VINASA thành lập 8 ủy ban chuyên môn “Hợp lực chuyển đổi số”

|

NDO - Hội nghị Chiến lược năm 2022 của VINASA đã đặt khẩu hiệu của năm là “Hợp lực chuyển đổi số” và thành lập 8 ủy ban chuyên môn nhằm kêu gọi các doanh nghiệp cùng đồng tâm, hiệp lực cùng các cơ quan của Chính phủ tăng tốc chuyển đổi số.

Ngày 9/3, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho biết vừa tổ chức thành công Hội nghị Chiến lược 2022. Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, Chính phủ đẩy mạnh tăng tốc chuyển đổi số và đặc biệt, VINASA kỷ niệm 20 năm đồng hành cùng sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam, một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của Hiệp hội.

Hội nghị Chiến lược năm 2022, vì vậy đã đặt khẩu hiệu của năm là “Hợp lực chuyển đổi số” kêu gọi các doanh nghiệp cùng đồng tâm, hiệp lực cùng các cơ quan của Chính phủ tăng tốc chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Sau khi xác định các mục tiêu hoạt động của Hiệp hội trong giai đoạn tới mang định hướng chiến lược bài bản, dựa trên 3 trụ cột chính là: Công nghệ, Kết nối, và Phát triển cộng đồng, và tinh thần của một Ban lãnh đạo trẻ, Hội nghị đã thành lập 8 ủy ban chuyên môn.

Ủy ban Chuyển đổi số cho doanh nghiệp: Ủy ban hướng đến việc thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, kết nối, thành lập câu lạc bộ chuyển đổi số với thành viên đến từ các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp và ứng dụng quan tâm đến chuyển đổi số. Trong năm 2022 sẽ hợp tác với các Hiệp hội chuyên ngành, các địa phương với sự vào cuộc của các doanh nghiệp công nghệ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp SMEs. Ông Lữ Thành Long, Phó Chủ tịch VINASA, Chủ tịch MISA là Chủ tịch Ủy ban.

Ủy ban Phát triển Chính phủ số: Được xác định là 1 trong 3 trụ cột chính trong Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, hoạt động của Ủy ban sẽ hướng đến đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin cập nhật, đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, kết nối chuyên gia trong nước, quốc tế để hỗ trợ các cơ quan, địa phương xây dựng, phát triển chính phủ số nhanh chóng, hiệu quả. Ông Ngô Diên Hy, Phó Chủ tịch VINASA, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT được giao làm Chủ tịch Ủy ban.

Ủy ban Thành phố thông minh: Hoạt động của Ủy ban sẽ hướng đến tập hợp lực lượng chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động cập nhật thông tin, đào tạo, tư vấn, đóng góp ý kiến xây dựng hàng lang pháp lý giúp đẩy nhanh triển khai các đề án thành phố thông minh của các đô thị. Bên cạnh các hoạt động Hội nghị và giải thưởng Smart City được tổ chức hàng năm, Ủy ban Smart City sẽ xây dựng CLB Smart City, là nơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các đô thị. Ông Nguyễn Mạnh Hổ, Phó Chủ tịch VINASA, Tổng Giám đốc Viettel Solution, làm Chủ tịch Ủy ban.

Ủy ban Phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI): Ủy ban kỳ vọng tiên phong thực hiện Chiến lược Quốc gia nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo của Thủ tướng năm 2021, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái AI tại Việt Nam từ nghiên cứu hàn lâm, phát triển các nền tảng, giải pháp đến thúc đẩy ứng dụng AI. Hoạt động của Ủy ban sẽ hướng đến đào tạo, hình thành cộng đồng các nhà phát triển, ứng dụng và vinh danh những nỗ lực nghiên cứu phát triển AI tại Việt Nam. Ngay trong năm 2022, Giải thưởng AI Việt Nam sẽ được triển khai để thực hiện hóa mục tiêu này. Ông Nguyễn Tử Quảng, Phó Chủ tịch VINASA, Tổng Giám đốc Bkav, được giao làm Chủ tịch Ủy ban AI.

Ủy ban Đầu tư & phát triển startup: Mục tiêu nâng cao hơn nữa vai trò của VINASA và các doanh nghiệp công nghệ trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gian, Ủy ban sẽ tập trung vào các hoạt động liên quan đến kết nối, đào tạo, mentor và đầu tư cho các startup. Ủy ban sẽ xây dựng các chương trình để tuyển chọn các Startup công nghệ tốt để hỗ trợ: 1. Các nền tảng, giải pháp công nghệ, 2. Hỗ trợ phát triển thị trường, 3. Tư vấn quản trị, xây dựng doanh nghiệp, và 4. Kết nối đầu tư. Dự kiến sẽ có khoảng 100 Startup sẽ được hỗ trợ năm 2022. Ông Mai Duy Quang, Phó Chủ tịch VINASA, Tổng Giám đốc TFI, làm Chủ tịch Ủy ban.

Ủy ban Hợp tác quốc tế: Bên cạnh duy trì vai trò của VINASA tại các tổ chức quốc tế WITSA, ASOCIO, APICTA, và hợp tác với các tổ chức tại các thị trường truyền thống, nhiệm vụ của Ủy ban Hợp tác Quốc tế trong giai đoạn mới là tăng cường liên kết, phát triển các kênh hợp tác mới, phát triển các mô hình hợp tác mới để thúc đẩy phát triển các thị trường đặc biệt là các thị trường tiềm năng: Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Australia, Đài Loan (Trung Quốc)… Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASA, làm Chủ tịch Ủy ban.

Ủy ban Chính sách: Đây vẫn được xem là một trong những hoạt động quan trọng hàng đầu của VINASA, với nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, tư vấn về chính sách, pháp luật cho doanh nghiệp hội viên và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan ở trung ương và địa phương. Luật sư Lê Xuân Hòa, Phó Chủ tịch VINASA, được giao làm Chủ tịch Ủy ban.

Ủy ban Phát triển cộng đồng: Ủy ban sẽ tập trung vào các hoạt động phát triển hiệp hội, giao lưu, liên kết giữa các nhóm thành viên. Đồng thời, tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh Hiệp hội, ngành CNTT, cũng như hoạt động trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) qua đó kết nối với cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng công nghệ. Ủy ban sẽ tập hợp các doanh nghiệp quan tâm, cùng xây dựng thử nghiệm trung tâm demo sản phẩm theo từng lĩnh vực, là mô hình để các cơ quan, đơn vị quan tâm có thể xem, học hỏi, hợp tác, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả cho các lĩnh vực kinh tế. Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Phó Chủ tịch VINASA, Tổng Giám đốc QTSC, làm Chủ tịch Ủy ban.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA cho biết thêm, việc thành lập 8 Ủy ban chuyên môn, phân định rõ vai trò, chức năng nhiệm vụ của từng Ủy ban được kỳ vọng không chỉ tạo ra sự chuyên nghiệp, bài bản, xuyên suốt mang tính chiến lược của VINASA, mà còn thể hiện quyết tâm của Ban Lãnh đạo trẻ VINASA trong gia đoạn tới mong muốn đẩy mạnh liên kết – hợp tác – tận dụng tối đa các nguồn lực của nhau để cùng nhau phát triển, để chuyển đổi số không chỉ cho doanh nghiệp mình, cho ngành mình mà cho toàn bộ các cơ quan, tổ chức trong nền kinh tế.