“Đêm huyền diệu”
EURO 2020 đã bế mạc trên sân Wembley với những nghi thức đơn giản, nhưng ấn tượng sau một tháng diễn ra sôi động. Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảm đạm ở các nước, các trận đấu của EURO 2020 lần đầu tổ chức xuyên biên giới, tại 11 sân vận động của các thành phố, đã kết nối các quốc gia và tạo nên những “đêm huyền diệu” với bóng đá, sôi động và thắm đượm tình hữu nghị trên toàn châu Âu.
Có thể thấy điều này khi chứng kiến hàng nghìn cổ động viên được vào sân Stadio Olimpico của thành Rome xem các trận đấu của đội tuyển Italia và cùng hát vang ca khúc Notti Magiche của Gianna Nannini sáng tác từ thời World Cup 1990 để cổ vũ đội nhà. Hòa cùng với họ là những cổ động viên từ Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, xứ Wales, vui vẻ và chan hòa, chia sẻ với nhau những nỗi buồn, niềm vui trên sân cỏ và cả ở quảng trường trung tâm thành phố hay trong các quán cà-phê bóng đá. Tại TP St.Peterburg (Nga), hàng nghìn cổ động viên Nga, Phần Lan, Ba Lan, Bỉ, Thụy Điển và Slovakia cũng tạo nên một bầu không khí tuyệt vời trên khán đài và ở những khu FanZone xem các trận đấu. Vào những ngày diễn ra các trận đấu của giải, nhiều cổ động viên tại Amsterdam (Hà Lan) trong trang phục da cam đã gặp nhau tại trung tâm thành phố và không khí bóng đá luôn sôi động theo vòng lăn của trái bóng tròn, ngay cả khi đội tuyển Hà Lan đã dừng bước. Với hành trình đi tới bán kết của “Những chú lính chì” Đan Mạch, Copenhagen mới thật sự là trung tâm của kỳ EURO lần này. Hàng chục nghìn cổ động viên đã tập trung về sân vận động với nhiều cảm xúc cuồng nhiệt. Do không có những quy định hạn chế nào liên quan đến dịch Covid-19 ở Đan Mạch, cho nên các quán bar và nhà hàng đều mở cửa, giúp các “dạ hội” kéo dài đến khuya. Trong khi đó, với năm trận vòng đấu loại cùng hai trận bán kết và chung kết diễn ra trên sân Wembley, EURO 2020 đã trở về với nước Anh, từ vòng bảng cho đến thời điểm bế mạc giải. Hào hứng và cuồng nhiệt là tâm trạng chung của người Anh. Trên đường phố cũng như khán đài luôn vang lên lời ca: God Save The Queen, Football’s Coming Home của các cổ động viên “Tam Sư”.
Không khí “Ngày hội bóng đá” cũng có thể thấy phần nào ở các thành phố như: Glasgow (Scotland), Budapest (Hungary), Munich (Đức), Seville (Tây Ban Nha), Baku (Azerbaijan)... Nơi đâu cũng ngập trong cờ và các biểu tượng đội bóng, biểu tượng quốc gia vào những ngày có trận đấu với đông đảo cổ động viên trên khán đài, trên đường phố và các quán xá trong âm hưởng những ca khúc bóng đá.
Hiệu quả của sức mạnh tập thể
EURO 2020 cho thấy lối chơi gắn kết tập thể đã làm nên sức mạnh của những đội bóng thành công chứ không phải đến từ sự dẫn dắt của các cá nhân “ngôi sao”.
Nhìn vào những đội mạnh tại giải lần này mới thấy, dù các cầu thủ đá chính của họ đều là những trụ cột ở các câu lạc bộ mạnh, song không một ai được xem là ngôi sao không thể thay thế. Nhưng nhìn vào tổng thể thì sức mạnh tập thể của đội bóng có thể thấy rất rõ ràng. Nếu có đội bóng nào xứng đáng được khen ngợi tại EURO lần này, cần phải nhắc tới Đan Mạch vì tinh thần và lối chơi tập thể mà họ thể hiện. Hay nói cách khác, Đan Mạch là đội bóng của mọi người. Họ đã trải qua bi kịch ở khoảnh khắc Eriksen bị đột quỵ trên sân, nhưng chính nỗi đau này lại giúp họ có thêm động lực và tinh thần để thi đấu, giúp họ đánh bại xứ Wales ở vòng 1/8, Czech ở vòng tứ kết và chỉ chịu thua Anh sau 120 phút ở vòng bán kết. Nhìn rộng ra thì đều thấy, các đội bóng có mặt ở vòng bán kết và chung kết đều là những đội bóng có đội hình đồng đều, lối chơi gắn kết dù không có một ngôi sao, một thủ lĩnh thật sự. Cũng vì vậy mà các trận đấu của họ mang đến nhiều cảm xúc, kịch tính và luôn có sự cổ vũ của những người hâm mộ trung lập. Và đây chính là thành công của một kỳ giải ghi dấu kỷ niệm 60 năm EURO đầu tiên được tổ chức.
Mời bạn đọc theo dõi diễn biến và kết quả trận chung kết trên báo Nhân Dân điện tử: https://nhandan.vn.