Tuy nhiên, khảo sát tại các địa phương vừa qua cho thấy, còn không ít CBCS thiếu trau dồi đạo đức, lúng túng, thụ động trong triển khai các nhiệm vụ, thiếu kỹ năng xử lý tình huống, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường, ứng dụng khoa học - công nghệ. Thực tế này đòi hỏi cấp thiết cần đổi mới hơn nữa phương pháp đào tạo CBCS theo hướng sát yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Chú trọng trình độ và kỹ năng
Theo đánh giá của Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ), về chất lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ CBCS nhìn chung còn thấp so với mặt bằng chung của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp. Số cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt nghiệp trung cấp chiếm tỷ lệ lớn. Thực tế vẫn còn không ít cán bộ, công chức cấp xã vẫn ở diện phải “cầm tay chỉ việc”. Nhiều cán bộ, công chức chuyên môn nghiệp vụ không đúng chuyên ngành cho nên khó tham mưu tốt để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế này là do công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa theo kịp đòi hỏi thực tiễn.
Ðồng chí Lê Thị Lụa, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Việt Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) là một trong số ít CBCS được vinh danh tại hội nghị điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2019. Qua những câu chuyện thực tế lãnh đạo chính quyền, nhân dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương thì những kinh nghiệm thực tiễn cùng kỹ năng xử lý tình huống chính là cẩm nang giúp đồng chí hoàn thành nhiệm vụ. Nhớ lại năm 2010, đồng chí Lụa mới giữ chức Chủ tịch UBND xã trong bối cảnh việc vận động nhân dân xây dựng nhà văn hóa từ lâu vốn rất khó khăn. Sau khi được cấp trên tập huấn về kỹ năng xử lý tình huống trong xây dựng nông thôn mới, đồng chí suy nghĩ và bàn bạc, đề nghị Ðảng ủy xã để mình phụ trách thôn 3, là địa bàn khó khăn nhất xã. Tại đây, đồng chí trưởng thôn do có người thân bệnh nặng cho nên ít có thời gian cho công việc chung. Ðồng chí Lê Thị Lụa báo cáo Ðảng ủy xã xin tạm đảm nhận cương vị trưởng thôn 3 (không nhận lương) để gần gũi, tiếp cận người dân. Năng gần, năng thân, dần dần đồng chí đã thuyết phục được gia đình bác Vũ Văn Long hiến 350 m2 đất làm nhà văn hóa. Tiếp đó, đồng chí đến từng gia đình, bàn bạc, vận động, xin ý kiến việc thiết kế, xây dựng. Hiểu được tấm lòng của nữ Chủ tịch UBND xã kiêm trưởng thôn, nhân dân trong thôn đã chung sức, góp công, góp của. Hơn hai tháng sau ngày khởi công, nhà văn hóa thôn được khánh thành. Niềm vui của thôn 3 nhanh chóng lan tỏa, trở thành phong trào làm nhà văn hóa, làm đường giao thông và nhiều phong trào thi đua do xã phát động.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ðồng Nai Tạ Quang Trường cho biết, từ năm 2018 tỉnh tổ chức thi sát hạch, đánh giá năng lực đối với công chức cấp xã. Nội dung kiểm tra là những tình huống cụ thể mà cán bộ công chức thường gặp trong xử lý công việc ở địa phương. Qua đó, để đánh giá năng lực, kỹ năng của cán bộ trong xử lý, ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ và văn hóa giao tiếp. Dựa trên kết quả kiểm tra làm cơ sở để sắp xếp, bố trí sử dụng công chức phù hợp với vị trí công tác và có kế hoạch đào tạo, đặc biệt, khuyến khích đội ngũ CBCS tự giác học tập, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở địa bàn vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Khảo sát tại các tỉnh Bắc Kạn, Bình Dương, Ðồng Nai,... cho thấy công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống, gắn với thực tiễn địa phương cho đội ngũ CBCS ngày càng được chú trọng, đổi mới. Trong quá trình thực hiện đào tạo, các trường chính trị luôn cập nhật, bổ sung những nội dung chủ trương, đường lối của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực tiễn của địa phương vào bài giảng cho phù hợp và đáp ứng tình hình mới. Nhiều giáo trình đã lược bỏ những phần kiến thức trùng lặp, giảm lý thuyết, tăng thảo luận, đặt ra cho học viên nhiều tình huống và giải pháp xử lý hiệu quả, kịp thời. Giảng viên áp dụng các phương tiện hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động tham gia trao đổi bài của học viên, do đó, chất lượng dạy và học được nâng lên. Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Yên Bái Phạm Tiến Hưng cho biết, năm 2019, trường đã phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý trật tự xây dựng; kỹ năng, nghiệp vụ công tác tư pháp - hộ tịch cho đội ngũ CBCS. Giảng viên chính là lãnh đạo đương nhiệm của các ban, ngành trong tỉnh. Kết quả là hầu hết CBCS qua bồi dưỡng đều vững vàng hơn trong xử lý các vấn đề mới tại cơ sở.
