Các đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp); Mong Văn Tình (Nghệ An); Nguyễn Lân Hiếu (An Giang); Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An); Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình); Phạm Văn Tuân (Thái Bình); Cao Thị Xuân (Thanh Hóa); Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên)... chất vấn các nội dung: Giải pháp đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử; giải pháp xử lý bất cập xã hội hóa truyền hình, truyền hình thương mại "lấn lướt" truyền hình công; giải pháp xử lý một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động báo chí (thông tin giật gân, câu khách, thông tin chưa chính xác, thiếu kiểm chứng, sai sự thật, chưa đúng tôn chỉ mục đích,...); giải pháp ngăn chặn tình trạng quảng cáo tràn lan, sai sự thật, gây nguy hại trên mạng internet; cách phân loại thông tin độc hại để quản lý, tránh ngăn chặn thông tin phản biện; giải pháp đột phá để kiểm soát thông tin mạng (đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, nói xấu cá nhân, tổ chức)...
Trả lời câu hỏi của bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, nêu vấn đề về việc xây dựng Chính phủ điện tử và dịch vụ công, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định các bộ, ngành đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công, để giúp cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính hiệu quả hơn.
Cụ thể như, lĩnh vực hải quan, thuế xử lý trên 21 triệu hồ sơ trực tuyến; Bảo hiểm xã hội Việt Nam xử lý trên 28 triệu hồ sơ trực tuyến; ngành ngoại giao hơn 1,6 triệu hồ sơ trực tuyến; Bộ Kế hoạch và Đầu tư hơn 450 nghìn hồ sơ trực tuyến; Bộ Tư pháp trên 258 nghìn hồ sơ trực tuyến...
Tuy nhiên, ông Tuấn thừa nhận việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế, hệ thống cơ sở dữ liệu chưa được triển khai đồng bộ, người đứng đầu nhiều cơ quan chưa quan tâm đúng mức đến lĩnh vực này...
Theo ông, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng nhiều đề án, kế hoạch để thúc đẩy việc xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính thông qua ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin.... "Hiện đã có khung Chính phủ điện tử phiên bản 4.0", Bộ trưởng cho biết.
Trả lời chất vấn về mạng xã hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhìn nhận bên cạnh những tiện ích lớn thì loại hình này cũng có nhiều tác hại. “Mạng xã hội như con đường và đừng coi việc sử dụng là xấu, điều quan trọng nằm ở ý thức của người sử dụng", Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, hiện gần 70% người dân Việt Nam dùng internet, 53 triệu người dùng Facebook nhưng chỉ một bộ phận nhỏ với "năng lượng đen, xấu" đã làm ảnh hưởng tới môi trường mạng xã hội. Đơn cử, việc ném đá, nói xấu, bôi nhọ.. trên mạng xã hội đã dẫn tới hệ lụy khôn lường. Từ năm 2014 đến nay, có 5 - 6 người tự tử vì bị bôi xấu, ném đá tập thể trên mạng xã hội.
Bộ Thông tin Truyền thông đã, đang và sẽ làm việc với nhiều cơ quan liên quan, phối hợp xử lý để hạn chế tối đa mặt trái trên mạng xã hội. Bộ cũng đã làm việc với các mạng xã hội nước ngoài, như Facebook, Goolge... để trao đổi với các công ty này về việc một mặt tuân thủ luật quốc tế, nhưng khi kinh doanh tại Việt Nam thì cũng phải tuân thủ luật Việt Nam. Vừa qua Bộ Thông tin đã yêu cầu Youtube gỡ bỏ 5.000 video xuyên tạc, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tới đây Bộ sẽ tăng cường hoạt động phát triển mạng xã hội trong nước, đẩy mạnh thông tin trên báo chí chính thống.
Buổi chiều, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông tiếp tục trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ ba.
Trong quá trình Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các Bộ trưởng cùng tham gia trả lời chất vấn gồm: Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo và các Bộ trưởng, trưởng ngành khác tùy theo nội dung chất vấn có liên quan (nếu có).
Từ 16 giờ 50 phút đến 17 giờ chiều nay, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc nhóm vấn đề chất vấn đối với Bộ trưởngThông tin và Truyền thông.