Yêu cầu chuyển nhượng: Vũ khí khẳng định quyền lực cầu thủ

|

NDO - Thương vụ Jadon Sancho tới MU đã có bước tiến đáng kể, khi nhiều khả năng cầu thủ người Anh sẽ đệ đơn yêu cầu chuyển nhượng tới Ban lãnh đạo Dortmund. Động thái này có nghĩa là gì?

Theo truyền thông Anh quốc, Jadon Sancho có thể sẽ tự mình giải quyết khúc mắc tương lai bằng cách gửi tới ban lãnh đạo đơn yêu cầu chuyển nhượng. Nó sẽ khiến Dortmund quay trở lại bàn đàm phán với thái độ tích cực hơn, qua đó giúp anh sớm gia nhập MU.

Vậy, rốt cuộc đơn yêu cầu chuyển nhượng là gì mà có ảnh hưởng lớn đến vậy?

Thật ra thì nó không hẳn phải là một lá đơn. Đôi khi chỉ đơn giản là lời nói, email hoặc những dòng nguệch ngoạc viết trên tờ giấy ăn hay tấm vé bỏ đi, với nội dung muốn được ra đi trước thời hạn hợp đồng đã ký. Nó không có giá trị pháp lý và câu lạc bộ (CLB) không có nghĩa vụ phải tuân theo, thế nên cũng không giúp cầu thủ ra đi ngay lập tức.

Tuy nhiên, nó sẽ là căn cứ để CLB cắt khoản tiền thưởng cho lòng trung thành, nếu cầu thủ hoàn thành khoảng thời gian theo yêu cầu trong hợp đồng. Thí dụ như Wayne Rooney, trong 5 năm cuối ở MU hưởng mức thu nhập 300 nghìn bảng/tuần. Nhưng thực chất, 50 nghìn bảng trong số đó, tức 2,6 triệu mỗi năm, là tiền thưởng trung thành được thanh toán theo từng đợt. 

Xét trên khía cạnh kinh tế, cầu thủ sẽ bị thiệt hại lớn nếu đệ đơn yêu cầu chuyển nhượng. Họ chỉ làm trong trường hợp CLB tương lai chấp nhận trả thêm cho họ một khoản tương tự như một sự đền bù. Hoặc, họ thật sự muốn ra đi và đơn yêu cầu chuyển nhượng là phương cách cuối cùng để thúc đẩy CLB chủ quản bán họ.

Thường thì trong các vụ chuyển nhượng, cầu thủ sẽ núp đằng sau người đại diện và giữ cho mình sự trung dung, để bất cứ điều gì xảy ra sau đó, họ vẫn có thể tiếp tục mà không gặp điều tiếng gì. Mọi chuyện sẽ đi theo chiều hướng khác khi họ đệ đơn yêu cầu chuyển nhượng. Đó là một động thái mang tính công khai, rằng họ đã hết khát khao cống hiến và sẵn sàng đối đầu với ban lãnh đạo cũng như người hâm mộ để được rời đi càng sớm càng tốt.

Như đã nói, yêu cầu chuyển nhượng không có giá trị pháp lý. Nhưng với các CLB, nó không khác gì mũi dao găm đâm xuyên vào tim. Họ sẽ phải bán với mức giá thấp hơn mong muốn, đồng thời trở thành những gã hề khi trước đó từng tuyên bố sẽ giữ chân anh ta bằng mọi giá.

Nếu không bán, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn. Khi một cầu thủ công khai muốn ra đi, anh ta hoàn toàn có thể trở thành kẻ bất trị nếu không được toại ý. Họ sẽ gây ra vô số vấn đề để cuối cùng, CLB vẫn phải bán anh ta, nhưng với mức giá còn thấp hơn nữa.  

Năm 2006, hậu vệ William Gallas từng từ chối tham gia vào tour du đấu trước mùa, đồng thời đe dọa sẽ đá phản lưới nhà hoặc chơi xấu để nhận thẻ đỏ nếu Chelsea không cho anh tới Arsenal. Hoặc Rohan Ricketts vào năm 2002 đã yêu cầu Ban lãnh đạo Arsenal cho phép anh tới Tottenham. Khi bị từ chối, Ricketts đã ăn cắp điện thoại của đồng đội và gây ra bầu không khí ngờ vực trong phòng thay đồ. Cực chẳng đã, Arsenal đành chấp nhận để anh gia nhập đội bóng kình địch.

Dortmund, đội bóng theo đuổi chiến lược tìm kiếm các tài năng giá rẻ và bán với giá cao, có nhiều kinh nghiệm xương máu trong việc này. Năm 2017, Ousmane Dembele đã nổi loạn bằng cách bỏ tập để tới Barca, hoặc Christian Pulisic sa sút không phanh trong mùa 2018/2019 trước khi gia nhập Chelsea. Bây giờ, họ có thể rơi vào tình huống tương tự với Sancho.

Vài ngày trước Giám đốc Dortmund, Michael Zorc tuyên bố Sancho tiếp tục là một phần của đội bóng trong mùa giải tới. Nó sẽ trở thành lời nói dối, giống như những gì ông ta nói về Dembele hay Pulisic. Vào thời gian này, quyền lực của các cầu thủ thật sự lớn và hợp đồng có thể bị xé toạc bất cứ lúc nào.