Rèn luyện phong cách gần dân, sát dân
Bên cạnh đổi mới phương pháp giáo dục - đào tạo, nhiều cấp ủy tập trung giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cho đội ngũ CBCS. Vào những ngày cuối năm 2019, dù đã quá 16 giờ nhưng bộ phận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính UBND phường Trảng Dài, TP Biên Hòa (Ðồng Nai) vẫn đông người đến làm thủ tục hành chính. Vừa tiếp nhận hồ sơ từ người dân, đồng chí Trương Thị Mỹ Hạnh, cán bộ văn phòng thống kê cho biết, cán bộ phường hầu hết kiêm nhiệm song luôn ưu tiên giải quyết việc ở bộ phận một cửa. Ðầu tháng 10-2019, đồng chí Hồ Viết Dũng, cán bộ tư pháp hộ tịch phường Trảng Dài được cử đi học. Thế nhưng mỗi ngày, cứ sau giờ học ở trường là đồng chí lại về phường xử lý từ 45 đến 55 hồ sơ để kịp trả kết quả cho người dân. Ðồng chí tâm sự, Ðảng ủy phường đã quán triệt không để người dân phải chờ đợi, cho nên bản thân mỗi người luôn ý thức trách nhiệm cao nhất cho công việc. Theo Bí thư Ðảng ủy phường Trảng Dài Phạm Hùng, để phục vụ nhân dân tốt nhất, Ðảng ủy yêu cầu cán bộ, công chức phải lễ phép, hòa nhã, tôn trọng khi tiếp xúc nhân dân. Hằng tuần, hằng tháng khi giao ban, sinh hoạt chi bộ, các nội dung, quy định về ứng xử và tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức đều được kiểm điểm rõ ràng, được Ðảng ủy giám sát chặt chẽ.
Phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) là đơn vị đứng đầu trong các xã, phường, thị trấn của tỉnh về chỉ số cải cách hành chính năm 2018. Ðồng chí Phạm Văn Nồng, Bí thư Ðảng ủy phường cho biết, Ðảng ủy phường luôn chú trọng rèn luyện phẩm chất, đạo đức và thái độ của cán bộ, công chức khi phục vụ nhân dân, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả. Chính vì thế, bình quân mỗi ngày phường có khoảng 300 hồ sơ cần giải quyết nhưng không có sự chậm trễ trong việc trả kết quả. Phường thực hiện hiệu quả mô hình văn hóa công sở trong giao tiếp theo phương châm “ba xin - ba luôn” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn giúp đỡ) và mô hình “Hẹn giờ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại nhà”, phục vụ người dân diện chính sách, người cao tuổi, bảo trợ xã hội, hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đi lại; chủ động giải quyết các hồ sơ chứng tử kể cả trong các ngày nghỉ, ngày lễ. Ðồng thời, lãnh đạo phường thường xuyên tổ chức đối thoại với nhân dân thông qua các nội dung, chủ đề về cải cách hành chính và thái độ phục vụ của CBCS.
Không chỉ trong giải quyết công việc, nhiều cấp ủy đưa cán bộ đến gần nhân dân với giải pháp hiệu quả. Tháng 6-2019, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) triển khai mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân”. Theo đó, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn huyện dành ít nhất mỗi tháng hai ngày cuối tuần về các xã, bản, hộ gia đình trên địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách hoặc theo yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân, giúp cơ sở giải quyết các nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm. Về các xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Kim Nọi…, hàng trăm cán bộ, đảng viên đã cùng người dân phát quang, dọn dẹp vệ sinh nhà văn hóa thôn, bản, khơi thông thoát nước trên các tuyến đường; vận động nhân dân thu gom, tiêu hủy rác, xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp. Những hoạt động này góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa cán bộ với nhân dân.
