Hình ảnh đẹp bốn năm trước
Tại ASIAD 15-2006, Nguyệt Ánh không phải là VÐV được đặt nhiều kỳ vọng sẽ giành HCV, dù lúc đó nữ võ sĩ này đã là đương kim vô địch SEA Games. Tuy nhiên, sau khi ứng cử viên số một là võ sĩ Hoàng Ngân thất bại ở nội dung biểu diễn (kata), Nguyệt Ánh trở thành niềm hy vọng lớn nhất. Ở hạng 48 kg của Nguyệt Ánh năm đó không có các đối thủ Nhật Bản tham dự, càng khiến cơ hội vô địch của Nguyệt Ánh lớn hơn. Ngay ở trận đầu tiên, khi gặp lại "bại tướng" trong trận chung kết ở SEA Games 23 năm 2005, So-ri-a-nô Ma-e (Phi-li-pin), Nguyệt Ánh đã dẫn trước hai điểm bằng hai đòn tay chính xác trước khi bị đối thủ gỡ một điểm trong hai giây cuối. Vào bán kết, trước đối thủ Ti-em-su-ra-can Gít-ti-can (Thái-lan) chơi thiên về sức mạnh, Nguyệt Ánh đã khéo léo ghi điểm bằng một đòn tay và một cú đá trúng mặt để giành thắng lợi cách biệt 4-0. Thi đấu trận chung kết, nhờ lợi thế chiều cao (1 m 65 so với 1 m 55) dù trẻ hơn đối thủ bảy tuổi, Nguyệt Ánh thi đấu đầy tự tin, liên tiếp ra đòn tay chuẩn xác và đã được các trọng tài công bố là người chiến thắng với tỷ số 6-1 trước Va-san-ta Ma-ri-an (Ma-lai-xi-a). Tấm HCV duy nhất của Nguyệt Ánh bốn năm trước là sự khẳng định sức mạnh của ka-ra-tê-đô Việt Nam tại đấu trường châu Á, nối tiếp thành tích giành hai HCV của các võ sĩ Việt Nam có được tại ASIAD 14-2002.
Năm 2006 được xem là thời điểm Nguyệt Ánh đạt tới độ chín trong cuộc đời VÐV. Cùng năm đó võ sĩ này đã giành HCV Ðại hội thể dục - thể thao toàn quốc lần V tại Huế và được Bộ Quốc phòng thăng vượt cấp Thiếu úy khi mới 22 tuổi.
Trọng trách ASIAD
Nếu bốn năm trước Nguyệt Ánh chỉ là niềm hy vọng số hai, thì bốn năm sau cô đã trở thành ứng cử viên số một cho ngôi đầu ASIAD. Hoàng Ngân sau SEA Games 25 đã rục rịch xin nghỉ, khả năng thi đấu tại Quảng Châu, Trung Quốc vẫn còn bỏ ngỏ. Bởi thế, Nguyệt Ánh với sự chín chắn cùng những bước tiến bộ vượt bậc về trình độ thi đấu đã được đặt trọng trách giành HCV ASIAD. Kể từ khi lên ngôi vô địch SEA Games 23 năm 2005, Nguyệt Ánh vẫn chưa có đối thủ xứng tầm ở đấu trường này. Liên tiếp sau đó, tại SEA Games 24 (Thái-lan) và gần nhất là SEA Games 25 (Lào), Nguyệt Ánh đều khẳng định được đẳng cấp để bảo vệ thành công ngôi vô địch đơn nữ. Tại Lào hồi tháng 12-2009, mặc dù vào thi đấu với chấn thương đầu gối chưa hoàn toàn bình phục, Ánh vẫn dễ dàng vượt qua Chan-sâu-đa (Lào) trong trận bán kết với tỷ số 5-0, và Mác-ti-nen (In-đô-nê-xi-a) 7-1 để giữ vững HCV cá nhân. Trung úy QÐND Việt Nam Nguyệt Ánh tiếp tục tỏ ra vượt trội trước đối thủ In-đô-nê-xi-a Mác-ti-nen trong trận chung kết và giành thắng lợi chung cuộc với tỷ số chênh lệch 7-1.
Chuẩn bị cho ASIAD 2010, Ban huấn luyện đội tuyển ka-ra-tê-đô Việt Nam đã có kế hoạch tạo điều kiện cho Nguyệt Ánh tham dự các giải đấu quốc tế cũng như mời chuyên gia nước ngoài đào tạo ngắn hạn. Sáu năm liên tiếp giữ vững thành tích đỉnh cao ổn định, Nguyệt Ánh tâm sự, sẽ nỗ lực hết mình để đạt thành tích cao tại ASIAD sắp tới.
Sinh ngày 7-10-1984 tại Hải Phòng, Nguyệt Ánh bắt đầu tập ka-ra-tê-đô từ năm 1998. Hai năm sau, cô chuyển lên sinh sống tại Hà Nội và tiếp tục luyện tập tại Trung tâm TDTT Quốc phòng 1. Trước SEA Games 22 năm 2003, Nguyệt Ánh được gọi bổ sung vào đội tuyển quốc gia. Hai năm sau Vũ Thị Nguyệt Ánh lên ngôi vô địch SEA Games 23-2005 tại Phi-li-pin hạng 48 kg, điểm khởi đầu của một bảng thành tích rực rỡ. |
NGUYỄN TÚ