Chính phủ và doanh nghiệp cùng dốc sức để chuyển đổi số

|

NDO - NDĐT - Ngày 20-2, Hội thảo “Đối thoại chuyển đổi số” được FPT tổ chức tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của hơn 30 lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.

Đây là hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động chuyển đổi số sẽ được FPT thực hiện trong năm 2019 với mục tiêu trở thành doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số.

Trong thư gửi tới Hội thảo “Đối thoại chuyển đổi số”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, việc xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Từ tháng 3-2018 tới nay, tức là kể từ chuyến đi đầu tiên Thủ tướng giao cho Văn phòng Chính phủ cùng Bộ Thông tin và Truyền thông và một số doanh nghiệp lớn về CNTT trong nước, trong đó có FPT, khảo sát về việc xây dựng Chính phủ điện tử và nền kinh tế số của một số quốc gia thành công trên thế giới, Chính phủ đã và đang có những bước chuyển hết sức mạnh mẽ trong khâu chỉ đạo, điều hành cũng như thực hiện.

Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã được thành lập trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin và do Thủ tướng trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Phó Chủ tịch, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là Ủy viên thường trực kiêm Tổng thư ký. Với tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ trực tiếp, Ủy ban đã có nhiều quan điểm rất cải cách khi xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn mới này và đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số văn bản pháp lý quan trọng làm nền tảng cho quá trình thực hiện chuyển đổi số khu vực công trên toàn quốc.

Năm 2019, mục tiêu mà Chính phủ chỉ đạo và Văn phòng Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy là: hoàn thành Trục liên thông văn bản quốc gia, tiến tới là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu số quốc gia; vận hành Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet); ra mắt Cổng dịch vụ công quốc gia được kết nối, liên thông với tất cả các cổng dịch vụ công của các bộ, địa phương để theo dõi tiến trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Song song với đó, Chính phủ cũng đang quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các cơ hội, điều kiện thị trường để tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh trong quá trình hội nhập. Tổ công tác của Thủ tướng và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đặt mục tiêu trong năm 2019 phải xử lý triệt để, phản ứng nhanh nhằm tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp nêu liên quan tới quá trình thực hiện các chỉ đạo điều hành của Chính phủ và thực thi chính sách, pháp luật, khắc phục tối đa tình trạng trên nóng dưới lạnh, trên rải thảm dưới rải đinh...

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chính phủ đang rất quyết liệt từ khâu làm gương trong chuyển đổi số tới tạo điều kiện, nền tảng căn bản và môi trường tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển. Vì thế, hơn lúc nào hết, Chính phủ rất cần sự đồng hành và vào cuộc quyết liệt của khối doanh nghiệp. Một đất nước phát triển phải có đội ngũ doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ và đặc biệt cần những doanh nghiệp mạnh dẫn dắt cộng đồng. Tuy nhiên, chuyển đổi số chính là cách mạng và khi tiến hành một cuộc cách mạng, sự thay đổi phải bắt đầu từ người đứng đầu.

Thứ nhất, ông Mai Tiến Dũng đề nghị các lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu Việt Nam cần lòng tự hào Việt Nam và tinh thần dấn thân: Chính phủ đã dấn thân thì các doanh nghiệp, tập đoàn cũng cần dấn thân để đưa Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam lên một vị thế mới.

Thứ hai, chúng ta cần hành động: nghĩ lớn nhưng phải hành động ngay từ những việc nhỏ. Chúng ta bàn rất nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhưng ít người bắt tay để làm ngay trong khi tư duy của các doanh nghiệp phải gắn liền với hành động. Đây là điều mà những người đứng đầu các tập đoàn cần có sự chuyển dịch mạnh trong năm 2019.

Chuyển đổi số không chỉ là trách nhiệm của CIO

Tiến sĩ Phương Trầm, Tư vấn trưởng về chuyển đổi số của FPT và là cựu CIO của DuPont.

Tại sự kiện, các lãnh đạo cao cấp của 30 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong nhiều lĩnh vực được nghe Tiến sĩ Phương Trầm, Tư vấn trưởng về chuyển đổi số của FPT và là cựu CIO của DuPont - top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới (Fortune Global 500) chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số thành công cho Tập đoàn có quy mô doanh thu 85 tỷ USD này.

