Vẫn chìm trong khuyến mại ảo

|

Từ 0 giờ ngày 1-12, Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday 2017 - hoạt động thương mại điện tử (TMÐT) được đón chờ nhất trong năm đã chính thức khởi động. Ghi nhận ý kiến phản ánh của nhiều người tiêu dùng cho thấy, bên cạnh số ít sản phẩm giảm giá thật, vẫn xuất hiện tràn lan khuyến mại ảo, kể cả những mặt hàng được Ban tổ chức "đóng mác" sản phẩm bảo đảm.

Rõ ràng chừng nào doanh nghiệp cứ thoải mái tung khuyến mại ảo nhưng không lo bị xử lý thì tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong những năm sau.

Chẳng mấy tiếc nuối khi không trở thành người may mắn "tóm" được một trong bốn chiếc điện thoại iPhone X bán với giá 4,99 triệu đồng, anh Tuấn Thạch (trú tại quận Ðống Ða, Hà Nội) tiếp tục tìm kiếm trên trang điện tử http://store.onlinefriday.vn một chiếc máy giặt để làm quà tặng nhân dịp sinh nhật vợ.

Anh mừng húm khi thấy trang web của Công ty cổ phần Ti Ki (http://tiki.vn) bán máy giặt cửa ngang Inverter Electrolux EWF12853S - 8 kg với giá giảm đến 42%, chỉ còn 11,499 triệu đồng. Ðể chắc chắn, anh Thạch kiểm tra lại giá tại một số cửa hàng khác thì ngã ngửa khi thấy nhiều trang điện tử bán hàng khác cũng bán với giá tương tự, thậm chí rẻ hơn. "Quảng cáo giảm 42% nhưng giá bán vẫn tương đương giá thông thường ngoài thị trường thì rõ ràng là lừa đảo khách hàng" - anh Thạch bức xúc bày tỏ.

Tương tự, phải chờ suốt đêm để "săn" một chiếc ti-vi cho gia đình xem tết nên chị Hoàng Thủy (trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã hết sức bực bội khi gặp phải khuyến mại ảo. Chị kể: "Vào trang Online Friday, thấy aeoneshop bán ti-vi Sony KD-49X8000E 49 inch giá 21,79 triệu đồng, mặc dù chỉ giảm 5% nhưng do đúng loại mình thích, đồng thời cả thương hiệu sản phẩm và cửa hàng bán đều tin cậy nên vợ chồng tôi ưng ý lắm. Ai dè, khi kiểm tra giá tại nhiều cửa hàng khác mới thấy sản phẩm ti-vi cùng loại giá bán chỉ hơn 19 triệu đồng".

Không ít người tiêu dùng còn phản ánh hiện tượng nhiều mặt hàng giảm giá, thậm chí giảm rất "sâu", có khi chỉ còn 0 đồng nhưng khi "kích chuột" để mua đã bị báo hết hàng ngay trong những giây đầu tiên diễn ra chương trình. Theo những người có nhiều kinh nghiệm mua hàng trực tuyến, chiêu trò "câu khách" quen thuộc này diễn ra hằng ngày, không chỉ với những đợt Online Friday.

Khuyến mại ảo vẫn luôn là căn bệnh trầm kha của ngành TMÐT Việt Nam, nhưng lại hoành hành cả trong những ngày hội mua sắm trực tuyến như Online Friday được cơ quan nhà nước là Bộ Công thương bảo hộ đã khiến chương trình này sụt giảm uy tín nghiêm trọng, còn người tiêu dùng mất dần niềm tin. Chuyên gia kinh tế Lê Ðăng Doanh cho rằng: Với các khuyến mại "sốc", do không có nguồn độc lập nào để xác nhận cho nên người tiêu dùng rất khó kiểm chứng. Cách duy nhất là người tiêu dùng cần thận trọng, so sánh giá sau giảm với giá chung trên thị trường để xác định là khuyến mại ảo hay thật. Ðể đối phó nạn khuyến mại ảo, Ban tổ chức Online Friday 2017 tuyên bố đã cho triển khai nhiều biện pháp như rà soát kỹ lưỡng, phối hợp các phương tiện để so sánh giá.

Một điểm mới khác của Online Friday năm nay là danh sách khoảng 5.000 mặt hàng được "đóng mác" sản phẩm bảo đảm, được Ban tổ chức bảo hộ về giá cả cũng như chất lượng. Tuy nhiên, thật đáng buồn, chính những mặt hàng này cũng xuất hiện khuyến mại ảo. Thí dụ, ti-vi thông minh màn hình cong OLED LG 55 inch 55EG910T được tiki.vn treo biển giảm giá 53%, chỉ còn 26,99 triệu đồng, nhưng thực tế giá thị trường chỉ khoảng 25 triệu đồng; điện thoại Xiaomi Redmi Note 4 64GB/4GB cũng do tiki.vn bán giá 4,388 triệu đồng (giảm 27%), nhưng thực chất chỉ rẻ hơn vài chục nghìn đồng so với giá đang bán tại Lotte hay nhiều trang điện tử khác,...

Trong cuộc họp báo được tổ chức mới đây, đại diện Cục TMÐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) - đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức Online Friday 2017 cũng thừa nhận, khó kiểm soát được lượng hàng hóa mà các doanh nghiệp cam kết khuyến mại, giảm giá dịp Online Friday. Tuy nhiên, mục đích chính tổ chức ngày hội này là nhằm quảng bá và thúc đẩy phát triển TMÐT, nhưng lại để khuyến mại ảo lộng hành, chắc chắn sẽ gây phản tác dụng và không đạt được mục tiêu chương trình đề ra.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, Ban tổ chức đã thiếu quyết liệt, chưa đưa ra được những quy định, chế tài cụ thể để xử lý trường hợp khuyến mại ảo. Thực tế, nếu Ban tổ chức tự tiến hành kiểm tra, rà soát sẽ rất khó loại bỏ hết khuyến mại ảo vì có đến hàng trăm nghìn sản phẩm tham gia chương trình. Do đó, giải pháp được các chuyên gia kiến nghị là phải công khai giá bán các mặt hàng khuyến mại ít nhất vài ngày trước Online Friday để cộng đồng giám sát, đồng thời tạo thuận lợi hơn cho người tiêu dùng trong tìm kiếm và chuẩn bị mua sắm. Ngoài ra, cần bố trí bộ phận hỗ trợ trực tuyến, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh do người tiêu dùng phản ánh.

Hiện nay, cách làm "bảo mật giá" đến phút chót của Ban tổ chức không chỉ gây khó khăn cho người mua mà còn vô tình tiếp tay cho khuyến mại ảo. Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức tự giác, trung thực của các doanh nghiệp tham gia bằng cách minh bạch thông tin sau mỗi lần tổ chức. Cụ thể, doanh nghiệp nào có nhiều phản ánh xấu từ người tiêu dùng hay bị phát hiện treo khuyến mại ảo, cần công khai thông tin và loại khỏi chương trình, không cho tham gia các lần sau. Cần có quy định cụ thể về trách nhiệm báo cáo của doanh nghiệp sau mỗi lần tổ chức, nhất là kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng giảm giá "khủng" từ số lượng, giá cả, thông tin người mua để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp đưa ra khuyến mại ảo.