tạo ra khi các hậu vệ M’gladbach dõi theo bước chạy của Phil Foden. Rồi ông cười thật tươi, quay sang các trợ lý như muốn nói “đó, các ngài đã thấy Guendogan của tôi chưa?”.
Chuyển động đồng bộ với Foden, nhận đường chuyền bằng chân trái sau đó dùng chân phải thực hiện cú sút chéo góc thành bàn, tiền vệ người Đức ấn định chiến thắng 2-0 của Man City trước đội bóng đồng hương ngay phút 18.
Guendogan thậm chí có cơ hội lập cú đúp ở phút 27, với pha thoát xuống thông minh khác. Tiếc rằng đường chuyền bổng của Riyad Mahrez hơi quá tầm với, khiến anh không thể tung ra pha dứt điểm như ý.
Trên đường biên, Guardiola ôm đầu tiếc thay cho cậu học trò. Nhưng cầu thủ 30 tuổi không có vẻ gì đau khổ, mà hướng về phía Mahrez, giơ ngón tay tán thưởng đường chuyền bóng tuyệt vời. Nó giống như khi tình huống ghi bàn trước đó, thay vì tạo nên màn ăn mừng đầy phấn khích, anh tìm đến người đồng đội Foden để tri ân pha kiến tạo.
Hoặc lần khác, Guendogan chọn pha vặn sườn Davinson Sanchez rồi ghi bàn vào lưới Tottenham là bàn thắng yêu thích, nhưng đó là bởi cú phất bóng quá đẹp của thủ môn Ederson. Anh nghĩ về những người chung quanh, cũng như về đội bóng nhiều hơn là thành tích cá nhân.
Cả sự nghiệp, Guendogan thích hoạt động bên ngoài ánh sáng sân khấu. Cựu trợ lý của Pep, Mikel Arteta nói rằng tiền vệ người Đức “chỉ muốn ở trong bóng tối và giúp người khác tỏa sáng”. Bây giờ anh đang đứng trước thách thức mới: đối phó với sự quan tâm tăng đột biến khi bị Guardiola đẩy ra trung tâm sân khấu.
Tuy không phải cầu thủ ra sân nhiều nhất (chỉ 33 trận, đứng thứ tám trong đội) nhưng Guendogan đang dẫn đầu danh sách ghi bàn của Man City. Với 15 bàn thắng ở mọi đấu trường, anh ghi nhiều hơn cả Raheem Sterling (13) và bằng tổng kết hợp của bộ đôi tiền đạo Sergio Aguero (3), Gabriel Jesus (12).
Trước mùa này, chưa bao giờ Guendogan chạm mốc 10 bàn trong một mùa giải. Lần duy nhất anh ghi nhiều đến thế là thời còn chơi ở Học viện. “Đó là bóng đá trẻ, tất nhiên không thể sánh với cấp độ chuyên nghiệp”, tiền vệ người Đức nói, “vậy nên thành tích hiện tại là tốt nhất tôi từng có”.
Pep vốn luôn đề cao Guendogan bởi anh sở hữu những phẩm chất không ai có, từ kỹ năng cầm bóng trong lúc di chuyển nhanh, tổ chức và điều tiết nhịp độ đến sự điềm tĩnh để có khoảng dừng cần thiết trước khoảnh khắc quyết định. Nhưng ông tin rằng cậu học trò còn được nhiều hơn thế và có một kế hoạch cho anh.
“Tôi đã nói một lần về việc Guendogan có thể chơi như một tiền đạo hoặc số 9 ảo, và mọi người đã cười nhạo tôi. Cũng dễ hiểu thôi, bởi cậu ấy chưa từng đóng các vai trò đó. Song tôi biết Guendogan có thể. Cậu ấy ý thức về việc ghi bàn cũng như độ nhạy cảm để thực hiện nó”, Guardiola nói.
Được sự khuyến khích của ông thầy, Guendogan bắt đầu bước ra khỏi giới hạn an toàn. Anh phiêu lưu hơn khi đẩy mình lên phía trước, đánh giá cơ hội tiềm năng và tiến hành các cuộc thâm nhập vòng cấm. Tiền vệ 30 tuổi đặc biệt thông minh để thoát khỏi bẫy việt vị và đặt mình vào vị trí phù hợp để nhận bóng và dứt điểm.
Tại Champions League, Guendogan chỉ cần chín cú sút để có ba bàn thắng (tỷ lệ thành bàn 33,3%), và ở Premier League, có 12 bàn với 44 lần dứt điểm (27,2%). Làm một phép so sánh, Sterling ghi một và chín bàn ở hai đấu trường trên từ 10 và 53 cú sút, tương ứng 11,1% và 18,8%.
Khi thói quen ghi bàn đã hình thành và gần như cứ ra chân là bóng vào lưới, liệu Guendogan có thể kết thúc mùa giải với bao nhiêu bàn thắng? 20 hay 25?
Thật ra thì đây không câu hỏi mà tiền về đã 197 trận khoác áo Man City quan tâm. “Nếu có một bản cam kết nói rằng CLB sẽ giành mọi danh hiệu với điều kiện tôi không ghi thêm bàn thắng nào, tôi ký ngay mà không cần suy nghĩ. Chỉ cần đội bóng giành chiến thắng, mọi thứ khác đều không quan trọng”, anh nói với Sky Sports.
Guendogan vẫn luôn khiêm tốn và nghĩ về tập thể như vậy.