Chia sẻ và đồng hành
Về lý thuyết và trên thực tế, cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh không thể làm thay công việc của CBCS. Song sự đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ cấp trên và sự ủng hộ của nhân dân là nguồn động viên quan trọng giúp đội ngũ CBCS phấn đấu vươn lên về mọi mặt.
Một thời gian dài tại tỉnh Bắc Kạn xảy ra tình trạng cán bộ cấp tỉnh, huyện “khoán trắng” cho CBCS. Không ít lãnh đạo sở, ngành ít đi cơ sở hoặc lãnh đạo huyện cả nhiệm kỳ không đi hết các xã để nắm tình hình. Từ năm 2016, Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện phân công các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh và đảng bộ các huyện, thành phố, đảng ủy trực thuộc, lãnh đạo các ban xây dựng Ðảng về dự sinh hoạt tại chi bộ cơ sở. Qua đó, chất lượng sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi chuyển biến rõ rệt, sức chiến đấu và vai trò hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở được nâng lên; nhận thức, kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của đảng viên chuyển biến tích cực. Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn Hà Sỹ Thắng đánh giá, việc lãnh đạo huyện, các phòng chuyên môn thường xuyên về cơ sở đã kịp thời giải quyết những vướng mắc phức tạp. Qua đó bồi dưỡng cho đội ngũ CBCS kiến thức mới, phương pháp xử lý tình huống.
Tại TP Hồ Chí Minh, để đồng hành với đội ngũ cán bộ trẻ, nhiều quận đã xây dựng những mô hình để cán bộ trẻ “tập sự” chức danh mình được quy hoạch, qua đó có điều kiện tiếp xúc nhiều với người dân hơn. Tháng 9-2017, Quận ủy Tân Bình ban hành và thực hiện kế hoạch luân chuyển cán bộ quy hoạch tiếp cận chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phường. Ðây thực chất là cơ hội tốt để cán bộ nguồn bước đầu làm quen, tiếp cận chức danh được quy hoạch. Là cán bộ được cử đi tiếp cận chức danh Phó Chủ tịch UBND phường, đồng chí Nguyễn Thị Bích Tho, chuyên viên Văn phòng HÐND, UBND quận Tân Bình vẫn còn nhiều cảm xúc về thời gian thực tế ở cơ sở. Ðược bố trí tại UBND phường 15, đồng chí khá bỡ ngỡ trước nhiều công việc mới. Thế nhưng, nhờ sự hỗ trợ của Ðảng ủy phường, nhất là có sự hướng dẫn trực tiếp của đồng chí Phó Chủ tịch, đồng chí dần tự tin hơn. “Chỉ trong sáu tháng, tôi học tất cả những công việc mà một đồng chí Phó Chủ tịch UBND phường phải làm, từ cách tham mưu, làm báo cáo, đến công tác tiếp dân, nhờ đó có thêm nhiều bài học, kinh nghiệm quý”, đồng chí Bích Tho chia sẻ. Ðồng chí Tho sau đó đã được bố trí làm Phó Chủ tịch UBND phường 11, quận Tân Bình.
Bên cạnh kết quả tích cực, nhưng do điều kiện khó khăn về trường lớp, giáo viên, kinh phí, môi trường hoạt động… công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCS ở nhiều địa phương vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Năm 2018, đồng chí Bàn Văn Bình được giao giữ chức Bí thư Ðảng ủy xã Bình Trung, huyện Chợ Ðồn (Bắc Kạn). Ðây là địa bàn còn nhiều khó khăn. Do không thành thạo tiếng H’Mông, nhiều khi xuống cơ sở phải “cắt cử” thêm phiên dịch, đồng chí Bình tâm sự, trên một địa bàn có tới ba dân tộc thiểu số cùng sinh sống là Tày, Dao, H’Mông thì thông thạo hết tiếng nói của từng dân tộc là rất khó, trong khi xuống cơ sở vận động mà không biết tiếng đồng bào thì chắc chắn hiệu quả giảm đi một nửa.
Thực tế cho thấy ngoài phẩm chất đạo đức và kiến thức về văn hóa, chuyên môn, lý luận chính trị, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh, vùng miền, vị trí công tác, CBCS còn phải thành thạo ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc hay phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc… Vì vậy, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCS cần xây dựng chiến lược đào tạo toàn diện, thống nhất từ T.Ư đến địa phương, theo hướng bám sát thực tiễn từng vùng, miền, vị trí công tác để có những giải pháp hiệu quả nhất.
(Còn nữa)
(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 17-12-2019.
* Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở (Kỳ 1)