Tiến sĩ Phương Trầm là người trực tiếp chỉ đạo, triển khai các chương trình chuyển đổi số của DuPont. Với một cách tiếp cận khác biệt, các chương trình chuyển đổi số của DuPont tạo ra hiệu quả to lớn, điển hình như: Tiết kiệm 1,6 tỷ USD chi phí cho công nghệ thông tin, tạo thêm hàng tỷ USD lợi ích cho tập đoàn, Giảm 90% thời gian xử lý đơn hàng; Thúc đẩy sự phát triển nhiều công cụ quản trị mới cho các đối tác công nghệ hàng đầu như Microsoft, SAP, AT&T; Đưa tên tuổi của DuPont thành một trong những câu chuyện thành công nổi trội hàng đầu về chuyển đổi số trên thế giới.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Phương Trầm chia sẻ những kinh nghiệm rất thực tế trong quá trình triển khai chuyển đổi số: “Chuyển đổi số mang lại giá trị to lớn cho doanh nghiệp, nhưng hành động có thể bắt nguồn từ sáng kiến chuyển đổi số nhỏ, có thể thực hiện và hoàn thành trong 3 đến 6 tháng, dựa trên đánh giá tổng thể các đơn vị, các chức năng của công ty, đứng từ đòi hỏi, yêu cầu của khách hàng và áp dụng những công nghệ nhanh nhất”.

Theo TS Phương Trầm, những giá trị thu được từ chuyển đổi số là gia tăng lợi nhuận vài trăm phần trăm, tiết kiệm hàng tỷ đô la chi phí công nghệ, vận hành hệ thống dữ liệu phức tạp ở mức thời gian thực, chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động, cá nhân hóa cao độ trải nghiệm khách hàng trên nền tảng số với quy mô cực lớn và tốc độ cực nhanh…

TS Phương Trầm cũng phân tích thất bại lớn nhất của chuyển đổi số là do coi đó là nhiệm vụ của CIO và quá phụ thuộc vào các chuyên gia tư vấn vì họ thường đưa ra những dự án lớn để kiếm tiền tư vấn.

“Nếu chúng ta nghĩ chuyển đổi số như một công cụ, chúng ta có thể nghĩ lớn nhưng bắt đầu làm từ nhỏ thôi, đặt ra những mục tiêu khả thi, sau đó quay trở lại hiện thực”, TS Phương Trầm nói. Theo ông, hiện tại có nhiều môi trường CNTT cũ, doanh nghiệp nên bắt đầu từ việc bảo đảm tương tác giữa họ với khách hàng thuận tiện hơn. Loại bỏ tất cả những khó khăn mà khách hàng gặp phải khi tương tác với doanh nghiệp, giúp khách hàng tương tác hiệu quả hơn. Đồng thời, cần tập trung giúp cán bộ nhân viên hiểu rõ họ có thể ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa hoạt động như thế nào. Làm thế nào để sử dụng các nền tảng công nghệ để tất cả các bộ phận nghiệp vụ loại bỏ khó khăn và phối hợp với nhau để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT.

Tại sự kiện, FPT cũng đã chia sẻ về chiến lược tiên phong chuyển đổi số của Tập đoàn và tham vọng trở thành doanh nghiệp chuyển đổi số hàng đầu thế giới trong 10 năm tới.

Ngay trong năm 2019, với năng lực, kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số cho các tập đoàn hàng đầu thế giới cùng sự tư vấn của Tiến sĩ Phương Trầm, FPT sẽ chuyển đổi thành doanh nghiệp số,vận hành dựa trên dữ liệu gần thời gian thực (Near - RealtimeData - DrivenEnterprise), nâng cao năng suất lao động và tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ bằng đổi mới sáng tạo và ứng dụng các công nghệ 4.0 như AI, BigData, tự động tương tác trò chuyện (Chatbot)... trong các hoạt động của Tập đoàn.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho biết: “Chuyển đổi số đem đến cho FPT cơ hội mới, to lớn hơn trong thế giới công nghệ thông tin bởi thị trường này có dung lượng lớn và rộng mở. Chiến lược này mang lại giá trị kép khi vừa nâng cao giá trị và vai trò của FPT, vừa tạo ra giá trị lớn cho các doanh nghiệp đồng hành cùng FPT tham gia chuyển đổi số”.