Ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

|

NDO - Ngày 3/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã ký Quyết định số 24/QĐ-UBQGCĐS ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Theo đó, Quy chế quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc và quan hệ công tác của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Quy chế này áp dụng đối với các thành viên Ủy ban và Tổ công tác giúp việc Ủy ban (sau đây gọi tắt là Tổ công tác).

Về nguyên tắc làm việc của Ủy ban: Ủy ban làm việc dân chủ, công khai và do Chủ tịch Ủy ban quyết định.

Ủy ban và thành viên Ủy ban, Tổ công tác và thành viên Tổ công tác không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính nhà nước; đề cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên Ủy ban trong hoạt động của Ủy ban và trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công; giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm được phân công, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và quy định của Quy chế này.

Các thành viên Ủy ban chủ động giải quyết công việc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính (CCHC); xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT), Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) tại Việt Nam; bảo đảm yêu cầu phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Ủy ban có thể làm việc theo các hình thức như tổ chức phiên họp định kỳ, cuộc họp đột xuất, tổ chức hội nghị, hội thảo hoặc cho ý kiến bằng văn bản.

Ủy ban họp định kỳ 1 quý/lần, sơ kết 6 tháng; họp tổng kết cuối năm với Ban Chỉ đạo CĐS của các bộ, ngành, địa phương hoặc đột xuất theo triệu tập của Chủ tịch Ủy ban. Ngoài ra, có thể họp Thường trực Ủy ban với các cơ quan liên quan. Thành phần tham dự cuộc họp do người chủ trì cuộc họp quyết định. Mỗi lần họp Ủy ban, Tổ công tác phải có báo cáo đề xuất cụ thể, rõ ràng, có mục tiêu, tiến độ và kết quả.

Tổ công tác của Ủy ban có nhiệm vụ xây dựng, trình Chủ tịch Ủy ban ban hành chương trình, kế hoạch công tác, kiểm tra hằng năm của Ủy ban và tổ chức thực hiện; báo cáo tình hình thực hiện các chương trình, kế hoạch của Ủy ban và kết luận, chỉ đạo của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban.

Đồng thời, giúp việc Ủy ban trong nghiên cứu, đề xuất về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách (bao gồm cơ chế tài chính) và giải pháp thúc đẩy tiến trình CĐS quốc gia, gắn kết chặt chẽ với CCHC; xây dựng, phát triển CPĐT, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai CMCN 4.0 tại Việt Nam.

Cùng với đó, giúp việc Ủy ban trong theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, kế hoạch và giải pháp về CĐS; xây dựng, phát triển CPĐT, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh tại các bộ, ngành, địa phương; kịp thời báo cáo và tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Ngày 24/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định kiện toàn và đổi tên Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số để đẩy mạnh chỉ đạo chuyển đổi số quốc gia trong giai đoạn mới.

Ủy ban có 16 thành viên, Chủ tịch Ủy ban là Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch thường trực là Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo lĩnh vực thông tin và truyền thông; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông làm Phó Chủ tịch.

Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số có chức năng nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng và giúp Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo, phối hợp thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.